Trên thực tế sẽ có nhiều trường không đáp ứng được quy định mới của Bộ GD-ĐT về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Vậy những trường này có được phép tuyển sinh?
Hơn 50 trường không đảm bảo quy định
Tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh
Tỷ lệ SV chính quy/GV của các trường ĐH không được vượt quá 25, CĐ không vượt quá 30. Đối với các nhóm trường khác như sau: y – dược: hệ ĐH 15, hệ CĐ 20; nghệ thuật, thể dục thể thao: hệ ĐH 10, CĐ 15. Về diện tích sàn xây dựng, đối với các ĐH, học viện, viện nghiên cứu khoa học đào tạo trình độ tiến sĩ, CĐ, bình quân một SV không thấp hơn 2m2. Với trường trung cấp chuyên nghiệp, bình quân một học sinh không thấp hơn 1,5m2. Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học, không quá 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của cơ sở đào tạo.
|
Theo khảo sát của PV, những năm qua nhiều trường ĐH, CĐ đã không đảm bảo tiêu chí theo quy định.
Thứ nhất về tỷ lệ sinh viên/giảng viên (SV/GV). Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ở nhóm trường cao nhất, tối đa đối với ĐH không vượt quá 25 SV/GV; CĐ không vượt quá 30 SV/GV. Tuy nhiên, từ rất lâu, ở nhiều trường tỷ lệ SV/GV đã vượt mức cho phép. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT từ báo cáo “ba công khai” của các trường thì năm 2010, cả nước có khoảng 50 trường ĐH, CĐ có tỷ lệ SV/GV cao hơn quy định. Chẳng hạn Trường ĐH Mở TP.HCM tỷ lệ 41,2 SV/GV; ĐH DL Ngoại ngữ tin học TP.HCM: 47,3; ĐH Tây Đô: 44,2; CĐ Kinh tế TP. HCM: 55; CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân: 44,5; CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM: 42, 7; CĐ Công thương TP.HCM: 47,5; CĐ Công nghiệp Viettronic: 47,7; CĐ Thương mại và du lịch: 42; CĐ Thống kê: 40,5; CĐ Nội vụ (nay là ĐH Nội vụ – PV): 40,2; CĐ Tài chính – Quản trị kinh doanh: 40,5; CĐ Tài chính Hải quan: 41,7…
Về tỷ lệ diện tích sàn xây dựng/SV, trong những năm qua, nhiều trường cũng không đạt tiêu chí 2m2/SV. Theo báo cáo trên thì năm 2010, hơn 50 trường có tỷ lệ diện tích sàn xây dựng/SV thấp hơn 2m2. Có trường còn không được 1m2/ SV. Điều đáng nói là có không ít trường vừa thiếu chỉ tiêu diện tích sàn xây dựng vừa vượt tỷ lệ cho phép về GV/SV như ĐH Đà Nẵng, ĐH Mở TP.HCM, ĐH DL Phú Xuân, ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu, ĐH Quang Trung, ĐH DL Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, CĐ Đông Du, ĐH Nguyễn Tất Thành, CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân, CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội, CĐ Công nghiệp Viettronics…
Tại hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2012 diễn ra vào cuối tuần qua, ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết, nếu tính bình quân 25m2 đất/SV thì chỉ có 9/38 trường ĐH, CĐ trực thuộc Bộ đạt chuẩn. Các trường có diện tích bình quân/SV thấp tập trung ở khu vực TP, nhất là Hà Nội và TP.HCM, như ĐH Kinh tế TP.HCM, Viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Ngoại thương; ĐH Xây dựng… Theo tổng hợp chung, hiện còn 12 trường trực thuộc Bộ GD-ĐT có diện tích xây dựng thấp hơn 2m2/SV theo quy định.
Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ năm 2011 tại Sở GD-ĐT TP.HCM – Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Xử lý nghiêm khắc trường vi phạm
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Áng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính Bộ GD-ĐT, cho biết nếu áp dụng tiêu chí hiện nay sẽ có một số trường không đảm bảo tỷ lệ GV/SV. Trả lời câu hỏi: liệu những trường không đảm bảo tiêu chí có bị ngừng tuyển sinh không? Ông Áng cho hay, hiện Bộ đang tổng hợp đăng ký chỉ tiêu của các trường rồi mới có phương án xử lý. Cũng theo ông Áng, trước khi ban hành tiêu chí về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã có khảo sát về tình hình của các trường ĐH, CĐ. Hiện cả nước có khoảng 77.000 GV cơ hữu. Nếu tính tỷ lệ như quy định thì quy mô ĐH, CĐ vẫn đảm bảo giảng dạy 1,6 triệu SV. Vì thế không ngại việc có trường không được tuyển sinh mà quy mô sẽ sụt giảm.
Đặt vấn đề nếu một số trường không đủ điều kiện tuyển sinh nhưng vẫn tự xác định chỉ tiêu năm 2012 thì Bộ có chấp nhận không? Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Qua kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của một số trường, chúng tôi thấy tình trạng chung là một số trường đã quá tải đáng kể, quy mô đào tạo vượt quá mức đảm bảo chất lượng. Vì vậy chỉ tiêu tuyển sinh của các trường này cần phải cắt giảm. Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các trường có trách nhiệm thực hiện việc này. Thanh tra bộ sẽ thường xuyên phối hợp với địa phương để kiểm tra sự chấp hành của các trường. Những đơn vị vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Trong trường hợp đó, Bộ luôn quan tâm đảm bảo quyền lợi của thí sinh”.
Theo Vũ Thơ
(TNO)
Bình luận (0)