Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011: Tăng chỉ tiêu nhóm ngành kinh tế

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại trường ĐH Kinh tế TP.HCM –  Ảnh: Đ.N.T
Trong 548.000 chỉ tiêu (CT) tuyển sinh tăng năm nay phần lớn vẫn ở khối ngành Kinh tế.

Trường nào cũng tăng

Năm 2011, trong số CT xin tăng thêm của các trường hầu hết đều rơi vào khối ngành Kinh tế. Chẳng hạn ĐH Đà Nẵng dự kiến tổng CT tuyển sinh là 11.150 (tăng trên 9% so với năm trước), trong đó riêng trường ĐH Kinh tế có 2.250 CT (năm 2010 là 1.840 CT), đứng thứ nhì trong toàn ĐH Đà Nẵng. Tuy vậy, ngoài khối A, năm nay trường còn tuyển sinh thêm khối D1, D2, D3, D4 nhằm mở rộng đối tượng tuyển sinh.

Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng, Trưởng ban Đào tạo ĐH Huế, năm nay trong số 1.260 CT tăng thêm có gần 1.000 CT thuộc các ngành khối Kinh tế.

Trong số 300 CT dự kiến tăng thêm tại ĐH Quy Nhơn cũng phần lớn thuộc khối Kinh tế và Sư phạm. ĐH Đồng Tháp cũng không ngoại lệ khi theo bà Huỳnh Thị Hồng Vinh, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng, năm nay dự kiến CT toàn trường tăng 10% (200 CT), trong đó hai ngành Quản trị kinh doanh và Kế toán là 100.

Cơ cấu ngành nghề

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27.7.2007 phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020 như sau: điều chỉnh cơ cấu số lượng sinh viên được đào tạo theo nhóm các ngành, nghề để đến năm 2020 đạt tỷ lệ như: Khoa học cơ bản 9%; Sư phạm 12%; Công nghệ – kỹ thuật 35%; Nông – Lâm – Ngư 9%; Y tế 6%; Kinh tế – Luật 20% và các ngành khác 9%.

Tại TP.HCM, 6 trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM đều đồng loạt xin tăng CT. Trong các trường này, ĐH Kinh tế – Luật dự kiến tăng nhiều nhất với 110 CT, chủ yếu ở các ngành khối Kinh tế.

Trường ĐH Tài chính – Marketing dự kiến tăng 700 CT hệ ĐH (tổng CT 2.000) và 500 CT hệ CĐ (tổng CT 1.500). Theo Th.S Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo, năm nay trường dự kiến mở thêm ba ngành học mới nên tăng CT nhiều như vậy. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng xin tăng CT từ 4.000 lên 4.500.

Cung vượt xa cầu

Tình trạng này thể hiện rõ ngay từ kỳ tuyển sinh năm 2010. Vào thời điểm xét tuyển nguyện vọng 2, số lượng thí sinh nộp hồ sơ vào các trường như ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Tôn Đức Thắng… rất đông nhưng chủ yếu chỉ đăng ký vào khối Kinh tế. Trong khi đó, nhiều ngành học thuộc các khối Kỹ thuật, Nông – Lâm – Ngư lại không tuyển được thí sinh.

Theo kết quả khảo sát vào cuối năm 2010 trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT của khoảng 80.000 người về những ngành nghề có sức hút, đến 38% chọn ngành Tài chính – Ngân hàng và 22% ngành Quản trị kinh doanh.

Trong khi đó, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong năm 2010 ngành có chỉ số cung cao nhất là kế toán – kiểm toán (khoảng hơn 33%), nhưng nhu cầu tuyển dụng chỉ chiếm 3,25%. Số liệu của website lao động trực tuyến Vietnamworks.com quý 3/2010 cũng cho thấy nhu cầu nhân lực trực tuyến ngành Kế toán – Kiểm toán bị chững lại (trong khi cung nhân lực vẫn tăng hơn 11%). Nguồn cầu nhân lực trực tuyến ngành ngân hàng trong quý này cũng giảm đến 14%.

Năm 2010, những ngành nghề như điện tử – viễn thông, quản lý nhân sự – hành chánh văn phòng, kho bãi – vật tư – xuất nhập khẩu, cơ khí – luyện kim, giao thông vận tải – thủy lợi, dệt – may – giày da, nhựa – bao bì, mộc – mỹ nghệ – trang trí nội thất… thường xuyên thiếu lao động có trình độ và lao động phổ thông. Qua khảo sát trên 6.000 doanh nghiệp, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cũng cho biết các ngành này vẫn sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhiều trong năm 2011. 

Cũng trong năm này, trường ĐH FPT đã thực hiện một cuộc khảo sát về nhu cầu học ngành nghề của 10.000 học sinh đang học lớp 12. Kết quả cho thấy: nhu cầu học ngành tài chính, kế toán, ngân hàng chiếm tỷ lệ cao nhất: 40%. Tiếp theo là ngành thương mại, ngoại thương: 11%. Thứ ba là ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng: 8,24%. Thứ tư là ngành quản trị kinh doanh: 7,65%. Thứ năm là ngành xây dựng kiến trúc và công nghệ thông tin: 6%. Những ngành nghề có nhu cầu học rất thấp (khoảng 2 -3%) gồm sư phạm, luật, y dược và các ngành thuộc lĩnh vực công an, quân đội.

Vũ Thơ

Đăng Nguyên (Theo TNO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)