Thí sinh giảm mạnh
Năm 2015, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có khoảng 15.000 thí sinh đăng ký dự thi, năm nay chỉ có 12.621 thí sinh. Ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam dự báo: Số thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm nay cũng sẽ giảm sút.
Lý do là số thí sinh không lựa chọn vào học ĐH, CĐ mà lựa chọn các con đường khác như học nghề, lao động kiếm sống ngay sau tốt nghiệp tăng lên rất nhiều. “Sơ bộ các địa phương báo cáo các con số thí sinh đi học nghề đều tăng; số thí sinh không đăng ký xét tuyển vào ĐH năm nay giảm 20% nhưng con số thực do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ kiểm tra phải là 30%”, ông Quân nói.
Những con số nêu trên cho thấy, trước mắt các trường là một mùa thi không mấy dễ dàng để tuyển đủ người học. Nên theo ông Trần Hồng Quân, hiện nay các trường sẽ phân làm 2 nhóm: Một nhóm vì quyết sinh tử nên sẽ tuyển vượt chỉ tiêu và chấp nhận bị phạt chỉ tiêu vào mùa sau; một nhóm chỉ biết…chờ đợi thí sinh!
Ngoài ra, năm nay số địa điểm thi tăng gấp hơn 2 lần, đồng nghĩa với việc, các trường ĐH phải điều động cán bộ đi tỉnh coi thi và một loạt các vấn đề phức tạp hơn trong việc vận chuyển đề thi, bảo mật đề thi, giữ an toàn cho kỳ thi…
Nhiều trường nguy cơ đóng cửa
Nói về xu hướng tất yếu hiện nay khi các trường nhiều năm không tuyển đủ người học, ông Trần Hồng Quân cho biết, đã xuất hiện 2 xu hướng: Một là sang nhượng trường, hai là sáp nhập trường. Đây là điều không tránh khỏi trong quá trình phấn đấu để tồn tại của các trường.
Ông Quân cho rằng, khi các trường thấy đuối sức nên nhập với trường khác. Điển hình như ĐH Công nghệ TPHCM “thâu tóm” Trường Kinh tế Tài chính dù vẫn đứng 2 tư cách pháp nhân khác nhau nhưng là 1 chủ đầu tư; hay như một tập đoàn máy tính đã tiếp nhận cả ĐH Hồng Bàng và ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu. Một số trường CĐ thuộc các địa phương nay để sinh tồn đã sáp nhập với nhiều trường ĐH…
Đại diện một trường CĐ thuộc Bộ Công thương cho hay, đã ba năm nay lượng thí sinh thi tuyển vào trường giảm mạnh. Cán bộ của trường phải đôn đáo đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc để tìm kiếm thí sinh, mở lớp đào tạo. “Nếu tiếp tục tình trạng này, trường đứng trước nguy cơ đóng cửa”, vị cán bộ đại diện trường CĐ nói.
Về xu hướng này, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT Trần Hồng Quân nhận định, đây là một xu hướng mới, lành mạnh và sẽ dần hình thành các tập đoàn giáo dục. “Số phận và tương lai của các trường sẽ do thị trường đánh giá và trường nào không trụ được thì phải sáp nhập, giải thể, hoặc sang nhượng…Và như vậy sẽ buộc nhà đầu tư phải nâng cao chất lượng!”, ông Quân khẳng định.
Hồ Thu/ TPO
Bình luận (0)