Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Dồn sức thi môn cuối!

Tạp Chí Giáo Dục

Trước ngày 20-8 công bố điểm trúng tuyển vào các trường

Các TS thi vào Trường CĐ KTKT Phú Lâm nghe phổ biến quy chế thi sáng 14-7. Ảnh: Q.Huy

Hôm nay 16-7, thí sinh (TS) hoàn thành buổi cuối cùng của đợt thi CĐ, cũng là đợt cuối cùng của kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2012. Vì là cơ hội cuối nên dù khá mệt mỏi sau hai đợt thi đầu, các em vẫn hạ quyết tâm làm bài cho tốt khiến kỳ thi không kém phần căng thẳng.
Căng thẳng như thi ĐH
Hai ngày qua, ông Nguyễn Văn Trúc (Đồng Nai) đã thức khuya dậy sớm cùng con là TS Nguyễn Nhật Tiến (Trường THPT Nguyễn Trãi, Biên Hòa) đi thi vào Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, ngành công nghệ điều khiển tự động hóa. Trước đó, Tiến đã thi vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhưng kết quả làm bài không khả quan mấy. Chính vì vậy, em xem đây như là cơ hội “gỡ” điểm để theo đuổi ngành mình thích. “Em phải cố gắng thi đậu đợt CĐ này bằng mọi giá, chứ đợt thi ĐH coi như mất hy vọng rồi. Lần này mà làm bài không tốt nữa xem như hết cơ hội” – Tiến chia sẻ. Những TS không làm được bài tại hai đợt thi ĐH đầu tiên cũng mang tâm trạng giống Tiến.
Trong khi đó, nhận định của nhiều chuyên gia rằng điểm sàn ĐH các khối không thể hạ thấp hơn và điểm chuẩn một số ngành sẽ tăng (có khi lên đến 2 điểm) đã tạo thêm sức ép cho TS. Thực tế, ở đợt thi CĐ, tỷ lệ hồ sơ đăng ký của TS vào nhiều trường cũng cao không kém kỳ thi ĐH, tỷ lệ “chọi” theo đó cũng chẳng phải vừa. Điển hình, Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM các năm gần đây luôn đứng trong tốp đầu số lượng TS đăng ký. Năm nay, con số TS nộp hồ sơ lên tới trên 28.100, cao hơn cả mức của nhiều trường ĐH chứ không chỉ CĐ. Tổng chỉ tiêu của trường năm nay là 1.500. Như vậy, mỗi TS có nguy cơ phải “chọi” gần 20 em khác để có được suất học.  Chưa nói, đây cũng là một trong những đơn vị có điểm chuẩn cao ngất ngưởng đối với khối CĐ, hằng năm dao động từ 23 đến 26.

Kiểm tra giấy báo dự thi của TS tại Hội đồng thi Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng. Ảnh: Mê Tâm

Tương tự, ở Trường CĐ Công thương TP.HCM, riêng mức hồ sơ gia tăng trong năm nay đã bằng tổng chỉ tiêu của trường là 3.000. Với tổng số gần 26.300 TS đăng ký, để chọn ra 3.000 thì mỗi TS có thể phải “chọi” gần 10 em khác. Trường CĐ Tài chính Hải quan những năm gần đây cũng đều tuyển đủ chỉ tiêu ngay ở nguyện vọng 1 với mức điểm trúng tuyển từ 19 đến 21,5. Năm nay, trường cũng tiếp tục xếp vào hàng những trường “hút” đông TS dự thi khu vực TP.HCM, do đó mức cạnh tranh của TS để có được cơ hội học tập tiếp tục gay gắt.
Sự căng thẳng không chỉ đến với riêng TS, chính các trường cũng hồi hộp không kém trong khâu kiểm soát việc các em mang thiết bị ghi hình, thu tiếng vào phòng thi nhằm tố giác tiêu cực theo quy định mới của Bộ GD-ĐT. Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân Ngô Huy Hồ bày tỏ lo lắng: “Trường cũng tham khảo kinh nghiệm ở một số trường ĐH tổ chức 2 đợt thi trước nhằm tìm phương án áp dụng hiệu quả quy định mới nhưng thực tế các nơi đều rất bối rối và nắm mơ hồ”. Công phu hơn, Trường CĐ Bách Việt đã phải dò tìm khắp nơi để mua các thiết bị mẫu từ kính mát, bút, đồng hồ có gắn thêm chức năng ghi hình, thu âm… Phó hiệu trưởng Trần Mạnh Thành cho biết: “Dù chi phí không rẻ, từ hơn 2 triệu đến 4 triệu đồng mỗi thiết bị nhưng trường vẫn phải cố gắng mua để giúp cán bộ coi thi nhận diện trước. Vì khó “lùng” được đầy đủ các thiết bị do thời gian eo hẹp nên trường còn in thêm mẫu một số thiết bị khác từ mạng xuống cho cán bộ coi thi tham khảo. Bên cạnh đó, đối với những thiết bị mà cán bộ coi thi khó nhận diện thì sẽ nhờ sự hỗ trợ của lực lượng an ninh”. Hầu hết các trường đều yêu cầu TS khai báo rõ ràng những thiết bị mà các em dự định mang vào phòng để đảm bảo kỳ thi diễn ra trật tự, nghiêm túc.
Đề thi không quá khó, quá phức tạp
Tại Hà Nội, ông Dương Đức Chính – Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Hà Nội cho biết, năm nay số hồ sơ ĐKDT vào trường là 13.356, trong khi chỉ tiêu là 3.500. Ông Nguyễn Văn Lê – Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương, cho hay, năm nay số hồ sơ vào trường tăng hơn 1.000 so với năm trước. Tổng hồ sơ vào trường là 6.773, trong khi chỉ tiêu là 1.500 em.
Trường CĐ Sư phạm Trung ương năm nào cũng có lượng lớn hồ sơ đăng ký vào Khoa Giáo dục mầm non. Với 200 chỉ tiêu, khoa này thu hút tới 2.600 hồ sơ đăng ký dự thi. Năm nay trường mở thêm ngành kinh tế gia đình để đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại. Kinh tế gia đình hay còn gọi là ngành đào tạo quản gia, sẽ dạy cho các em cách quản lý kinh tế, các dịch vụ gia đình, chăm sóc người già, trẻ em. Trong buổi làm thủ tục, một TS ở tỉnh khác đăng ký nhầm vào CĐ Sư phạm Hà Nội (chỉ tuyển sinh TS có hộ khẩu Hà Nội) đã được linh động làm lại hồ sơ và giấy báo thi vào CĐ Sư phạm Trung ương.
Tại Trường CĐ Điện lạnh, ông Phạm Tiến Dũng, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, hồ sơ vào trường năm nay tăng 25% so với năm 2011. Có 700 chỉ tiêu hệ chính quy, nhưng trường thu hút hơn 3.000 hồ sơ đăng ký dự thi, và khoảng 70% đến làm thủ tục dự thi.

