Đây là lời khuyên của chuyên gia trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 13 năm 2021 diễn ra tại Trường Trung học Thực hành Sài Gòn (Q.5) và một số trường THPT trên địa bàn TP.HCM mới đây. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của nhiều trường CĐ, ĐH.
TS. Phạm Tấn Hạ khuyên học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo cân nhắc khi chọn học chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế…
Được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần
Tư vấn cho các em học sinh lớp 12, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác Sinh viên, ĐHQG TP.HCM) cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn giữ ổn định như năm trước, nội dung thi chủ yếu tập trung vào chương trình lớp 12. Về việc xét tuyển vào ĐH, CĐ, thí sinh có nhiều phương thức đăng ký xét tuyển như dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, dựa vào học bạ, tuyển thẳng, điểm kỳ thi riêng của một số trường; trong đó phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT được 100% trường áp dụng. Ngoài ra, thí sinh còn có thể dùng điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM để xét tuyển, kỳ thi này có 2 đợt, đợt 1 diễn ra vào ngày 28-3 tới.
Điểm mới của mùa tuyển sinh năm nay là dự kiến thí sinh được thay đổi nguyện vọng 3 lần sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT thay vì 1 lần như trước đây; tuy nhiên, thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thay đổi nguyện vọng. “Tốt nhất thí sinh nên thay đổi nguyện vọng khi điểm thi tốt nghiệp THPT bị chênh lệch nhiều so với dự báo ban đầu; hoặc trong trường hợp ngành nghề đã chọn chưa phù hợp thì việc chọn lại sẽ tốt hơn cho bản thân”, TS. Mai lưu ý.
Để các em học sinh hiểu rõ hơn về hệ song ngữ và hệ quốc tế mà trường đang đào tạo, TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho biết hệ song ngữ được trường đào tạo 50% học bằng tiếng Anh, 50% bằng tiếng Việt, tốt nghiệp ra trường nhận bằng ĐH chính quy. Trong khi đó, với hệ quốc tế, sinh viên được đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh do trường đối tác ở Anh quốc cấp bằng. Ở hệ này, sinh viên sẽ được học giáo trình nước ngoài, có cơ hội trải nghiệm học kỳ quốc tế… “Tùy vào sự lựa chọn, các em có thể chọn học hệ song ngữ hoặc hệ quốc tế để rèn luyện và phát huy năng lực của bản thân”, TS. Lộc nói.
Học ngành y phải thuộc loại giỏi
Trước sự quan tâm của nhiều học sinh về ngành y đa khoa, ThS. Bùi Văn Thời (Phó Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) thông tin: Ngành này thuộc nhóm ngành sức khỏe, đào tạo trong thời gian 6 năm. Cùng với ngành dược, ngành y đa khoa tuyển sinh với điều kiện thí sinh phải có học lực giỏi, điểm trung bình từ 8,0 trở lên – năm 2020 điểm chuẩn của ngành y đa khoa là 8,3. “Trong quá trình đào tạo, trường phối hợp với Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Chợ Rẫy tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, kiến tập nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn. Bên cạnh nhóm ngành sức khỏe, trường còn đào tạo nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật, xã hội nhân văn, mỹ thuật, nghệ thuật với các phương thức xét tuyển: dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM, kỳ thi riêng của trường và tuyển thẳng”, ThS. Thời cho hay.
Một học sinh Trường Trung học Thực hành Sài Gòn nhờ ban tư vấn giải đáp thắc mắc
Liên quan đến ngành dược, bà Mai Thị Thùy Trang (đại diện Trường ĐH Hoa Sen) cho biết đây là ngành mới của trường. Theo đó, sinh viên theo học ngành dược sẽ được đào tạo những kiến thức về khoa học cơ bản, kiến thức về dược học cơ sở và công nghệ y dược hiện đại hiện nay, bao gồm cả sinh học phân tử, công nghệ nano, tin sinh học, dược động học, kiến thức về các bệnh, tác dụng phụ gây ra do dùng thuốc, cách chăm sóc dược lâm sàng, điều trị học và các chế độ dinh dưỡng trong điều trị bệnh… “Với ngành này, trường tuyển sinh dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ từ 8,0 và dựa vào điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM; trong quá trình học, các em còn có cơ hội nhận học bổng tài năng, vượt khó”, bà Trang chia sẻ.
Với 40 triệu đồng/năm: du học được không?
