Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Không nên thi “2 trong 1”

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ nghe con mình đặt câu hỏi, nhiều phụ huynh còn bày tỏ thắc mắc với ban tư vấn. (Ảnh chụp tại Trường THPT Nguyễn Hiền)

Trong những ngày qua, chương trình tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức đã đến tư vấn cho học sinh (HS) các trường THPT Long Trường, THPT Tam Phú và THPT Nguyễn Hiền. Rất nhiều câu hỏi thắc mắc của các em về quy chế tuyển sinh, ngành nghề… đã được các chuyên gia tư vấn giải đáp cặn kẽ, đầy đủ.
“Yếu” thông tin
Nhiều câu hỏi của các em HS nghe có vẻ rất “ngây thơ” nhưng lại là những vấn đề mà ban tư vấn năm nào cũng gặp phải. Điều đáng nói là nhiều em tuy sinh sống ở thành phố, có điều kiện cập nhật thông tin hơn những HS ở vùng sâu, vùng xa nhưng lại rất “lười” trong việc tìm hiểu. Thậm chí câu hỏi của một HS Trường THPT Long Trường: “Khối C được thi những ngành nào?” đã khiến cho ban tư vấn bối rối “toàn tập” về mức độ “nghèo” thông tin của em này. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, khuyên thí sinh (TS) cần chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm thông tin. “Khối C thuộc nhóm ngành khoa học xã hội nên sẽ có rất nhiều sự lựa chọn cho TS như ngành luật, sư phạm, văn hóa… Em nên tìm hiểu trên website các trường ĐH, CĐ hay cẩm nang tư vấn tuyển sinh… để nắm rõ thông tin và chọn được nghề thích hợp cho mình”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, một HS Trường THPT Nguyễn Hiền băn khoăn: Học ngành quản lý giáo dục ở trường ĐH xong có được làm… hiệu trưởng, phó hiệu trưởng? Đây cũng là vấn đề mà không ít TS khi đặt bút đăng ký dự thi ĐH, CĐ từng nhầm tưởng. Ông Nguyễn Thành Phương, chuyên viên tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Sài Gòn, giải thích: Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành này sẽ có khả năng vận dụng kiến thức vào hoạt động hành chính giáo dục và quản lý giáo dục ở các cơ sở văn hóa – giáo dục.
“Tuy nhiên, điều này không có nghĩa sinh viên khi ra trường sẽ giữ chức vụ lãnh đạo trong các trường, phòng hoặc các cơ sở giáo dục khác. Các em có thể làm việc ở các sở, phòng GD-ĐT, các cơ quan văn hóa – giáo dục của Đảng, Nhà nước với vai trò là chuyên viên các phòng ban. Chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng đòi hỏi phải có nhiều năm kinh nghiệm và khả năng nắm bắt, điều hành tốt trong trường học. Do đó, các em phải có một khoảng thời gian dài để trải nghiệm mới đủ khả năng đảm nhận chức danh này”, ông Phương cho biết.
Học tập tốt, xin việc dễ
Quy trình đăng ký và nộp hồ sơ dự thi ĐH, CĐ là một trong những điều được rất nhiều TS quan tâm. Em Trần Hoàng Anh, HS lớp 12A Trường THPT Nguyễn Hiền, hỏi: Thi xong ĐH, CĐ mới đăng ký ngành hay đăng ký ngành trước khi thi? Bà Hồ Thị Ánh Tuyết, Phó trưởng phòng Công tác HSSV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nhấn mạnh: “Khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, TS phải ghi mã ngành học vào trong hồ sơ của mình. Duy chỉ có Trường ĐH Kinh tế TP.HCM không bắt buộc phải ghi vì trường này lấy điểm chuẩn các ngành bằng nhau. Sau khi học xong phần đại cương, trường sẽ căn cứ vào số điểm mà sinh viên tích lũy được để phân ngành”.
Bà Ánh Tuyết cũng lưu ý TS không nên đăng ký hai ngành trong cùng một trường để tránh nhầm lẫn. “Tôi đã gặp không ít trường hợp TS rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì nhầm lẫn không đáng có. Cụ thể, buổi sáng các em ghi số báo danh của ngành này nhưng buổi chiều lại ghi nhầm hoặc cố ý ghi nhầm số báo danh của ngành khác vì nghĩ điểm sẽ được tính chung. Tuy nhiên, theo quy định, môn nào TS không thi sẽ được tính điểm “liệt” cho ngành đó. Lẽ dĩ nhiên, những TS rơi vào trường hợp này sẽ không được cộng điểm 3 môn thi và mất quyền xét tuyển vào trường”, bà Ánh Tuyết khẳng định.
Không chỉ riêng HS, các bậc phụ huynh tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh cũng bày tỏ những băn khoăn của con mình với ban tư vấn. Bà Vũ Kim Trang có con học lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hiền trăn trở: “Sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ, liệu các trường có đảm bảo việc làm cho con tôi?”. Để giải tỏa lo lắng cho vị phụ huynh này, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, khẳng định: Hiện nay, một số trường đã thông qua phòng quan hệ công chúng hoặc quan hệ doanh nghiệp cung cấp thông tin việc làm của các doanh nghiệp, công ty cho sinh viên. Hằng năm, các trường ĐH, CĐ có tổ chức ngày hội việc làm nhằm tạo mối quan hệ và sự dạn dĩ cho sinh viên khi đi xin việc. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, vấn đề lựa chọn việc làm sau khi tốt nghiệp hoàn toàn phải do sinh viên tự chủ.
“Kết quả học tập khá, giỏi sau thời gian rèn luyện trên ghế nhà trường chính là tấm vé thông hành tốt nhất để sinh viên bước qua vòng phỏng vấn của nhà tuyển dụng. Ngoài ra, sinh viên cần tích cực rèn luyện kỹ năng, sự hiểu biết của mình để có thêm kinh nghiệm khi ứng xử với nhà tuyển dụng”, ông Nghĩa nhắn nhủ.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
“Tôi đã gặp không ít trường hợp TS rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì nhầm lẫn không đáng có. Cụ thể, buổi sáng các em ghi số báo danh của ngành này nhưng buổi chiều lại ghi nhầm hoặc cố ý ghi nhầm số báo danh của ngành khác vì nghĩ điểm sẽ được tính chung”, bà Hồ Thị Ánh Tuyết, Phó trưởng phòng Công tác HSSV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, nói.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)