Sau 2 đến 5 ngày trường công bố kết quả trúng tuyển, TS chưa nộp GCNKQT coi như rớt NV1 |
Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn tuyển sinh ĐH, CĐ 2016. Năm nay, thời gian xét tuyển ĐH từ ngày 1-8 đến 20-10, trong khi hệ CĐ thì kéo dài tới ngày 15-11. Đặc biệt, thí sinh (TS) chỉ có từ 2 đến 5 ngày để nộp giấy chứng nhận kết quả thi (GCNKQT) cho các trường ĐH. Nếu nộp sau thời gian này thì coi như TS rớt nguyện vọng (NV) 1.
NV1: Đăng ký tối đa 4 trường
Khác với năm 2015, năm nay, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tuyển sinh theo nhóm. Do đó, nếu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào nhóm trường, TS có rất nhiều lợi thế. Cụ thể: TS có thể sử dụng số ngành tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 ngành trong đợt 1 và 6 ngành trong các đợt xét tuyển bổ sung) để ĐKXT vào nhiều trường trong nhóm và sắp xếp các ngành đã đăng ký theo thứ tự ưu tiên. Chẳng hạn, trong đợt 1, TS có thể ĐKXT vào 4 trường khác nhau trong nhóm nếu mỗi trường đăng ký 1 ngành, hoặc đăng ký vào 3 trường khác nhau trong nhóm nếu đăng ký 2 ngành vào 1 trường và 2 ngành còn lại đăng ký vào 2 trường.
Điều cần lưu ý là TS đã ĐKXT vào 2 trường trở lên trong nhóm ở đợt 1, hoặc 3 trường trở lên trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được ĐKXT vào các trường ngoài nhóm.
Về nhóm trường, hiện đã có nhóm trường do ĐH Bách khoa chủ trì gồm các trường khối kỹ thuật – kinh tế khu vực Hà Nội như ĐH Giao thông vận tải, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương, ĐH Thủy lợi, ĐH Mỏ địa chất…
Nhóm trường lấy kết quả đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội như ĐH Thủ Đô, ĐH Tài nguyên và Môi trường, ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định…
Không nộp GCNKQ: Rớt!
Năm nay, Bộ GD-ĐT không quy định “cứng” TS phải nộp hồ sơ ĐKXT tại đâu mà cho phép các trường ĐH được quy định với điều kiện không gây tốn kém cho TS. Trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, TS nộp phiếu ĐKXT và phí dự tuyển qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên, hoặc bằng phương thức trực tuyến (online), hay theo phương thức khác do trường quy định đáp ứng yêu cầu của quy chế.
Phiếu ĐKXT của TS dù nộp qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, dịch vụ chuyển phát ưu tiên (tính ngày theo dấu bưu điện) hoặc nộp bằng phương thức trực tuyến hay theo phương thức khác do trường quy định trong thời hạn quy định của mỗi đợt xét tuyển, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.
Phí dự tuyển được thực hiện theo quy định tại thông tư liên tịch của Bộ Tài chính – Bộ GD-ĐT quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh). Tuy nhiên, để tránh ảo cũng như đảm bảo quyền lợi cho những TS khác, năm nay, Bộ GD-ĐT quy định TS trúng tuyển ở từng đợt xét tuyển phải nộp bản chính GCNKQT cho trường nhập học qua đường bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc phương thức khác do trường quy định trong thời hạn quy định. Quá thời hạn này (tính ngày theo dấu bưu điện nếu nộp qua đường bưu điện) những TS không nộp GCNKQT cho trường được xem như từ chối nhập học.
Thời gian nộp GCNKQ: 2 đến 5 ngày
Năm 2015, xét tuyển NV1 được kéo dài trong 20 ngày nhưng sau đó, dư luận phản ứng cho rằng không cần thiết nên những NV bổ sung sau đã được Bộ GD-ĐT rút ngắn. Năm nay, bộ quy định thời gian xét tuyển NV1 từ ngày 1 đến 12-8. Các trường sẽ công bố trúng tuyển NV1 trước ngày 15-8. Ngay sau đó, TS nộp giấy chứng nhận kết quả trước 17 giờ ngày 17-8. Như vậy TS có ít nhất là 2 ngày, và nhiều nhất là 5 ngày để nộp GCNKQT cho các trường.
Đối với các đợt xét tuyển bổ sung kéo dài trong 10 ngày (ít hơn NV1 hai ngày) và các trường ĐH sẽ phải “khóa sổ” xét tuyển trước ngày 20-10, còn các trường CĐ là trước ngày 15-11.
Cũng theo quy định của Bộ GD-ĐT, chủ tịch hội đồng thi sẽ cấp GCNKQT cho TS. Tuy nhiên, chỉ những TS ĐKXT ĐH, CĐ từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia mới có giấy này.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)