Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2014: Phấp phỏng điểm chuẩn

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh thấp thỏm lo cho con làm bài thi tại kỳ thi ĐH-CĐ vừa qua giờ tiếp tục lo về điểm chuẩn ở các trường. Ảnh: L.Sâm
Cho đến thời điểm hiện tại, hầu như các trường ĐH, CĐ đã hoàn thành công tác chấm thi và đã báo điểm cho thí sinh (TS). Tuy nhiên, đa số các trường đều chưa công bố điểm chuẩn cụ thể mà mới chỉ dự kiến. Thậm chí nhiều trường vẫn “án binh bất động” chờ sau khi Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng chất lượng tối thiểu. Chính vì vậy, trừ các thủ khoa, còn lại các sĩ tử và phụ huynh vẫn đang ngồi trên đống lửa.
Đứng ngồi không yên
Đã biết điểm của con cả tuần nay nhưng chị Nguyễn Ngọc Mai, Cầu Giấy, Hà Nội vẫn ăn chưa ngon, ngủ chưa yên vì chưa biết con mình đỗ hay trượt. Con trai chị năm nay dự thi hai khối là A1 và D1. Khối A1 cháu thi Học viện Tài chính được 16,5 điểm, khối D1 thi ĐH Hà Nội được 20 điểm. Điều mà chị lo lắng nhất hiện nay đó là với 2 mức điểm này, con trai chị bằng đúng điểm chuẩn vào 2 trường năm 2013. Chị lo một nhưng con trai chị lo mười. Hàng ngày cậu ngồi ôm riết máy tính để chờ đợi các trường công bố điểm chuẩn đồng thời gửi tin nhắn đến các tổng đài để chờ hồi âm. Nhưng cho đến giờ, cả trên mạng và trên di động vẫn chưa thấy tin tức gì. Chị Mai đi làm thì như người mất hồn còn con trai ở nhà chả buồn ăn, ngủ. Chị khuyên con nên đi chơi nhưng cháu cũng không ra khỏi nhà.
Cùng tâm trạng này, chị Hoàng Thu Thủy ở Hải Phòng có con thi vào Khoa Kinh tế quốc tế, ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội được 22 điểm, đây cũng là mức điểm chuẩn năm ngoái của trường. Tuy nhiên, qua các phương tiện thông tin đại chúng, chị Thủy thấy năm nay số lượng hồ sơ dự thi vào trường cao hơn năm ngoái, chỉ tiêu lại không tăng. Chính vì vậy, chị và gia đình lo lắng cho rằng mức điểm của con nằm ở ngưỡng không an toàn. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều phụ huynh và TS dự thi năm nay đạt điểm chỉ bằng hoặc hơn mức điểm sàn năm ngoái nửa điểm đến 1 điểm nhất là đối với những trường khối kinh tế và những trường tốp trên. Theo Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Hà Nội thì điểm chuẩn năm nay sẽ có nhiều bất ngờ. ĐH Hà Nội mới đang lên phổ điểm, sau đó sẽ họp hội đồng rồi mới quyết định đưa ra phương án điểm chuẩn. Cũng theo vị Phó trưởng phòng Đào tạo thì phải sau khi Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng chất lượng tối thiểu trường mới công bố điểm chuẩn.
Cuộc chiến nguyện vọng 2
Đa số TS và người nhà đều hy vọng sẽ trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1. NV1 thường là NV chủ chốt, còn NV2, NV3 chỉ là phương án dự phòng. Nếu trượt NV1 tức là sự ưu tiên số 1 đã không đạt được như mong muốn thì phụ huynh và TS bắt đầu đi tìm cửa ở NV2, NV3. Tuy nhiên, NV2, NV3 thường là các trường tốp dưới hoặc các trường ngoài công lập. Có con thi vào ĐH Kinh tế Quốc dân đạt 17,5 điểm, chị Nguyễn Thúy Minh ở Đống Đa, Hà Nội không khỏi phiền lòng. Thứ nhất là từ ngày biết điểm, con gái chị không ra khỏi nhà, đến bữa xuống ăn, ăn xong lại lên phòng bật điều hòa và trùm kín chăn, ai hỏi không nói, ai gọi không thưa. Thứ hai là mức điểm con đạt được không cao nên chị cũng lo khó có thể tìm được trường học NV2 cho con vừa ý. Nhưng điều chị lo nhất bây giờ là không biết làm thế nào để ổn định được tinh thần cho con gái. Cũng trong tâm trạng tương tự, chị Mai Anh ở Gia Lâm, Hà Nội có cậu con trai thi Khoa Vật liệu, ĐH Bách khoa được 17 điểm, thiếu 1 điểm để được vào trường. Biết con trượt ĐH Bách khoa nhưng còn ĐH Công nghiệp Hà Nội và ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp cũng có khoa tương tự có thể đăng ký NV2. Vấn đề của chị Mai Anh gặp phải ở chỗ con trai chị chỉ thích Bách khoa và nhất định không học một trong 2 trường kia. Chị đang huy động họ hàng, anh em đến để động viên con chấp nhận học NV2 rồi sang năm thi lại ĐH Bách khoa. Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt như ý muốn ở NV2. Bởi sự may rủi ở NV2, NV3 còn cao hơn NV1. Chính vì vậy, trong lúc chờ đợi Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng chất lượng tối thiểu thì phụ huynh và TS còn căng mình hồi hộp.
Nghiêm Huê
Ngày 8-8 công bố mức điểm xét tuyển
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết năm nay sẽ có 4 mức điểm xét tuyển cơ bản cho từng khối thi, trong đó sẽ có 3 mức dành cho các trường ĐH và 1 mức tối thiểu để xét tuyển vào các trường CĐ. Các trường căn cứ vào mức điểm công bố này để xét tuyển TS trong kỳ thi năm nay. Bộ GD-ĐT quy định: Đối với các trường, các ngành không quy định môn thi chính, tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào là các mức điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi. Đối với trường, ngành quy định môn thi chính, tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào là điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số môn chính (tổng điểm 3 môn thi, trong đó có 1 môn thi chính nhân hệ số 2) vào trường hay vào từng ngành của trường. Nguyên tắc xác định điểm chuẩn xét tuyển trong trường hợp này là giá trị trung bình của điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính không được thấp hơn giá trị trung bình của mức điểm xét tuyển cơ bản vào ĐH hoặc CĐ đã được Bộ GD-ĐT công bố và trường đã lựa chọn (các điểm trung bình này được làm tròn với 2 số lẻ). Sau khi Bộ GD-ĐT công bố các mức điểm xét tuyển để vào ĐH, CĐ: Đối với các trường, ngành không quy định môn thi chính: Xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển vào trường hay vào từng ngành của trường. Điểm chuẩn xét tuyển này không được thấp hơn mức điểm xét tuyển vào ĐH, CĐ mà bộ đã công bố và trường đã lựa chọn. Đối với các trường, ngành đã công bố môn thi chính: Xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn chính theo nguyên tắc đã nêu. Các trường ĐH, CĐ tổ chức xét tuyển các TS có kết quả thi đạt mức từ mức điểm chuẩn xét tuyển trở lên (điểm chuẩn xét tuyển cơ bản hoặc điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số của môn chính) theo các quy định hiện hành của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Dự kiến ngày 8-8, hội đồng xác định điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào của bộ sẽ họp và công bố mức điểm xét tuyển cho từng khối thi (thay thế điểm sàn trước đây).
Thiên Lam
 
 

Bình luận (0)