Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012: Thí sinh chuyển hướng sang ngành kỹ thuật

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh được tận mắt tham quan xưởng thực hành tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm 2012

Điều bất ngờ của mùa tuyển sinh năm nay là nhiều trường đã giảm đến hàng ngàn hồ sơ đăng ký vào khối ngành kinh tế. Đồng thời, cũng một lượng lớn thí sinh bắt đầu chuyển hướng đầu quân sang nhóm ngành kỹ thuật công nghệ. Đây là điều đáng mừng cho thấy hiệu quả trước mắt của công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp.
Ngành kỹ thuật “có giá”!
Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, một đơn vị “có tiếng” tại khu vực phía Nam trong đào tạo nhân lực khối ngành kinh tế năm nay chỉ nhận 17.000 hồ sơ, giảm đến 5.000 bộ so với năm 2011. Không chỉ khối ngành kinh tế, ngành y dược cũng giảm sức hút. Điển hình, Trường ĐH Y dược TP.HCM giảm 3.000 hồ sơ so với năm vừa qua. Trong khi đó, ở khối ngành kỹ thuật công nghệ, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tăng đến 7.000 hồ sơ.  Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng tăng đến 6.000. Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM Nguyễn Tiến Dũng đánh giá, việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh hiện đã chín chắn, thực tế hơn chứ không còn “sĩ diện” đua nhau vào các trường lớn như trước kia. Kết quả “đẹp” này xuất phát từ nhiều tác động, trong đó có công tác tư vấn hướng nghiệp. Khâu hướng nghiệp bây giờ cũng được các trường đầu tư khá bài bản, từ việc đưa thí sinh về tận trường tới việc đến với từng thí sinh các địa phương. Rồi chưa kể là tư vấn trực tuyến thông qua website của chính trường. TS. Đặng Vũ Ngoạn (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cũng cho rằng, để thí sinh biết đến trường mình, các trường đã phải dày công, lặn lội đến với các em ở những nơi xa nhất và đó cũng là một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai mà làm được. Bên cạnh đó, uy tín mà các trường tạo dựng cũng chính là một trong những nhân tố hết sức quan trọng trong việc hút thí sinh. TS. Nguyễn Tiến Dũng đơn cử, có đến 50% thí sinh chọn thi vào trường thông qua “tư vấn hướng nghiệp” của người quen, lớp đàn anh đi trước. Cũng theo TS. Dũng, việc Bộ GD-ĐT nghiêm trị những trường ĐH-CĐ không đạt chuẩn chất lượng vừa qua cũng là một tác động đáng kể khiến thí sinh kỹ càng trong việc lựa chọn. TS. Đặng Vũ Ngoạn cũng cho rằng, khi thí sinh đã biết lượng sức thì trường tốp giữa sẽ phát huy được lợi thế. Đó cũng là một trong những lý do khiến thí sinh tập trung vào các khối thi này đông. Điều này hẳn đúng, bởi tại nhiều trường tốp giữa khu vực TP.HCM năm nay, lượng thí sinh đăng ký tăng đáng kể. Chẳng hạn, Trường ĐH Sài Gòn tăng 7.500 hồ sơ, Trường ĐH Nông lâm tăng gần 2.000 bộ…
Lượng đăng ký dự thi đông, bên cạnh niềm vui, các trường còn đối mặt với nỗi lo thuê mướn địa điểm tổ chức thi. Với lượng tăng 6.000 hồ sơ, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chọn phương án “khoán hẳn” 4.000 thí sinh cho Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH Vinh tổ chức thi thay vì mọi năm trường tự đứng ra lo liệu. Bù lại, trường phải chịu mức chi phí tổ chức cao hơn. Số còn lại, trường sẽ tự cân đối, bố trí thêm phòng, cán bộ coi thi. Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, với lượng tăng 7.000 thí sinh, trường thuê bổ sung thêm 4 địa điểm thi khác. Mỗi địa điểm tương ứng cần 40 phòng thi; trên 100 cán bộ coi thi, giám sát, phục vụ… Theo các trường, giá thuê địa điểm, cán bộ coi thi năm nay tăng hơn so với năm ngoái.
TS. Dũng nhận định, lượng thí sinh dự thi đông hơn có thể giúp cải thiện đầu vào. Tuy nhiên, khó xác định điểm chuẩn tăng hay giảm, bởi còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như độ khó – dễ của đề thi, trình độ thí sinh…
Không “mặn” khối mới
Đây là năm đầu tiên bổ sung khối A1 nhưng số lượng hồ sơ đăng ký không nhiều. Cụ thể trong hơn 22.000 hồ sơ Sở GD-ĐT Cần Thơ thu nhận được, đã có đến 2/3 số em chọn khối A, trong khi đó khối A1 chiếm một lượng rất khiêm tốn, chỉ khoảng 300 hồ sơ.  Tương tự, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng chỉ có 1.800 hồ sơ đăng ký khối A1 trong tổng số gần 25.000. Con số này ở Sở GD-ĐT Bình Dương là 1.300/hơn 14.000 hồ sơ; Sở GD-ĐT Bình Phước là 600/17.500 hồ sơ; Sở GD-ĐT Kiên Giang là 610/15.600 hồ sơ… Tại các tỉnh khác như Tây Ninh, Long An, An Giang, Trà Vinh… số hồ sơ khối A1 cũng rất ít so với khối còn lại. Theo đại diện các sở, nguyên nhân khối A1 chưa hút thí sinh có thể do khối còn mới, thời gian công bố trễ khiến thí sinh thiếu sự chuẩn bị, ít cơ hội lựa chọn ngành nghề so với các khối còn lại…
Bài, ảnh: Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)