Ông Trần Văn Nghĩa – Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh định hướng và cách thức ra đề đối với kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ sắp tới.
* Xin ông cho biết, đề thi ĐH-CĐ trong kỳ thi sắp tới sẽ như thế nào, có ra theo hướng mở để phát huy tính sáng tạo của thí sinh (TS) hay không?
– Đề thi ĐH-CĐ năm nay vẫn ra theo hướng đánh giá được khả năng sáng tạo của TS ở tất cả các môn thi. Bên cạnh đó, như những năm trước đây, đề thi
Nhiều thí sinh đã tìm đến các trung tâm luyện thi ôn tập thi ĐH-CĐ – Ảnh: Đ.N.T |
tuyển sinh phải kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của TS trong phạm vi chương trình trung học – chủ yếu là chương trình lớp 12. Cụ thể, đề thi phải đảm bảo các yêu cầu: nội dung đề thi phải bảo đảm tính khoa học, chính xác, chặt chẽ. Lời văn, câu chữ phải rõ ràng, không có sai sót; phải đạt yêu cầu phân loại được trình độ học lực của TS và phù hợp với thời gian quy định cho mỗi môn thi.
Đề thi sẽ không ra vào những phần đã được giảm tải, cắt bỏ, hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm (phần chữ nhỏ, các phần đã ghi trong văn bản quy định về điều chỉnh chương trình). Không ra đề thi vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học. Không ra đề thi quá khó, quá phức tạp. Ngoài ra, đề thi sẽ bám sát chương trình THPT (theo từng bộ môn). Có nhiều câu để kiểm tra bao quát chương trình, chủ yếu là chương trình lớp 12, bảo đảm cân đối giữa các phần trong chương trình, đúng các quy định về điều chỉnh nội dung môn học.
Ông Trần Văn Nghĩa – Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục – Ảnh: V.T
|
* Với những đề thi mở, đáp án sẽ được quy định như thế nào? Làm sao để việc chấm thi đảm bảo được độ chính xác và không gây thiệt thòi cho TS?
– Mỗi môn thi đều có hướng dẫn chấm thi. Với những đề thi mở, để phát huy tính sáng tạo của học sinh, hướng dẫn chấm sẽ có những lưu ý cụ thể. Ví dụ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, với môn Văn, hướng dẫn chấm quy định:
– Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của TS, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.
– Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
Và khi chấm phải đánh giá được cả hai mặt:
– Về kỹ năng: cần đánh giá kết cấu bài văn, cách diễn đạt, cách dùng từ và ngữ pháp;
– Về kiến thức: một mặt có khung điểm cho từng nội dung khá chặt chẽ để đảm bảo chấm được công bằng, nhưng cho phép trong mỗi ý TS có thể trình bày theo nhiều cách để có thể đánh giá được sáng tạo của từng TS.
* Với đề thi tốt nghiệp THPT, ở phần thi riêng, Bộ quy định TS học chương trình nào phải làm phần riêng của chương trình đó, trong khi với đề thi ĐH-CĐ lại quy định "TS chọn một phần riêng thích hợp". Tại sao lại có sự quy định khác nhau này?
– Kỳ thi năm nay, trừ môn ngoại ngữ, đề thi sẽ có hai phần: phần chung cho tất cả các TS và phần riêng cho chương trình chuẩn hoặc nâng cao. Tuy nhiên, khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT, TS dự thi tuyển sinh ĐH-CĐ được quyền chọn một phần riêng thích hợp để làm bài mà không nhất thiết là học phần nào chỉ được làm phần đề dành riêng cho chương trình đó.
Sở dĩ có sự khác nhau là do tính chất của hai kỳ thi khác nhau. Thi tốt nghiệp THPT nhằm kiểm tra kiến thức TS đã học và để phù hợp với việc giảng dạy thì TS học chương trình nào phải thi theo chương trình đó. Đối với kỳ thi ĐH thì không cần thiết phải như vậy bởi đây là kỳ thi để chọn lọc TS. Vì thế, TS muốn chọn đề thi của chương trình nào cũng được miễn là phù hợp với khả năng làm bài của TS.
* Ông có gì lưu ý cho TS khi làm bài thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay?
– Cũng giống như đề thi tốt nghiệp THPT vừa qua, trong đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ, phần chung sẽ là phần giao thoa giữa chương trình nâng cao và chương trình chuẩn, phần riêng được ra theo chương trình nâng cao và chương trình chuẩn. Chính vì vậy, mặc dù được chọn phần riêng, nhưng các em lưu ý phải quyết định việc mình sẽ làm phần riêng theo chương trình nào ngay từ khi ôn tập, không để khi vào thi mới chọn vì khi làm phần riêng lệch với chương trình mình đã được học (hay ôn tập), có nhiều khả năng sẽ nhận được những câu hỏi rơi vào phần chưa được học. Về đề thi, Bộ sẽ chỉ đạo đội ngũ cán bộ ra đề để hai phần riêng có độ khó tương đương.
Vũ Thơ (thực hiện)
Theo TNO
Bình luận (0)