Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Nhiều điểm mới cần lưu ý

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh làm thủ tục dự thi trong kỳ thi ĐH, CĐ 2012. Ảnh: M.Tâm

Ban chỉ đạo tuyển sinh Bộ GD-ĐT vừa họp bàn, chốt lại phương hướng cho mùa tuyển sinh 2013. Theo đó, năm nay, thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 sẽ có nhiều điểm mới, trong đó có những điểm mới có lợi cho thí sinh…
Điểm xét tuyển đợt sau không được thấp hơn đợt trước
Quy định này đã được thực hiện từ trước năm 2012. Nhưng năm qua, Bộ GD-ĐT không quy định lại cụ thể vấn đề này. Chính vì vậy xảy ra tình trạng điểm chuẩn các trường tha hồ “nhảy múa”. Để bảo vệ quyền lợi cho người học, năm 2013, Bộ GD-ĐT chính thức yêu cầu các trường dự tính điểm xét tuyển nguyện vọng sau không được thấp hơn nguyện vọng trước. Đồng thời, rút ngắn thời gian xét tuyển nguyện vọng đến cuối tháng 10 (sớm hơn 1 tháng so với năm 2012). Bộ GD-ĐT cũng quy định các trường phải đặt ra thời hạn xét tuyển mỗi đợt là 20 ngày; thời hạn xét tuyển bắt đầu từ ngày 20-8 và kết thúc ngày 30-10. Đặc biệt, đối với thí sinh dự thi liên thông ĐH, CĐ chính quy sẽ thi chung với ĐH, CĐ chính quy và nếu không trúng tuyển cũng sẽ được xét tuyển vào học liên thông các trường khác cùng khối thi, trong vùng tuyển và đáp ứng được yêu cầu của trường cần tuyển.
Không nhận bản sao giấy báo điểm
Năm 2012, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa ra quy định thí sinh không đỗ vào trường đăng ký dự thi sẽ được cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi. Đồng thời, các thí sinh có thể dùng bản gốc hoặc bản sao tùy theo yêu cầu của trường xét tuyển. Tuy nhiên năm nay bộ quyết định thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển khi nộp bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi. Bên cạnh đó, mỗi thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi ĐH, CĐ cho thí sinh không trúng tuyển vào trường đã đăng ký nhưng có kết quả thi từ điểm sàn CĐ trở lên (không có môn nào bị điểm 0) để thí sinh đăng ký xét tuyển. Theo ông Ngô Kim Khôi – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) – các trường chỉ nhận bản gốc nhưng thí sinh có thể rút hồ sơ nộp sang trường khác xét tuyển nếu muốn thay đổi nguyện vọng. Như vậy, mỗi thí sinh chỉ có 3 cơ hội xét tuyển.
Bổ sung ưu tiên xét tuyển cho học sinh 23 huyện nghèo
Năm 2012, Bộ GD-ĐT đã thực hiện quy định ưu tiên xét tuyển cho học sinh 62 huyện nghèo theo quy định nghị quyết 30a của Chính phủ. Ngày 5-2, Thủ tướng Chính phủ có quyết định bổ sung 23 huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao được áp dụng các cơ chế, chính sách như 62 huyện nghèo đã xác định trước đó. Do đó, từ năm 2013, ngoài 62 huyện nghèo sẽ có thêm học sinh 23 huyện nghèo được hưởng chính sách xét tuyển ưu tiên vào các trường ĐH.
Bộ GD-ĐT cũng thực hiện chính sách ưu tiên xét tuyển cho học sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam bộ. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cho phép các trường trên địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ tuyển thí sinh có hộ khẩu thường trú từ ba năm trở lên, học ba năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại ba khu vực trên với mức điểm thi thấp hơn điểm sàn 1 điểm.
Chấm thanh tra tối thiểu 5% bài thi tự luận
Năm 2012 Bộ GĐ-ĐT phát hiện một số trường còn sai sót, thiếu nghiêm túc trong chấm bài thi tự luận, có nơi không chấm hai vòng độc lập theo quy định, có biểu hiện đánh dấu bài, do đó năm 2013, bộ quyết định yêu cầu các trường thành lập ban chấm thanh tra tại trường để chấm thanh tra tối thiểu 5% tổng số bài thi đối với mỗi môn thi tự luận. Bộ GD-ĐT cũng khẳng định việc bổ sung ban chấm thanh tra sẽ không làm thay đổi tiến độ công bố kết quả thi. Theo kế hoạch, trước ngày 31-7, các trường ĐH có tổ chức thi tuyển sinh hoàn thành chấm thi, công bố điểm thi của thí sinh trên các phương tiện truyền thông đại chúng và thời hạn này đối với các trường CĐ là trước ngày 5-8. Hội đồng tuyển sinh nhà trường sẽ tự quyết định việc chấm thanh tra cùng lúc với chấm thi hay nếu bài thi ít có thể chấm thi bình thường xong sẽ tổ chức chấm thanh tra. Căn cứ kết quả chấm thanh tra, tư vấn của ban chấm thanh tra, hội đồng tuyển sinh sẽ chỉ đạo công tác chấm thi kịp thời, đảm bảo việc chấm thi đúng đáp án, thang điểm của bộ và sự chính xác của kết quả thi. Ngoài ra, sau khi có kết quả thi, hội đồng chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chấm thẩm định, nếu phát hiện sai sót sẽ xử lý nghiêm.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)