Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tuyển sinh ĐH – CĐ 2015: Bí quyết chọn trường để xét tuyển

Tạp Chí Giáo Dục

Em Nguyễn Xuân Hà đặt câu hỏi cho Ban tư vấn chương trình
Thí sinh xem thông tin về mã ngành đào tạo, cách thức xét tuyển mỗi trường ở đâu, căn cứ vào cơ sở nào để xác định điểm trúng tuyển, học ĐH khác gì so với học phổ thông?… Đó là những câu hỏi của học sinh Trường THPT Thủ Thiêm (TP.HCM) đặt ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa qua.
Cập nhật website để đăng ký xét tuyển
Trong những câu hỏi đầu tiên, các em đã đề cập đến vấn đề điểm chuẩn của các trường ĐH để nộp phiếu đăng ký. Em Phạm Tuyết Nhi (học lớp 12C2) phân vân: “Em được biết nguyện vọng 1 rất quan trọng đối với thí sinh vì hầu hết các trường thuộc tốp đầu sẽ tuyển đủ, ít khi xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Vậy khi đăng ký xét tuyển, em nên căn cứ vào những cơ sở nào để dự đoán được là mình có thể trúng tuyển hay nên rút hồ sơ nộp sang trường khác?”. Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cho biết: “Thời điểm này học sinh lớp 12 phải làm rất nhiều việc là vừa ôn thi học kỳ, vừa chọn môn để đăng ký thi THPT quốc gia. Vì thế, các em nên tập trung thực hiện những việc này, còn xét tuyển như thế nào để nắm chắc trúng tuyển thì không nên quá lo lắng. Khi các em thực hiện tốt kỳ thi THPT quốc gia xong, các em có thể căn cứ vào những cơ sở sau để đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ: Điểm chuẩn dao động những năm gần đây của trường, điểm thi của mình và danh sách thí sinh nộp vào trường mà mình đã nộp (vì danh sách này các trường sẽ cập nhật trên website của trường 3 ngày/lần trong đợt xét tuyển đầu tiên). Sau khi dựa trên những cơ sở này để phân tích, nếu thấy khả năng trúng tuyển không cao thì các em nên rút hồ sơ và nộp sang trường khác”.
Một em học sinh khác thắc mắc: “Các năm trước Bộ GD-ĐT đều ban hành cuốn Những điều cần biết thi ĐH, CĐ. Vậy năm nay bộ có phát hành cuốn này không, chúng em nên xem thông tin ở đâu?”.
Ông Nguyễn Quốc Cường tiếp tục cho biết: “Năm nay Bộ GD-ĐT không phát hành cuốn Những điều cần biết thi ĐH, CĐ, do đó các em nên vào website: tuyensinh.vn để đăng ký môn thi phù hợp với trường. Trang web này có tất cả thông tin về các trường như xác định tổ hợp môn xét tuyển, chỉ tiêu, mã ngành từng trường…”.
Nam sinh cũng chọn ngành sư phạm
“Thời điểm này học sinh lớp 12 phải làm rất nhiều việc là vừa ôn thi học kỳ, vừa chọn môn để đăng ký thi THPT quốc gia. Vì thế, các em nên tập trung thực hiện những việc này, còn xét tuyển như thế nào để nắm chắc trúng tuyển thì không nên quá lo lắng”, ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, nói.
Ngành sư phạm, đặc biệt là chuyên ngành âm nhạc hay sư phạm mầm non thông thường chỉ dành cho “phái yếu” thì nay “phái mạnh” cũng muốn thử sức.
Em Nguyễn Xuân Hà (học lớp 12A5) hỏi: “Ngành sư phạm âm nhạc Trường ĐH Sài Gòn tổ chức thi tuyển năng khiếu như thế nào? Có cần ôn tập không?”. Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Minh Tâm, đại diện Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Sài Gòn, cho hay: “Về ngành sư phạm âm nhạc, các em có thể đăng ký xét tuyển các tổ hợp môn là hát xướng âm, thẩm âm tiết tấu, văn hoặc ngoại ngữ. Nhà trường sẽ tổ chức ôn tập môn năng khiếu cho thí sinh từ ngày 1-4 đến 20-5 nên các em có nhu cầu xét tuyển ngành này có thể đăng ký để ôn tập”.
Trao đổi với chúng tôi, Hà cho biết: “Dù là học sinh nam nhưng ước mơ của em là trở thành một giáo viên âm nhạc dạy ở các trường phổ thông hoặc làm việc ở nhà thờ vì em đang sống ở đó. Với ngành này, em nghĩ nam giới có lợi thế cao hơn vì thường quãng giọng cao hơn. Em chỉ lo lắng về vấn đề việc làm thôi”.
Một học sinh nam hỏi tiếp: “Ngành sư phạm mầm non thi năng khiếu như thế nào? Ngành này có xét tuyển học bạ không?”. Ông Hoàng Minh Tâm cho biết: “Ngành sư phạm mầm non ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xét tuyển dựa vào điểm thi THPT quốc gia, có sơ tuyển về ngoại hình như nam cao 1,55m trở lên, nữ cao 1,50m trở lên và hạnh kiểm 5 học kỳ THPT quốc gia phải đạt từ khá. Còn Trường ĐH Sài Gòn xét tuyển dựa vào 3 tổ hợp môn là kể chuyện, đọc diễn cảm; hát, nhạc; văn hoặc ngoại ngữ hay lịch sử”.
Bài, ảnh: Dương Bình
ĐH khác phổ thông như thế nào?
Trong chương trình tư vấn tuyển sinh tổ chức ở Trường THPT Thủ Thiêm, ngoài những thắc mắc về kỳ thi THPT quốc gia hay cách xét tuyển vào một trường ĐH, nhiều em học sinh còn quan tâm đến vấn đề “học ĐH khác với học phổ thông như thế nào?”. Giải đáp vấn đề này, ông Dương Duy Khải, đại diện Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: Học ĐH, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức về một nghề nhưng cơ chế không giống với học phổ thông, không mời phụ huynh lên họp thường xuyên mà đòi hỏi yếu tố tự học là chính. Do đó, nếu các em không chịu học, đối phó với thầy cô bằng việc quay cóp thì khi ra trường chắc chắn không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng.
 
