Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2014: Kinh tế đông, sư phạm vắng

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2013. Năm nay chỉ tiêu vào khối ngành sư phạm tại một số trường khá “khiêm tốn”
Dù có sự dè dặt của người học nhưng chỉ tiêu mà các trường dự kiến dành tuyển cho nhóm ngành kinh tế năm nay vẫn lấn át khối ngành sư phạm, kỹ thuật, công nghệ…
Một số ngành mới mở, dự kiến tuyển sinh trong năm nay khả năng chỉ lấy mức điểm bằng sàn, cơ hội cho thí sinh là rất lớn.
Ngành kinh tế vẫn “lấn át”
Chỉ tiêu dự kiến của các trường ĐH năm nay vẫn dành khá nhiều cho khối ngành kinh tế, đồng thời “khiêm tốn” ở nhóm ngành sư phạm, kỹ thuật… Điển hình, tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ngành quản trị kinh doanh mặc dù điểm chuẩn NV1 năm trước không quá cao (16 điểm), thậm chí thấp hơn rất nhiều so với ngành khác nhưng chỉ tiêu dự kiến năm nay vẫn dẫn đầu với 350 chỉ tiêu. Kế đến, hai ngành khác là kế toán, tài chính – ngân hàng cũng lần lượt lấy 250 và 200 chỉ tiêu.
Tương tự, tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM năm nay, chỉ tiêu dự kiến các ngành kinh tế gấp đôi các ngành kỹ thuật. Bậc ĐH, ngành tài chính – ngân hàng cao nhất với 300 chỉ tiêu. Kế đó, hai ngành quản trị kinh doanh và kế toán mỗi ngành lấy 200 chỉ tiêu. Trong khi đó, đa số các ngành kỹ thuật chỉ lấy 100 chỉ tiêu, số ít khác lấy 200. Bậc CĐ, ngành kế toán cũng dẫn đầu với số lượng 200 chỉ tiêu, gấp đôi tất cả các ngành còn lại.
Trường ĐH Nha Trang, trừ rải rác một số ngành lấy cao còn hầu như nhóm ngành kỹ thuật – công nghệ chỉ lấy khoảng 50 hoặc 70 chỉ tiêu mỗi ngành. Trong khi đó, nhóm ngành kinh tế vượt trội, cụ thể bậc ĐH, ngành kế toán dự kiến lấy đến 200 chỉ tiêu, hai ngành quản trị kinh doanh và kinh doanh thương mại lấy 100 chỉ tiêu mỗi ngành. Bậc CĐ, ngành kế toán cũng dẫn đầu (lấy 140 chỉ tiêu) trong khi các ngành khác hầu như không vượt ngưỡng 70.
Trong khi đó, ở Trường ĐH Cần Thơ, các ngành sư phạm chiếm tỷ lệ chỉ tiêu thấp nhất. Cụ thể, 4 ngành sư phạm vật lý – tin học, sư phạm vật lý – công nghệ, sư phạm sinh – kỹ thuật nông nghiệp, sư phạm địa lý mỗi ngành chỉ lấy 40 chỉ tiêu. Các ngành sư phạm còn lại cũng lấy từ 60 đến 80 chỉ tiêu mỗi ngành. Riêng 3 ngành giáo dục công dân, giáo dục tiểu học, giáo dục thể chất lấy 60 chỉ tiêu mỗi ngành. Ngược lại, nhóm ngành kinh tế, lượng chỉ tiêu khá đông đảo. Ngành tài chính – ngân hàng lấy đến 220 chỉ tiêu, hai ngành kế toán, kiểm toán lấy 100 chỉ tiêu mỗi ngành…
Thực tế, vài năm trở lại đây, dù với lượng chỉ tiêu dồi dào, “cánh cổng” vào ĐH ở nhóm ngành kinh tế vẫn rộng mở nhưng người học đã có phần dè dặt bởi nhu cầu nhân lực “bão hòa”. Nhiều học sinh tham gia một số chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm nay bày tỏ e ngại đối với lựa chọn nhóm ngành kinh tế do lo sợ vấn đề thiếu việc làm. Đại diện các trường ĐH cũng cho rằng, thực chất xã hội vẫn rất cần nhân lực khối ngành kinh tế nhưng là nguồn nhân lực có trình độ cao. Do đó, sẽ không còn tình trạng thí sinh dù lực học nào cũng “chen chân” vào kinh tế. Cơ hội việc làm thực sự chỉ dành cho những em đủ năng lực, học tốt và đáp ứng được yêu cầu cao của công việc.
Ngành mới, cơ hội lớn
Một số ngành mới mở năm nay tại các trường dự kiến lấy điểm trúng tuyển bằng sàn nên cơ hội cho thí sinh là khá lớn. Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm nay tuyển sinh thêm 3 ngành mới là ngôn ngữ Nhật, ngôn ngữ Pháp và ngôn ngữ Trung Quốc. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM dự kiến mở thêm 3 ngành mới gồm ngôn ngữ Anh, công nghệ may, khoa học dinh dưỡng và ẩm thực. Tổng chỉ tiêu dự kiến hệ ĐH tại trường năm nay là 2.700, CĐ là 1.100. ThS. Phạm Thái Sơn (Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cho biết, với những ngành mới, dự kiến tuyển trong năm nay, khả năng trường chỉ lấy điểm chuẩn ngang mức sàn.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM bổ sung thêm ngành kỹ thuật cơ sở hạ tầng và 4 chuyên ngành gồm cấp thoát nước, kỹ thuật công trình thủy, thủy lợi – thủy điện và công nghệ may. Trường ĐH Cần Thơ, theo Phó hiệu trưởng Đỗ Văn Xê, năm nay trường dự kiến mở thêm ngành triết học (khối C, 80 chỉ tiêu), vật lý kỹ thuật (khối A, A1, 60 chỉ tiêu), kỹ thuật tài nguyên nước (khối A, A1, 80 chỉ tiêu). Được biết, tổng chỉ tiêu dự kiến tuyển sinh 2014 của trường là 8.500. Bên cạnh việc mở thêm 2 ngành mới Luật Kinh tế và kinh tế quốc tế, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM năm nay còn tuyển sinh thêm khối D1 cho tất cả các ngành…
Bài, ảnh: M.T
Hai điểm mới của thi ĐH, CĐ 2014
Theo thông tin của Báo Giáo dục TP.HCM, vấn đề tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 sẽ có hai điểm thay đổi chính là: Các trường ĐH, CĐ ngoài việc thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức, có đề án hợp lệ sẽ tổ chức thi riêng theo đề án; xem xét điểm sàn bằng việc nghiên cứu để đưa ra một số tiêu chí bảo đảm chất lượng nguồn tuyển đầu vào.
N.Huê
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)