Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2009: Những ngành học dễ tìm việc làm

Tạp Chí Giáo Dục

 

Chọn ngành học nào để khi ra trường dễ tìm việc làm là điều băn khoăn của không ít thí sinh (TS) khi đăng ký dự thi ĐH-CĐ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Lan Hương (ảnh dưới) – Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội về những dự báo nhu cầu của thị trường lao động.
* Bà đánh giá như thế nào về nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực trong thời gian qua? Những ngành nào được ưa chuộng?
– Trong thời gian qua, một số ngành nghề có số lượng lao động tăng nhanh như: dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản… Đây là những ngành thiên về xuất khẩu mà theo nghiên cứu của Viện chúng tôi, xuất khẩu cứ tăng 1% sẽ tạo ra được 0,4% việc làm. Một số ngành dịch vụ cũng có yêu cầu về nguồn nhân lực tăng mạnh như: tài chính, ngân hàng, địa ốc, khách sạn, du lịch, nhà hàng… Đặc biệt, những ngành có tiền lương cao cũng có nhu cầu về nguồn nhân lực tăng nhanh, ví dụ như ngành công nghệ thông tin.

Ngành công nghệ thông tin đang cần nguồn nhân lực rất lớn – Ảnh: Đ.N.T

* Theo bà, nguồn nhân lực hiện nay có đáp ứng được yêu cầu không? Có những ngành nghề nào đã bị thừa lao động?
– Trong thời gian qua, do chủ trương đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội nên nguồn nhân lực đã từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Cụ thể: tỷ trọng lao động kỹ thuật đã tăng nhanh, nhất là đào tạo nghề. Tỷ lệ thất nghiệp nói chung đã giảm đi. Năm 2007, tỷ lệ thất nghiệp chỉ dưới 5%. Năm 2008, do khủng hoảng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp thành thị có tăng lên một chút vào khoảng 5,3% nhưng vẫn thấp hơn 1% so với chục năm trước đây. Bên cạnh đó, công tác đào tạo đã được xã hội hóa, đã có sự gắn kết giữa đào tạo và sử dụng, đồng thời thông tin về thị trường lao động, về cơ hội việc làm tốt hơn nên sự vận động của cung cầu lao động tốt hơn, việc làm tăng, chất lượng việc làm cũng tăng.
Tuy nhiên, có một số ngành vẫn còn ít hấp dẫn như: nông nghiệp, phát triển nông thôn, thủy sản. Đây là những ngành nhu cầu sử dụng của xã hội không cao và tiền lương thấp, điều kiện lao động vất vả. Kế toán cũng là ngành nhu cầu xã hội đã bão hòa. Các ngành công nghiệp chế biến cũng không phải hấp dẫn. Một số ngành kỹ thuật cũng không được sử dụng nhiều, đó là những ngành về khoa học cơ bản…
* Dự báo trong 5 năm tới sẽ như thế nào, thưa bà?
– Những ngành dịch vụ sẽ tiếp tục phát triển và phát triển nhanh. Theo dự báo, bắt đầu từ năm 2009 sẽ mở cửa thị trường dịch vụ như: dịch vụ bán lẻ, dịch vụ về tài chính, ngân hàng, dịch vụ du lịch, bảo hiểm, địa ốc… Tuy nhiên, những ngành này chọn rất kỹ về lao động, yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao nên có khả năng sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực do đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, những ngành có lợi thế của VN như: điện tử, cơ khí lắp ráp, cơ khí sửa chữa, vận hành… cũng sẽ tiếp tục phát triển. Ngược lại, những ngành đang sử dụng nhiều lao động như xuất khẩu có khả năng sẽ chững lại do khủng hoảng kinh tế và một số yếu tố khác như phải tăng khả năng cạnh tranh về lao động rẻ, chi phí thấp.
* Bà có lời khuyên nào cho TS trong mùa thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay?
– Kinh nghiệm của các nước cho thấy những ngành có phạm vi đào tạo rộng sẽ giúp người lao động dễ có việc làm, còn những ngành phạm vi đào tạo hẹp hoặc chuyên biệt đặc thù sẽ khó xin việc.
Một kinh nghiệm khác là, với những ngành hiện có tiền lương cao thì sau 5 năm nữa, nhu cầu xã hội sẽ cân bằng. Nhưng cũng xin lưu ý là ở những ngành tiền lương rất cao thì sau 5 năm nữa vẫn có thể còn thiếu nguồn nhân lực. Còn lại những ngành tiền lương vừa phải tức là nhu cầu lao động đã bão hòa và tỷ lệ thất nghiệp đang cao thì sẽ khó có việc làm. Tuy nhiên, có một số ngành như nông nghiệp, hiện rất khó chiêu sinh nhưng trong tương lai ngành này lại cần nguồn nhân lực rất lớn nên sẽ gia tăng cơ hội việc làm. Tôi cho rằng, 5 năm sau, nhu cầu xã hội còn nhiều biến động, vì vậy TS nên chọn những ngành đào tạo liên thông, phạm vi đào tạo rộng mang tính chất đa ngành, liên ngành chứ không nên tập trung vào những ngành chỉ đào tạo kỹ năng.
Vũ Thơ (TNO)
(thực hiện)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)