Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Ngành xã hội tiếp tục tuột dốc

Tạp Chí Giáo Dục

Thu nhận, kiểm tra và phân loại hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh tại Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT khu vực TP.HCM ngày 21-4

Hôm nay, 23-4, các trường ĐH-CĐ trên cả nước chốt hạn nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh. Thống kê sơ bộ từ các trường ĐH lại cho thấy bức tranh ảm đạm của khối ngành xã hội và khung cảnh huy hoàng của khối ngành kinh tế, như chính thực tế những năm gần đây!
Chen nhau vào khối ngành kinh tế
Trong 50 hồ sơ đăng ký dự thi chọn ra ngẫu nhiên tại Văn phòng Bộ GD-ĐT khu vực TP.HCM chỉ đếm được duy nhất một em chọn thi ngành xã hội thuộc khối C trong khi lại có đến trên 20 bộ chọn các ngành kinh tế (tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán) vào những trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP.HCM), ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Tài chính Marketing… Trong đó, có thí sinh chỉ chọn duy nhất một ngành nhưng lại rải hồ sơ tại nhiều trường. Chẳng hạn, thí sinh Nguyễn Hoàng Minh (Trường THPT Gia Định, Bình Thạnh) nộp đến 3 hồ sơ vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Quốc tế, ĐH Sài Gòn cho chỉ duy nhất ngành quản trị kinh doanh với khối A1. Tương tự, thí sinh Dương Thị Kim Quyên (Trường THPT Tân Bình, quận Tân Phú) cũng chọn duy nhất ngành quản trị kinh doanh nhưng nộp 3 hồ sơ vào 3 trường là ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tài chính Marketing và CĐ Kinh tế đối ngoại. Bên cạnh đó, cũng có những em chọn nhiều ngành kinh tế của cùng một trường. Điển hình, em Trần Duy Cường (Trường THPT An Lạc) nộp 2 hồ sơ vào cùng khối A Trường ĐH Tài chính Marketing với 2 ngành quản trị kinh doanh và kế toán. Thí sinh Huỳnh Lê Phương (THPT U Minh, Cà Mau) đăng ký 2 ngành kinh doanh quốc tế và kinh tế tại Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP.HCM)… Chọn cùng một khối thi thì dù có rải nhiều hồ sơ, thí sinh cũng chỉ có cơ hội dự thi tại một trường duy nhất.
Ông Nguyễn Quốc Cường (Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) thống kê, trong 8.000 hồ sơ đã được nhập liệu, khối A chiếm gần phân nửa với 3.840 bộ, đông nhất. Hầu hết những ngành kinh tế đều được tuyển thông qua khối này. Việc thí sinh chen chân vào nhóm ngành kinh tế những năm gần đây là do suy nghĩ sẽ có nhiều cơ hội việc làm, thậm chí nhanh… giàu. Thực tế, không ít ngành kinh tế đã bước vào giai đoạn bão hòa về nhu cầu nhân lực và có thể rơi vào khủng hoảng thừa ở các năm tới. Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM Nguyễn Kim Quang nhận định, không hẳn thí sinh không lường trước thực tế khó khăn về việc làm của khối ngành kinh tế vào các năm tiếp theo, khi mà nhu cầu nhân lực bão hòa. Tuy nhiên, một bộ phận các em khi lựa chọn cũng vẫn… hy vọng khó khăn đó không rơi vào mình, bởi theo họ để thành công thì bên cạnh năng lực, nhu cầu của thị trường lao động còn có tác động từ những yếu tố khác như gặp thời cơ, may rủi…
Ngành ế vẫn… thất thế!

Rất ít thí sinh đăng ký dự thi khối C vào Trường ĐH Sài Gòn. Ảnh: M.Tâm

Đang học năm nhất ngành công nghệ thực phẩm tại Trường ĐH Sài Gòn, mới đây, sinh viên Trần Thị Ngọc Huyền lại quyết tâm đăng ký dự thi vào ngành sư phạm hóa học cùng trường. Huyền cho biết, sau một năm học em nhận ra rằng mình hợp với công việc dạy học hơn và bản thân em cũng yêu thích nghề sư phạm. So với xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh những năm gần đây, đây có lẽ là cú… lội ngược dòng bởi nếu có cơ hội thí sinh vẫn sẽ chen vào những ngành đang thịnh, đang “hot” chứ không mấy mặn mà với ngành sư phạm. Nếu các năm qua, khối ngành sư phạm luôn trong tình trạng khó tuyển sinh thì năm nay cũng ảm đạm không kém. Cũng trong 50 hồ sơ chọn ngẫu nhiên năm nay, chỉ “lọt” vào 2 nguyện vọng cho ngành sư phạm. Trong 8.000 hồ sơ đăng ký chỉ có khoảng 500 em chọn thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Đáng nói, chỉ chưa đầy 90 em trong đó chọn các ngành sư phạm khối C.
Không chỉ riêng ngành sư phạm thi khối C, các ngành thuộc khối xã hội năm nay tiếp tục chịu cảnh… thất thế như những năm trước. Cụ thể, trong 8.000 hồ sơ đăng ký chỉ có gần 270 thí sinh lựa chọn khối C, một con số quá khiêm tốn, nhất là khi số lượng dự thi thực còn giảm nữa. Trên 200 hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM chỉ có chưa đầy 40 hồ sơ chọn khối C. Trường ĐH Sài Gòn còn “thảm” hơn khi gần 920 hồ sơ đăng ký mà chỉ có khoảng 20 bộ rơi vào khối này. Tại Trường ĐH Mở TP.HCM trong gần 330 hồ sơ đăng ký chỉ có 35 thí sinh chọn khối C. Con số này ở Trường ĐH Luật TP.HCM là gần 40/130… Cơ hội việc làm hạn chế, chương trình đào tạo mơ hồ, nặng lý thuyết, thiếu sức cạnh tranh là một trong những nguyên do đã được dư luận nhiều lần đề cập khi bàn về hiệu quả công tác đào tạo khối ngành xã hội. Và mỗi năm, khi đối diện với thực trạng mất cân đối trong lựa chọn ngành nghề của học sinh thì sự kém hiệu quả trong công tác phân luồng cũng được đem ra xem xét như một trong những tác nhân gây ảnh hưởng lớn. Nhưng theo các nhà giáo dục, sự mất cân đối trong đào tạo nhân lực giữa các ngành sẽ còn tiếp diễn nếu chúng ta chỉ biết chăm chăm vào khâu tư vấn phân luồng mà bỏ quên vấn đề mở rộng cơ hội việc làm cho khối ngành xã hội. Chỉ khi việc làm cho khối ngành này phong phú, đa dạng mới thu hút được sự quan tâm chọn lựa của thí sinh.
Bài, ảnh: Mê Tâm
Đầu tháng 6, nhận giấy báo dự thi
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, kể từ đầu tháng 6, thí sinh nhận giấy báo dự thi tại nơi đã nộp hồ sơ đăng ký. Nếu phát hiện có sai sót trong giấy báo dự thi, thí sinh cần thông báo cho hội đồng tuyển sinh trường điều chỉnh.
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)