Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2015: Vừa chạy vừa xếp hàng

Tạp Chí Giáo Dục

Những tưởng một kỳ thi THPT quốc gia đã xuôi chèo mát mái nhưng khi bước vào xét tuyển nguyện vọng 1 của các trường mới thấy ngành giáo dục vẫn hoàn toàn bị động trước sự đổi mới của chính mình.

Nhìn nhau nộp –  rút hồ sơ

Theo quy chế mới, năm nay thí sinh (TS) được quyền biết điểm rồi mới nộp hồ sơ. Có thể nói quyết định này Bộ GD-ĐT đã trao vào tay TS một quyền lực hoàn toàn mới mà từ trước đến nay chưa từng xảy ra. Được trao quyền chủ động nhưng cuối cùng TS vẫn hoàn toàn bị động khi bước vào lựa chọn nguyện vọng 1 của mình. Một TS ở tỉnh Phú Thọ năm nay thi được 25,75 điểm khối A. Sau khi xem xét kỹ các thông tin như điểm chuẩn của những năm trước, đối chiếu với số liệu TS đạt từ mức điểm bằng mình trở lên, TS này quyết định nộp hồ sơ vào ĐH Ngoại thương cơ sở Hà Nội.  Những ngày đầu, TS vô cùng yên tâm vì luôn trong ngưỡng an toàn. Nhưng đến ngày 14-8, khi có thêm lượng hồ sơ đổ về trường, TS này đã không còn cửa đối với cả 3 nguyên vọng đã đăng ký tại trường. Chính vì vậy, em quyết định rút hồ sơ và đợi một hai ngày nữa xem trường nào có cơ hội cao hơn thì nộp. Mặc dù vậy, em vẫn băn khoăn liệu những ngày tới nếu TS bằng điểm hoặc hơn điểm em tiếp tục rút hồ sơ và cơ hội ở ĐH Ngoại thương em lại có thì không biết có được quay lại nộp hồ sơ hay không?

Không riêng TS này mà rất nhiều TS đang như ngồi trên đống lửa vì trường đã nộp hồ sơ thì không còn cửa mà trường còn chỗ thì không muốn nộp hồ sơ. Thậm chí cả những TS điểm cao cũng chưa chắc đã biết mình đỗ hay không. Khoa Bác sĩ đa khoa ĐH Y Hà Nội cho đến giờ phút này có 528 TS đạt từ 27 điểm trở lên. Trong khi đó, chỉ tiêu ngành này là 500, đó còn chưa kể số TS được tuyển thẳng. Nên rất có thể 27 điểm vẫn chưa chắc đã đậu ngành này. Tuy nhiên, với mức điểm 27 TS hoàn toàn có cơ hội học ngành khác tại ĐH Y Hà Nội.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV1 vào một trường ĐH trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: M.Tâm

Còn với các trường tốp dưới, TS nộp hồ sơ chưa nhiều, điểm chuẩn dự kiến ổn định nhưng theo dự đoán của các chuyên gia thì sẽ “ăn nhau” về những ngày cuối, khi lượng hồ sơ bật ra từ các trường tốp trên sẽ lớn hơn. Chính vì vậy, tình hình những ngày sắp tới theo các chuyên gia rất có thể trường tốp trên lượng hồ sơ rút ra sẽ lớn hơn lượng nhập vào, còn các trường tốp dưới sẽ ngược lại.

Vừa chạy vừa xếp hàng

Không chỉ lo xem mình có đỗ hay trượt, TS còn phải rút hồ sơ trường này, nộp hồ sơ trường kia. Nhiều TS và người nhà vùng khó vô cùng vất vả với chuyện rút và nộp. Trước tình hình đó, ngày 10-8 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có văn bản cho phép TS được điều chỉnh nguyện vọng ngay tại địa phương, có thể tại các trường THPT hoặc các sở GD-ĐT. Tuy nhiên, văn bản này đã không có tác dụng nhiều như mong muốn của các nhà quản lý giáo dục. Bởi thời gian xét tuyển nguyện vọng 1 đã đi được nửa chặng đường. Phụ huynh và TS đều sốt ruột và ai cũng muốn được rút, được nộp trực tiếp vì đây là quyết định ảnh hưởng đến tương lai của con em mình. Đại diện Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết thực tế nhiều phụ huynh không muốn đến các điểm của sở để thay đổi nguyện vọng, họ đều muốn trực tiếp xuống các trường. Vị này cũng cho biết vừa qua, bộ cho phép Hòa Bình có 12 điểm để TS có thể đến thay đổi nguyện vọng khi cần. Đồng thời, khi TS gửi dữ liệu đến sở, thông tin của TS cũng lập tức được chuyển đến các trường vì năm nay cùng một hệ thống phần mềm tuyển sinh. Trong khi đó, Sở GD-ĐT Lào Cai cho hay vấn đề thay đổi nguyện vọng của tỉnh không nóng. Vì số lượng TS đăng ký xét tuyển ĐH theo đề thi chung của bộ chỉ chiếm 48%, khoảng trên 3.200 TS. Trong số này, rất nhiều TS đến từ trường chuyên của Lào Cai hoặc các trường có chất lượng tốt. Hơn nữa, các TS của Lào Cai cũng có nhiều cơ hội để học ĐH như điểm ưu tiên khu vực là 1,5 điểm, chính sách dành cho 3 Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ), nên các em còn có thể đi học theo chế độ cử tuyển. Do đó, việc có văn bản điều chỉnh của bộ cũng không ảnh hưởng nhiều đến TS của Lào Cai.

Nhưng câu hỏi mà dư luận đặt ra là tại sao bộ không ban hành văn bản sớm hơn? Trả lời với Giáo dục TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng phải xuất phát từ thực tế để có những chính sách phù hợp. Còn nói như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết năm học 2014-2015 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2015-2016 thì: Với một kỳ thi Bộ GD-ĐT có lường nhưng không lường hết. Có thể nói, văn bản điều chỉnh này của bộ giống như công bố điểm thi ngày 22-7 thì 21-7 bộ cho phép một số cụm thi ĐH được công bố điểm thi cùng bộ. Do đó, dù đã giải quyết nhưng mạng tắc hay mạng sập thì vẫn cứ diễn ra. Và với thời điểm hiện tại, dù bộ cho phép TS được điều chỉnh nguyện vọng tại địa phương thì phụ huynh, TS vẫn nháo nhào về các trường rút và nộp.

Không biết đến bao giờ bộ mới lường hết được các “sự cố” và người học không còn phải vừa chạy, vừa xếp hàng như hiện nay?

Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)