Đợt thi cuối nhưng TS vẫn căng thẳng như thi ĐH. Ảnh: Mê Tâm

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết: “Nội dung đề thi đợt này nằm trong chương trình THPT nhưng luôn đảm bảo phân loại được học sinh. Đề thi cũng không quá khó, quá phức tạp, đạt yêu cầu phân loại được trình độ học lực của TS và phù hợp với thời gian quy định cho mỗi môn thi”.
Tại Đà Nẵng, sáng 14-7, khoảng 32.000 TS đăng kí dự thi vào các trường CĐ trên địa bàn thành phố đã bắt đầu bước vào buổi làm thủ tục thi. Theo đó, sẽ có 38 điểm thi được tổ chức. Cụ thể: Trường CĐ Kỹ thuật y tế TW II, có 23 điểm thi, CĐ Thương mại có 13 điểm thi; các trường CĐ Phương Đông và CĐ Việt – Hàn, mỗi trường thành lập một điểm thi ngay tại trường. Số lượng TS dự thi CĐ năm nay tăng hơn 5.000 TS so với kì thi cùng kì năm 2011.
Mặc dù đã trải qua kì thi đại học căng thẳng nhưng ở kì thi này, khi được hỏi, đa phần TS đều cho rằng dù là thi CĐ nhưng vẫn có cảm giác lo lắng, hồi hộp và căng thẳng. TS Trần Kim Tuyến, dự thi vào Trường CĐ Thương mại cho biết: “Em vừa dự thi vào ĐH Kinh tế nhưng làm bài không tốt lắm. Em ở lại để dự thi CĐ, mong có thể đỗ để tiếp tục đi học”. Cùng chung tâm trạng trên, TS Ánh Tuyết tâm sự: “Dù đã thi một lần rồi nhưng vẫn có cảm giác run lắm. Kì thi ĐH em làm bài khá tốt, nhưng để cho chắc ăn em thi tiếp vào trường này”.
Được biết, các hoạt động tiếp sức mùa thi vẫn được Thành đoàn, Đoàn sinh viên ĐH Đà Nẵng tiếp tục triển khai với nhiều hỗ trợ cho TS. Cụ thể, có gần 1.000 chỗ trọ giá rẻ (từ 10 đến 20 ngàn đồng/người/ngày) và miễn phí xung quanh các điểm thi của Trường CĐ Thương mại, và chỗ ở tại KTX của Trường CĐ Thương mại và CĐ Kỹ thuật y tế TW II.
Phúc khảo sau 15 ngày
Đợt thi này cũng chính thức khép lại kỳ tuyển sinh ĐH – CĐ năm nay. Bộ GD-ĐT quy định, các trường công bố kết quả thi và điểm trúng tuyển trước ngày 20-8. Trước 25-8, TS nhận giấy báo trúng tuyển đợt 1; giấy chứng nhận kết quả thi (nếu không trúng tuyển đợt 1 nhưng đạt mức điểm sàn hoặc cao hơn); phiếu báo điểm (nếu kết quả thi thấp hơn điểm sàn CĐ).
Trong thời hạn 15 ngày kể từ mốc trường công bố điểm thi, TS nộp đơn phúc khảo nếu thấy kết quả thi các môn văn hóa không tương xứng với bài làm và đáp án, thang điểm đã công bố công khai. Cũng trong 15 ngày kể từ khi hết hạn nhận đơn phúc khảo, các trường công bố kết quả phúc khảo.
Chậm nhất là ngày 30-11, các trường kết thúc thời hạn xét tuyển và 31-12 phải báo cáo về bộ kết quả tuyển sinh của năm.
Nhóm P.V
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)