Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh ĐH, CĐ: “Phiên chợ buồn” cho trường ngoài công lập

Tạp Chí Giáo Dục

Lác đác thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại một trường ĐH phía Bắc

Trong khi các trường ĐH tốp trên, tốp giữa đã ung dung tổ chức khai giảng năm học, kế hoạch tuyển sinh hoàn thành sớm hơn cả tháng so với mọi năm thì rất nhiều trường tốp dưới, nhất là các trường CĐ đang loay hoay tìm kiếm thí sinh. Dư luận cũng đặt ra câu hỏi: Liệu sắp tới có nên đóng cửa một số trường không tuyển sinh được? Tuy nhiên, mấy năm gần đây, các trường khó tuyển sinh, có thể nói là sống “thoi thóp” nhưng vẫn không thể “chết”.

Thoi thóp sống

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, con số đến ngày 29-9, có 28 trường tuyển bổ sung đợt 3. Trong đó, ĐH Công nghiệp Việt Hưng còn thiếu 600 chỉ tiêu vào ĐH. Trường tuyển theo hai hình thức: Học bạ và điểm sàn của Bộ GD-ĐT. ĐH Công nghệ Đông Á cũng cần tuyển 800 sinh viên. ĐH Hoa Lư – Ninh Bình cần tuyển 481 chỉ tiêu. ĐH Công nghiệp dệt may cần tuyển 600 chỉ tiêu CĐ. ĐH Công nghiệp Việt Trì cần bổ sung 500 chỉ tiêu ĐH, 150 chỉ tiêu CĐ. Còn với các trường CĐ, trường thiếu nhiều chỉ tiêu nhất là Trường CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội, thiếu 7.960 chỉ tiêu. Trong số trường tuyển bổ sung đợt 3 có Trường ĐH Thông tin liên lạc (trường sĩ quan thông tin) tuyển 185 chỉ tiêu ĐH hệ dân sự, 243 chỉ tiêu CĐ hệ dân sự. ĐH Sao Đỏ cũng cần bổ sung 1.050 chỉ tiêu cho hai hệ ĐH và CĐ của trường.

Nhìn vào bức tranh chung có thể thấy không phải năm nay những trường này mới thiếu. Mà những năm trước, các trường ĐH địa phương hầu như không tuyển đủ chỉ tiêu. Nhưng có một bất ngờ, một số trường ĐH những năm trước tuyển sinh khá tốt thì năm nay lại rất đì đẹt. GS. Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết căn cứ vào năng lực đào tạo, trường dự kiến năm nay tuyển 5.000 chỉ tiêu. Tuy nhiên, sau khi tuyển đợt 1 và đợt 2 có 1.907 em nhập học. Đợt 3 có 124 em nộp hồ sơ, may ra khoảng một nửa số này nhập học. Tuyển bổ sung đợt 3, ĐH Kinh doanh và Công nghệ tuyển 2.300 chỉ tiêu ĐH, 350 chỉ tiêu CĐ. Trong khi mọi năm thực hiện 3 chung thì trường chỉ cần tuyển đến nguyện vọng 2 là đủ chỉ tiêu.

So với mọi năm thì rất nhiều trường tốp dưới, nhất là các trường CĐ đang loay hoay tìm kiếm thí sinh. Trong ảnh, thí sinh tại Quảng Ngãi xem lại bài thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: P.Trung

Còn chuyện đóng cửa một số ngành trong trường là chuyện đã xảy ra thời gian gần đây. Không chỉ trường tư phải đóng mà ngay cả trường công cũng không tuyển được, do nhu cầu xã hội không có việc làm. Đó là một thực tế.

