Thí sinh thi vào Trường ĐH Sài Gòn đang ôn lại bài trước khi vào phòng thi. Ảnh: T.L
|
Ngày 14-2, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức Hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ 2012. Đây là hội nghị mang tính quyết định các vấn đề quan trọng trong mùa tuyển sinh 2012. Cụ thể, lãnh đạo bộ cùng với lãnh đạo các trường ĐH, học viện, CĐ sẽ bàn và thống nhất phương án tuyển sinh, khối thi, phương thức xét tuyển. So với năm 2011, năm nay, dự kiến sẽ có nhiều thay đổi.
Nhiều cái mới
Trước đó, Bộ GD-ĐT dự kiến bổ sung khối thi A1 trong mùa tuyển sinh 2012 do Bộ Thông tin truyền thông đề xuất thêm gồm môn toán, vật lý, ngoại ngữ. Cử nhân học khối này sẽ phục vụ cho ngành CNTT. Một điều quan trọng nữa đó là bộ dự kiến sẽ kéo dài thời gian tuyển sinh. Cụ thể, sau khi có kết quả thi, những thí sinh có điểm thi trên sàn sẽ được xét tuyển vào tất cả những trường có nhu cầu mà không bị khống chế bởi thời gian của từng đợt như trước đây, chỉ cần báo cáo bộ trước ngày 31-12 hằng năm. Đặc biệt, kỳ thi 2012, thí sinh không bị giới hạn về số lượng nguyện vọng mà được quyền dùng kết quả thi dự xét tuyển ở nhiều nơi, theo nhu cầu và phương thức xét tuyển của từng trường.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, tuyển sinh năm nay tiếp tục cải tiến theo hướng gọn nhẹ, cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp “3 chung” nhưng sẽ được điều chỉnh, bổ sung một cách hợp lý theo hướng mở rộng khối thi, điều chỉnh phương thức tuyển sinh với các ngành năng khiếu, thêm chính sách với học sinh giỏi quốc gia… Ông Ga cũng cho biết, từ nay đến năm 2015, bộ thay đổi số môn thi và khối thi ĐH-CĐ. Thí sinh sẽ thi nhiều môn (hiện nay 3 môn) và dù là ngành nào cũng bắt buộc phải có một môn khoa học xã hội.
Thay đổi xu hướng chọn ngành
Tài chính ngân hàng từng là một ngành “hot”, làm mưa làm gió trong mỗi mùa tuyển sinh. Nhưng xem ra, cùng với sự khủng hoảng của kinh tế thế giới, sự phá sản của các ngân hàng, xu hướng này đã dần giảm nhiệt đối với thí sinh Việt Nam. Trong một cuộc điều tra mới đây nhất của ĐH FPT đối với 20.000 học sinh lớp 12 trên toàn quốc đã cho thấy rõ điều này. Năm 2011 số liệu khảo sát cho thấy 37% thí sinh có nguyện vọng theo học ngành này thì năm nay giảm xuống chỉ còn 23%. Khối ngành kinh tế, tài chính, ngoại thương vẫn đang chiếm vị trí áp đảo với gần 60% học sinh bày tỏ mong muốn được học. Nếu như sức hút đối với khối ngành tài chính – ngân hàng giảm đi thì một khối ngành khác sự hấp dẫn đã tăng lên là du lịch – khách sạn – nhà hàng với lượng tăng từ khoảng dưới 10% đến gần 15% trong năm 2012. Ngoài ra, các khối ngành CNTT – điện tử viễn thông cũng tăng nhẹ so với năm 2011. Khối ngành khoa học cơ bản lại tiếp tục giảm mạnh, con số năm nay đã giảm chỉ còn dưới 1%. Đại diện ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết tỉ lệ thí sinh dự thi vào nhóm ngành kinh doanh năm 2011 đã giảm khá nhiều so với năm 2010. Nhóm ngành CNTT cũng giảm số thí sinh ĐKDT. Trong khi đó, nhóm ngành y học lượng thí sinh dự thi năm 2011 lại tăng so với năm trước 1,2 lần. Nhóm ngành chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống tăng 1,6 lần so với năm 2010. Ngoài ra, một số nhóm ngành có lượng thí sinh ĐKDT tăng dần từ năm 2010 đến 2011 là kế toán – kiểm toán, luật, công nghệ kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông, dịch vụ y tế…
Thận trọng khi tăng chỉ tiêu
Tân sinh viên nộp hồ sơ nhập học vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Ảnh: N.H |
Dù chưa đến hội nghị tuyển sinh nhưng nhiều trường đã đưa ra chỉ tiêu dự kiến. Nhìn chung, các trường không tăng chỉ tiêu nhiều, thậm chí có trường còn giảm. ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2012 sẽ tuyển mới 2.700 chỉ tiêu, trong đó 1.775 chỉ tiêu các ngành đào tạo trình độ ĐH sư phạm và 450 chỉ tiêu các ngành đào tạo ngoài sư phạm (gồm cả ĐH, CĐ). Học viện Ngân hàng cho biết sẽ giữ nguyên chỉ tiêu các ngành đào tạo hệ ĐH như năm 2011 là 2.300 chỉ tiêu. Riêng trình độ CĐ, học viện tăng chỉ tiêu lên 1.050. Riêng Học viện Tài chính dự kiến sẽ giảm 50 chỉ tiêu so với năm 2011 xuống còn 3.350 chỉ tiêu (năm 2011 tổng chỉ tiêu là 3.400). Học viện tuyển sinh theo khối A và D1. Điểm trúng tuyển theo ngành và kết hợp với điểm sàn vào học viện.
Nhiều trường cũng dự kiến mở thêm ngành mới. Trong đó, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết đăng ký thêm 2 ngành mới là dược học và bác sĩ đa khoa. Với ngành dược học, chương trình học được tiếp cận theo chương trình của ĐH California (San Francisco), chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa được xây dựng trên cơ sở tiếp cận chương trình đào tạo bác sĩ của Khoa Y ĐH Havard. Ngành bác sĩ đa khoa tuyển 50 chỉ tiêu, chương trình đào tạo sáu năm, tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông trong cả nước, thi tuyển khối B. Ngành dược sĩ tuyển 50 chỉ tiêu, chương trình đào tạo 5 năm, thi tuyển khối A.
Trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội là ĐH Khoa học Tự nhiên cũng đã trình Bộ GD-ĐT Đề án tuyển sinh chuyên ngành vật lý điện hạt nhân. Dự kiến kỳ tuyển sinh tới ngành này sẽ tuyển 50 chỉ tiêu. Đặc biệt, theo lãnh đạo nhà trường, tất cả sinh viên theo học ngành này sẽ được trợ giúp học bổng. ĐH Ngoại thương dự kiến mở thêm ngành luật (tuyển sinh khối A, D). Trường cũng cho biết sẽ mở khối A1 (toán, lý, ngoại ngữ) nếu Bộ GD-ĐT cho phép.
Trường ĐH Mỏ – Địa chất dự kiến mở thêm chuyên ngành hệ thống điện, xây dựng dân dụng, xây dựng hạ tầng cơ sở và ngành kỹ thuật môi trường. Hệ CĐ, trường mở thêm chuyên ngành mới là CNTT. Trường ĐH Điện lực cho biết đang xin Bộ GD-ĐT mở thêm mã ngành mới là xây dựng, trong đó có chuyên ngành là công trình điện. Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến sẽ bổ sung 2 chuyên ngành mới là công tác xã hội và quản lý Nhà nước trong mùa tuyển sinh 2012 với khoảng 50 sinh viên/ngành và tuyển đồng thời cả hai khối C, D.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)