Trong chương trình tư vấn, nhiều học sinh bày tỏ sự quan tâm đối với con đường du học ở các nước tiên tiến. Cụ thể, một học sinh hỏi: “Với 40 triệu đồng/năm thì em có thể đi du học được không? Khi du học, nhà trường có chính sách học bổng như thế nào?”. Giải đáp câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa (đại diện Công ty Tư vấn du học Bluesea) khẳng định, với tài chính như trên (40 triệu đồng/năm – PV) thì học sinh vẫn có thể đi du học ở nước ngoài. Trong quá trình học tập, sinh viên có sự cố gắng, chăm chỉ và có thành tích cao trong học tập sẽ được nhận học bổng, điều này sẽ giúp các em bớt gánh nặng về học phí, đồng thời có thể trang trải cho cuộc sống. Về học bổng, các nước như Canada, Mỹ, Úc, New Zealand… có học bổng từ 50% cho đến toàn phần cho sinh viên. “Những em nào có mong muốn đi du học, trong tháng 3 này chúng tôi tổ chức một cuộc thi tiếng Anh miễn phí dành cho học sinh, em nào thi đạt sẽ được xét học bổng, còn những em không đạt vẫn được cấp chứng chỉ tiếng Anh”, bà Hoa thông tin.
LƯU Ý KHI HỌC HỆ ĐÀO TẠO CÓ ĐIỂM CHUẨN THẤP Tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 13 tổ chức ở Trường THPT Trần Hưng Đạo (Q.Gò Vấp) vừa qua, TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ, hiện nay các trường ĐH có nhiều loại hình đào tạo, từ hệ đại trà, hệ chất lượng cao cho đến hệ đào tạo tiên tiến, chương trình liên kết quốc tế. Ở mỗi hệ đào tạo đều được xây dựng khung chương trình cùng với yêu cầu về chuẩn đầu ra khác nhau. “Thông thường, các hệ đào tạo như chất lượng cao, liên kết quốc tế sẽ có mức điểm chuẩn thấp hơn so với hệ đào tạo đại trà. Mức điểm đầu vào thấp cũng là một trong các lý do mà nhiều học sinh chọn những hệ đào tạo này để theo học. Tuy nhiên, các em phải hết sức lưu ý, cân nhắc, tìm hiểu thật kỹ về từng chương trình đào tạo để có sự lựa chọn phù hợp, bởi với yêu cầu về tiếng Anh xuyên suốt quá trình học, việc “đậu thì dễ” nhưng theo học thì “không hề dễ””, TS. Hạ nhắn nhủ. Phân tích cụ thể hơn, TS. Hạ cho biết đối với hệ đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo tiên tiến hay chương trình liên kết quốc tế đều có quy định số % khối lượng chương trình được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, thấp nhất là 20-30%, tùy theo từng chương trình. Vì thế, để có thể theo học được thì học sinh phải có trình độ ngoại ngữ phù hợp, IELTS từ 5.5-6.0 mới có thể nghe, hiểu được giảng viên nói gì. “Các chương trình đào tạo đều yêu cầu chuẩn đầu ra với mức IELTS quy định. Thường thì dù có mức điểm chuẩn đầu vào thấp song chuẩn đầu ra của hệ đào tạo chất lượng cao, chương trình liên kết luôn cao hơn so với hệ đại trà. Ví dụ, chương trình đại trà chuẩn đầu ra là IELTS 4.5 thì chương trình chất lượng cao chuẩn đầu ra yêu cầu phải là IELTS từ 5.5 trở lên. Tìm hiểu thật kỹ thông tin về từng hệ đào tạo mà mình muốn theo học để đảm bảo rằng khi đậu vào trường, các em có thể tự tin theo học, theo đuổi ước mơ của mình”, TS. Hạ lưu ý. Ngoài ra, theo TS. Hạ, các chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế… đều có mức học phí cao hơn so với hệ đào tạo đại trà, vì vậy các em cần cân nhắc, nhắm xem điều kiện tài chính của gia đình có thể theo được đường dài hay không. Yến Hoa |
Tương tự, trước sự quan tâm của một số học sinh về ĐH Swin Burne tại Việt Nam, đại diện trường – TS. Hoàng Việt Hà – thông tin: Đây là ngôi trường của Úc có trụ sở tại Việt Nam. Theo học tại đây, các em được học 100% chương trình của Úc, tốt nghiệp được cấp bằng của ĐH Swin Burne. Tuy nhiên, trong quá trình học, sinh viên có thể chuyển sang ngôi trường bên Úc để học tiếp, điều kiện là các em phải thi đậu các môn học ở ĐH Swin Burne tại Việt Nam. “Để theo học tại ĐH Swin Burne, các em phải tốt nghiệp THPT với điểm trung bình từ 7,0 trở lên, tiếng Anh đầu vào không bắt buộc vì sau khi trúng tuyển, trường có chương trình đào tạo tiếng Anh đầu vào cho sinh viên đến khi nào đạt yêu cầu sẽ vào học chuyên ngành; nếu thí sinh có IELTS từ 6.0 trở lên sẽ được vào chuyên ngành ngay từ đầu”, TS. Hà cho biết.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)