Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Khó liên thông, “nói không” với CĐ

Tạp Chí Giáo Dục

TS nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2013 tại Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM ngày 10-4

Chưa có bức tranh tổng thể nhưng số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào hệ CĐ đến nay rất ít. Thậm chí, nhiều thí sinh (TS) kiên quyết “nói không” với CĐ và sẵn sàng chấp nhận phương án cuối cùng là đăng ký học tại các trường ĐH ngoài công lập vì ngại… khó liên thông.
Phải thừa nhận một thực tế là các năm qua, việc tuyển sinh vào CĐ của nhiều trường được thuận lợi hơn nhờ một bộ phận không nhỏ TS chấp nhận lấy việc học CĐ làm “đường vòng” để vào ĐH bằng phương án liên thông. Và năm nay, trước những quy định… khắt khe hơn của việc liên thông, cách đi đường vòng ấy đã không còn được số đông TS lựa chọn.
CĐ “tụt hạng”
Thời điểm những ngày cuối cùng của đợt đầu tiên thu nhận hồ sơ ĐKDT của TS, văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM nhận được khoảng 2.000 hồ sơ của TS vãng lai. “Cùng thời điểm này năm trước, số lượng hồ sơ tại điểm này đã lên đến 5.000. Đó là chưa kể, thời hạn nộp hồ sơ năm ngoái kéo dài hơn năm nay” – ông Nguyễn Quốc Cường (Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) so sánh. Trong 500 hồ sơ đã được nhập liệu, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dẫn đầu với 94 hồ sơ, kế đến là Trường ĐH Y dược TP.HCM với 91 bộ. Sau đó mới tới ngành “hot”, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhận được 54 hồ sơ. Các trường tốp giữa như ĐH Tài chính – Marketing, ĐH Sài Gòn cũng vẫn giữ được “vị trí” như mọi năm. Trong con số đó, theo ông Cường, số TS chọn vào CĐ rất thưa thớt, thậm chí có những trường “mất dạng”. Chỉ riêng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM là vẫn giữ được… phong độ, luôn dẫn đầu tốp thu hút TS như các năm, các trường còn lại có rất ít TS chú ý tới.
Phạm Hoàng Giang hiện đang là sinh viên năm 2 ngành tài chính – ngân hàng (Trường CĐ Tài chính Hải quan) nhưng lại làm hồ sơ thi vào đúng ngành này hệ ĐH của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Giang cho biết, nếu năm nay đậu ĐH, em sẽ bỏ hẳn trường CĐ đang học mặc dù thời gian, công sức và tiền bạc bỏ ra cho gần 2 năm học qua là không nhỏ. “Em thi vậy, sau này khỏi phải mất công thi liên thông thêm một lần nữa” – Giang giải thích. Còn Lê Trần Lan Chi (sinh viên ngành thống kê kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) cho biết đã định hướng cho em trai thi vào trường ĐH, chấp nhận ôn luyện thêm một năm nếu không đậu chứ không đăng ký hồ sơ vào hệ CĐ vì sau này khó học liên thông.
Chỉ tiêu dồi dào
Trong 50 hồ sơ ĐKDT được lựa chọn ngẫu nhiên, chỉ có 5 hồ sơ chọn vào các trường CĐ, còn lại là ĐH. Trong 5 hồ sơ đó, chỉ có 1 TS lựa chọn duy nhất hệ CĐ, 4 TS còn lại đều nộp kèm hồ sơ 4 trường ĐH. Nghĩa là, ĐH vẫn được ưu tiên hàng đầu. Và nếu đậu ĐH, xác suất TS bỏ CĐ là dễ thấy. Năm 2012, các trường CĐ trên cả nước chỉ tuyển được 78% tổng chỉ tiêu, trong tình hình mới của năm nay, để đạt được ngưỡng chỉ tiêu mong đợi đối với các trường có lẽ không dễ dàng gì.
Trong khi đó, tại nhiều trường CĐ, chỉ tiêu tuyển sinh năm nay vẫn khá phong phú, nhất là các trường địa phương. Đơn cử, Trường CĐ Sư phạm Hà Nội lấy 1.220 chỉ tiêu cho 20 ngành; hai trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội, CĐ Xây dựng công trình đô thị cùng lấy 1.600 chỉ tiêu… Tại phía Nam, Trường CĐ Cần Thơ cũng tuyển 2.000 chỉ tiêu cho 19 ngành; Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức tuyển hơn 1.400 chỉ tiêu cho 8 ngành. Số lượng chỉ tiêu tại Trường CĐ Công thương TP.HCM lên đến 3.000, trong đó, chiếm cao nhất là ngành tài chính – ngân hàng với 400 chỉ tiêu. Ở khối kỹ thuật, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng tuyển 2.500 chỉ tiêu cho 9 ngành…
Bài, ảnh: Mê Tâm
Không nên vào ĐH bằng mọi giá
Ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho rằng, học sinh không nên vào ĐH bằng mọi giá. Đừng để sau khi vào ĐH hoặc học… chán chê rồi lại chán nản vì nhận ra bản thân không phù hợp với ngành nghề. Hiện có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp chỉ tuyển khoảng 10-12% lao động trình độ ĐH, còn lại hệ CĐ, TCCN. 
 
 

Bình luận (0)