 
Hỏi – đáp
Năm nay ĐHQG TP.HCM có tổ chức tuyển sinh riêng giống như ĐHQG Hà Nội không? (một học sinh nữ Trường THPT Thủ Thiêm hỏi)
– ThS. Trần Từ Duy, Trưởng phòng Hướng nghiệp – Việc làm ĐHQG TP.HCM, trả lời: ĐHQG TP.HCM không tổ chức tuyển sinh riêng mà sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Tuy nhiên, các trường thành viên của ĐHQG TP.HCM sẽ áp dụng hình thức sơ tuyển là xét kết quả trung bình THPT (điểm trung bình lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12) của học sinh từ 6,5 điểm trở lên (các trường ĐH khác thường từ 6,0 trở lên).
Học ngành cơ khí của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM được cấp bằng kỹ sư hay cử nhân sư phạm? (một học sinh nam Trường THPT Thủ Thiêm hỏi)
– Ông Nguyễn Ngọc Bích, đại diện Ban tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trả lời: Ngành cơ khí ở trường chúng tôi được chia ra thành nhiều ngành nhỏ như công nghệ kỹ thuật, công nghệ kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật công nghệ cơ điện tử… Trường sẽ đào tạo ngành này ở hai lĩnh vực là kỹ sư công nghệ và giáo viên dạy nghề. Nếu trúng tuyển, khi đăng ký nhập học các em có 3 lựa chọn cơ bản là: Học theo chương trình đào tạo đại trà (học phí khoảng 6-7 triệu/năm), học theo chương trình đào tạo chất lượng cao (học phí khoảng 25 triệu/năm) hoặc học chương trình đào tạo sư phạm kỹ thuật (4 năm học kỹ sư và 1/2 năm học chứng chỉ sư phạm, được miễn hoàn toàn học phí). Học theo chương trình sư phạm kỹ thuật thì khi tốt nghiệp các em sẽ được cấp bằng kỹ sư công nghệ và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để có thể tham gia giảng dạy.
M.Châu (ghi)
 

Bình luận (0)