Thí sinh vẫn thường quan tâm tới tỷ lệ chọi và căn cứ vào đó để cho rằng tỷ lệ chọi cao thì khó trúng tuyển và ngược lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thí sinh không nên lo về tỷ lệ chọi.
Bàn giao hồ sơ các trường ĐH-CĐ 2009 – Ảnh: Đ.N.T |
Chất lượng thí sinh mới là yếu tố quyết định
Ông Quách Tuấn Ngọc – Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD-ĐT) cho rằng: thí sinh hãy “quên” đi tỷ lệ chọi khi bước vào kỳ thi. Ông phân tích: năm 2008, phổ điểm thể hiện rõ đại đa số các thí sinh thi vào ĐH Bách khoa Hà Nội đều có điểm khá trở lên. Số thí sinh kém đã biết lượng sức và thi trường khác nhiều, chỉ còn lại một ít “liều mình như chẳng có”. Phần điểm từ 0 đến 5 điểm có rất ít. Trong khi đó, phổ điểm của ĐH Công nghiệp Hà Nội cho thấy tuy hệ số chọi có cao, song do có nhiều thí sinh điểm thấp, nên khả năng trúng tuyển cao hơn đối với thí sinh trung bình khá trở lên.
ĐH Công nghiệp Hà Nội, điểm chuẩn năm 2008 chỉ dao động từ 16-18 điểm; ĐH Nông nghiệp Hà Nội, khối A: 15 điểm, khối B: 18,5; ĐH Thái Nguyên khối A: 13, khối C: 15, khối B: 15 và có ngành cao nhất như Công nghệ sinh học 18,5 điểm. Trong khi đó ở Viện ĐH Mở có trên 37.400 hồ sơ đăng ký dự thi, chỉ tiêu là 2.700 (ĐH) và 300 (CĐ) nhưng điểm chuẩn của trường này thường trên điểm sàn khoảng 1-2 điểm.
Ngược lại, các trường có tỷ lệ chọi thấp như ĐH Y, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Giao thông, Học viện Ngân hàng, Kinh tế quốc dân… thì điểm chuẩn hằng năm vẫn giữ mức ổn định không dưới 20 điểm. Thí sinh phải có học lực khá giỏi mới có hy vọng đỗ.
Ông Quách Tuấn Ngọc nói: “Chính lãnh đạo các trường ĐH cũng khẳng định, tỷ lệ chọi không quan trọng mà chất lượng người dự thi mới mang tính quyết định. Lời khuyên của chúng tôi là thí sinh hãy quên hệ số chọi khi chọn trường, ngành để đi dự thi. Thí sinh hãy tự đánh giá sức học của mình qua việc lấy các đề thi năm trước, tự nghiêm túc làm bài như thi thật rồi dùng bản hướng dẫn chấm để tự chấm bài. Hãy so sánh điểm tự chấm đó với điểm tuyển những năm qua của trường, ngành mà mình đang muốn tham dự thi. Thấy xấp xỉ và lớn hơn thì yên tâm đi thi” – ông Ngọc nhắn nhủ.
Số thí sinh đến thi sẽ không giảm nhiều so với hồ sơ
Năm 2008, cả nước có hơn 2,4 triệu hồ sơ đăng ký dự thi. Tuy nhiên, số lượt thí sinh dự thi chỉ đạt hơn 1,6 triệu, chiếm 69%. Nhiều trường chỉ đạt gần 60% so với hồ sơ đăng ký dự thi. Ngày thi đầu tiên kỳ tuyển sinh ĐH 2008, trong số 915.010 thí sinh đăng ký dự thi thì đã có tới gần 300.000 thí sinh không đến dự thi. Hồ sơ “ảo” một phần là vì một số thí sinh phân vân chưa chọn được trường, nhưng cũng có không ít sĩ tử thấy tỷ lệ chọi cao chót vót nên chọn trường có tỷ lệ chọi thấp hơn để dự thi.
Năm nay, số hồ sơ đăng ký dự thi giảm so với năm trước một phần là do việc chọn trường đăng ký dự thi của thí sinh đã chuyển dịch theo xu hướng thận trọng hơn. Điều này khiến các trường hy vọng rằng số thí sinh “ảo” cũng sẽ giảm chứ không phổ biến ở mức 30-40% như năm trước.
Ông Lê Trọng Thắng – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Mỏ – Địa chất cho biết năm 2008 trường có 66,55% số thí sinh đến dự thi. Năm nay dự kiến con số này sẽ giảm nhưng chắc chắn số giảm không nhiều – ông Thắng dự báo.
Đại diện trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội cho biết năm 2008, số hồ sơ “ảo” của trường này là khoảng 30%. Còn ông Bùi Trần Anh Đào – Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho biết năm 2008 trường có hơn 12.000/47.082 hồ sơ ảo; Theo Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, số hồ sơ ảo của năm ngoái là trên 30%. Những trường này năm nay đều nhận được số hồ sơ đăng ký dự thi tăng hơn so với năm trước nên cũng không đặt nhiều hy vọng vào việc giảm hồ sơ “ảo”.
Tuệ Nguyễn (TNO)
Bình luận (0)