Những điều cần biết về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TP.HCM năm 2020, lưu ý cách đặt nguyện vọng, bật mí “công thức” để bước vào kỳ thi an toàn… là các thông tin hữu ích được chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn trực tuyến “Hướng nghiệp – tuyển sinh sau THCS” năm 2020.
Các chuyên gia tư vấn trong chương trình
Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường THCS – THPT Hồng Hà.
Điều kiện để vào lớp 10 tích hợp
Thông tin về kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 chương trình tích hợp năm 2020, TS. Nguyễn Đặng An Long (Phó chánh Văn phòng, Phó ban Tuyên giáo Đảng ủy Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết, để vào lớp 10 tích hợp, thí sinh phải tốt nghiệp THCS và đạt điều kiện một trong những nhóm sau: Nhóm 1, thí sinh có theo học chương trình tích hợp THCS; nhóm 2, thí sinh có theo học chương trình tích hợp THCS và có nguyện vọng thi chuyên. Thí sinh theo nhóm này có tổng cộng 5 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 lớp chuyên, nguyện vọng 2 chương trình tích hợp cùng 3 nguyện vọng thường; nhóm 3, không theo học chương trình tích hợp nhưng có nguyện vọng học THPT tích hợp. Ở nhóm này, thí sinh phải đạt những yếu tố sau: tốt nghiệp THCS loại khá; điểm số từng kỹ năng của toàn năm lớp 9 tăng cường tiếng Anh đạt từ 6 trở lên; đạt chứng chỉ B tiếng Anh trở lên; Cambridge PET đạt từ 140/210 điểm (hoặc 142/170); FCE từ 140/210 điểm (hoặc 140/190); chứng chỉ TOEFL Junior đạt từ 785/900 điểm trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh tương đương. Đặc biệt, ngoài việc dự thi 3 môn quy định là toán, văn, ngoại ngữ, ở nhóm này, thí sinh đăng ký nguyện vọng tích hợp phải dự thi môn tích hợp. Nếu không trúng tuyển vào lớp 10 tích hợp, thí sinh vẫn được tham gia dự tuyển vào lớp 10 THPT theo 3 nguyện vọng đã đăng ký.
Hiện nay, tại TP.HCM, các trường có lớp tích hợp gồm: THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Lương Thế Vinh, THPT Gia Định, THPT Hùng Vương, THPT Võ Thị Sáu, THPT Phú Nhuận. “Chương trình tích hợp chuyên hay tích hợp trường thường đều giống nhau, rèn luyện thêm kỹ năng tiếng Anh. Tùy vào sức học bản thân và quãng đường di chuyển để chọn lựa môi trường học phù hợp. Tuy nhiên, học sinh không nên đăng ký các nguyện vọng vào cùng 1 trường, nên đặt các nguyện vọng cách nhau 1 điểm”, TS. An Long lưu ý.
Cách chọn trường đúng nguyện vọng
Đưa ra lời khuyên “đăng ký nguyện vọng sao cho phù hợp”, cô Vũ Thị Ngọc Dung (Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1) nói: “Các em học sinh lưu ý là phải tìm hiểu thật kỹ về ngôi trường mình quan tâm thông qua nhiều kênh như những anh chị học trước, từ trang web trường… Điều này rất quan trọng vì có những môi trường phù hợp với học sinh này nhưng lại không phù hợp với học sinh kia. Đặc biệt, các em tránh không chọn nguyện vọng theo bạn bè”.
Tương tự, TS. Nguyễn Đặng An Long cũng nhận định, đăng ký nguyện vọng vào trường nào thì phải xem mức điểm chuẩn và cự ly di chuyển phù hợp với sức học của mình. “Trong câu chuyện đăng ký nguyện vọng, phụ huynh nên làm bạn với con, tìm hiểu xem con có những mong muốn, sở trường như thế nào để đặt đúng nguyện vọng”, TS. An Long khuyên.
Trước câu hỏi của một học sinh lớp 9: “Bản thân học kém nên muốn học nghề, vậy làm thế nào để thuyết phục ba mẹ đồng ý theo quyết định của mình?”. Trả lời câu hỏi này, chuyên gia tâm lý Tô Nhi A cho rằng, để làm được điều này người học cần phải chứng minh cho ba mẹ thấy rằng bản thân đã rất cố gắng, nỗ lực trong học tập từ chính kế hoạch học tập của mình, nhưng năng lực của mình chỉ có thể tới đó. Kế tiếp, tìm đến sự hỗ trợ của giáo viên bởi chính thầy cô sẽ là người chứng minh được mức độ của học sinh phù hợp với xu hướng nào. “Đặc biệt, muốn học nghề gì thì các em phải có sự tìm hiểu kỹ để chứng minh cho ba mẹ thấy sự trưởng thành chứ không phải vì sự hấp tấp, vội vã. Phải có kế hoạch học nghề: học ở đâu, học phí ra sao, học bao lâu thì tốt nghiệp và làm ở đâu, làm như thế nào…”, bà Nhi A lưu ý.
Trong khi đó, ThS. Trương Thị Mỹ Lai (Phó Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Hồng Hà) cho hay, để tìm đúng hướng đi sau THCS, bản thân người học và phụ huynh cần xóa được quan điểm “học giỏi là phải vào trường chuyên, yếu kém mới vào học trường ngoài công lập”. Trên thực tế, có nhiều học sinh giỏi lựa chọn học nghề hay học trường tư thục. “Môi trường học tập nào cũng hướng đến việc đào tạo, rèn luyện kiến thức và kỹ năng, đạo đức cho người học. Vì thế, các em căn cứ vào năng lực bản thân, điều kiện gia đình, mong muốn theo đuổi trong mô hình học tập nào để chọn lựa mô hình phù hợp”, bà Mỹ Lai khuyên.
Làm sao khi vào phòng thi không quên mọi thứ?
Theo chuyên gia tâm lý Tô Nhi A, việc thí sinh bỗng dưng quên hết mọi thứ khi bước vào phòng thi là tâm lý bình thường, theo cơ chế quên tạm thời trong quá trình ghi nhớ thông tin của con người do tâm lý hồi hộp, áp lực cao. “Công thức” để khắc phục trạng thái tâm lý trên, theo bà Nhi A, thí sinh không nên học bài theo kiểu “học vẹt”, học thuộc lòng mà phải là học hiểu kiến thức. Trước khi đi thi phải ngủ đủ giấc, ăn đủ chất, đảm bảo an toàn thực phẩm với thực đơn khoa học, lành mạnh. Ngày đi thi nên đến sớm để làm quen với không gian phòng thi, nhằm tạo ra sự thoải mái nhất. Bên cạnh đó, các em cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, giấy tờ, mang theo chai nước và nhất là phải thật sự bình tĩnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)