Nhưng tại sao các trường cứ thoi thóp mà không đóng được? Đó là câu hỏi đặt ra. Tuy nhiên, trả lời báo chí vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết đình chỉ hoạt động của một trường không đơn giản, phải có luật. Một trong những điều kiện để đình chỉ là không tuyển sinh được nhưng hiện nay, trường kém nhất cũng tuyển được hơn 100 người học. “Nhìn nhận một cách khách quan, người ta đã đầu tư hàng đống tiền vào trường ngoài công lập thì họ phải tự cân đối cơ sở vật chất, thu chi, nguồn lực, giảng viên… hoặc kêu gọi chủ đầu tư mới chứ không để tự chết. Ngành có chức năng quản lý phải thực thi một cách bình đẳng và đảm bảo chất lượng. Những trường công không tuyển được thì ngành sẽ có hướng sắp xếp lại hệ thống. Nói tóm lại, làm gì cũng phải có luật, có căn cứ, chứ không thể nói đóng là đóng được” – bà Phụng khẳng định.

Đóng – mở đều có luật

Theo bà Phụng, trường nào không tuyển sinh được 3 năm liên tiếp thì dừng tuyển sinh. Dừng tuyển sinh rồi mà vẫn không khắc phục được nguyên nhân ngừng tuyển sinh thì sẽ đình chỉ hoạt động (đình chỉ có nhiều căn cứ nhưng đây là nói về nguyên nhân tuyển sinh). Hiện nay, hầu như không có trường công không tuyển sinh được. Tuy nhiên, lý giải cho tình trạng khó tuyển sinh, các trường ĐH cho rằng giáo dục ĐH hiện đang lạm phát về quy mô tuyển sinh cũng như số lượng trường ĐH, CĐ. Cả nước có hơn 400 trường ĐH, CĐ, nếu tính bình quân, mỗi tỉnh thành có 7 trường ĐH, CĐ thì lấy đâu thí sinh để học. Đó còn chưa kể, theo quy luật, số lượng thí sinh tốt nghiệp lớp 12 giảm dần qua từng năm. Nguồn tuyển thì giảm mà chỉ tiêu ĐH, CĐ lại tăng lên hằng năm. Theo số liệu của Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu của các trường hằng năm tăng lên nhanh chóng, từ 165.570 (năm 2001) lên 640.000 (năm 2014). Thống kê của bộ cho thấy trong 10 năm chỉ tiêu phình lên gấp 3-4 lần kể cả ĐH lẫn CĐ. Chẳng hạn năm 2005, nguồn tuyển nhiều gấp 6,5 lần so với chỉ tiêu ĐH thì năm nay con số này chỉ còn 1,52. Năm 2013 chỉ tiêu ĐH là 329.896, năm 2014 là 370.000 và năm nay là 439.000 vừa xét theo kỳ thi THPT quốc gia vừa xét phương thức riêng.

Trong khi đó, về phía bộ, bà Phụng cho rằng càng ngày tỷ lệ sinh càng ít đi dẫn đến ít học sinh hơn; công tác phân luồng tốt hơn cộng với dư luận về việc có khoảng 100.000 cử nhân ra trường không có việc làm cũng khiến người học phải cân nhắc. Thêm vào đó, ngày càng có nhiều khu công nghiệp mới tuyển số lượng lớn người lao động với một viễn cảnh hấp dẫn: Học việc 1-2 tuần hoặc dưới 1 tháng là có thể đi làm và có lương. Khu công nghiệp Samsung tuyển dụng liên tục; các khu công nghiệp đưa xưởng về tận các huyện ở Nam Định, Bắc Ninh… là nguồn việc làm hấp dẫn đối với người lao động.

Giải pháp cho thời gian tới, bà Phụng cho biết trên cơ sở phân tầng ĐH, các trường tự chọn định hướng của mình: Nghiên cứu, ứng dụng hay thực hành – làm gì thì phấn đấu theo chỉ tiêu đó. Nếu, giả sử, một trường làm theo hướng thực hành thì phải đầu tư lại cơ sở vật chất, kết nối với doanh nghiệp và đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp… Ngành sẽ quản về chất lượng, hiệu quả khi sử dụng kinh phí và hoàn thiện theo hướng phân tầng.

Bài, ảnh: Nghiêm Huê

Bình luận (0)