Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Tuyển sinh lớp 10 khu vực ngoại thành TP.HCM: HS giỏi ra đi, HS yếu ở lại

Tạp Chí Giáo Dục

Tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, huyện Bình Chánh luôn “chảy máu chất xám” vì học sinh giỏi của huyện thì đăng ký vào các trường ở nội thành, trong khi học sinh các quận lân cận lại đổ về đây do… điểm chuẩn thấp. Đó là ý kiến của cô Nguyễn Phạm Thùy Linh (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Chánh) tại tọa đàm “Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng học sinh lớp 9 và tuyển sinh lớp 10” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh tổ chức ngày 11-5.

Ông Nguyễn Thanh Tòng (Hiệu trưởng Trường THPT Lê Minh Xuân) phát biểu tại tọa đàm

Nghỉ học vì không theo nổi chương trình

Ông Nguyễn Thanh Tú (Tổng Biên tập Báo Giáo dục TP.HCM) cho biết: “Tọa đàm này khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc đổi mới hoạt động giáo dục trong nhà trường; cụ thể là các nhà khoa học, lãnh đạo cơ quan/ban ngành địa phương và các thầy cô giáo đã đưa ra thực trạng, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng học tập của học sinh THCS và phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9”.

Từ năm học 2006-2007, TP.HCM áp dụng 2 hình thức tuyển sinh là thi tuyển và xét tuyển vào lớp 10 THPT công lập. Ban đầu chỉ có 3 huyện là Bình Chánh, Củ Chi và Cần Giờ thực hiện xét tuyển, nhưng sau 7 năm thì số quận, huyện thực hiện xét tuyển theo phân tuyến đã tăng lên thành 9/24 quận, huyện. Tuy nhiên, từ năm 2014, xuất phát từ thực tế chất lượng học sinh xét tuyển ngày càng thấp, Sở GD-ĐT TP.HCM quyết định tổ chức lại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên toàn thành phố.

TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Điểm chuẩn vào lớp 10 các huyện ngoại thành trong những năm gần đây rất thấp. Trong kỳ tuyển sinh 2016-2017, tình trạng này liệu có thay đổi?”. Ông Nghĩa đơn cử chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của tất cả các cơ sở giáo dục phổ thông (công lập, tư thục, GDTX…) trên địa bàn huyện Bình Chánh chỉ đáp ứng khoảng 90% sĩ số học sinh tốt nghiệp THCS. Năm học 2016-2017, tổng chỉ tiêu xét tuyển vào lớp 10 các hệ thống trên là 3.505 học sinh nhưng có đến 3.931 học sinh tốt nghiệp THCS. “Ở nội thành, số lượng học sinh thi đông nên có thể điểm chuẩn nâng lên do tỷ lệ cạnh tranh cao, trong khi huyện ngoại thành số lượng học sinh không nhiều, nhiều em là dân nhập cư lao động thiếu sự quan tâm của gia đình nên ảnh hưởng đến quá trình học tập, điểm chuẩn của các em”.

Huyện Bình Chánh hiện có 28 trường tiểu học, 17 trường THCS và 5 trường THPT thu hút hàng ngàn học sinh theo học. Chất lượng giáo dục được các trường hết sức quan tâm và đã có những biện pháp thích hợp để giảm dần lưu ban, bỏ học, nâng dần chất lượng và hiệu suất đào tạo ở từng cấp học. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Dũng (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh) chia sẻ: “Chất lượng bài thi tuyển sinh lớp 10 của học sinh huyện Bình Chánh còn thấp so với mặt bằng chung của thành phố. Nhiều em trong số đó sau một thời gian cố gắng nỗ lực học tập không thành công đã chấp nhận bỏ học giữa chừng vì thật sự các em không thể nào theo nổi chương trình học vốn khá nặng và áp lực phân hóa khá cao của bậc THPT”.

Thực tế, năm học 2014-2015, trong tổng số 3.502 thí sinh huyện Bình Chánh dự thi vào lớp 10 THPT công lập thì môn văn chỉ có 2%, môn toán 2,46%, môn tiếng Anh 5,69% học sinh có điểm bài thi đạt loại giỏi; trong khi đó tỷ lệ kém ở môn văn là 9,28%, môn toán 22,72% và môn tiếng Anh 37,17%. Tương tự, kỳ tuyển sinh năm học 2015-2016, môn văn có 3,85%, môn toán 5%, môn tiếng Anh 1,37% học sinh đạt loại giỏi; trong khi đó tỷ lệ kém ở môn văn là 5,11%, môn toán 16,59% và môn tiếng Anh chiếm tới 47,62%.

“Việc đánh giá thực trạng, chỉ ra đúng nguyên nhân của thực trạng và đề ra được các giải pháp đồng bộ, khả thi để củng cố, cải thiện chất lượng học tập của học sinh lớp 9 và tuyển sinh vào lớp 10 không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với các trường THCS; mà còn là dịp để chúng ta thống nhất chương trình hành động nhằm phòng chống có hiệu quả thiết thực hơn đối với tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học”, ông Nguyễn Trí Dũng (Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh) nói.

Đề cập những nguyên nhân dẫn đến điểm chuẩn thấp, cô Nguyễn Phạm Thùy Linh (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bình Chánh) phân tích: “Huyện Bình Chánh đang bị “chảy máu chất xám”, học sinh giỏi không học trên địa bàn mà chuyển về tuyến trên thi. Trong khi đó, học sinh chưa giỏi lại đổ về Bình Chánh thi vì sợ không đủ điều kiện vào trường công lập ở quận, coi như đây là một-bước-quá-độ để năm sau chuyển về quận mình cư trú. Như vậy học sinh giỏi thì ra đi, học sinh trung bình lại đến. Ngoài ra, những lý do như dân nhập cư đông, vì mưu sinh nên phụ huynh phó mặc chuyện dạy học cho nhà trường. Gần các trường THPT lại  có nhiều tiệm game, quán bia khiến những học sinh thiếu động cơ học tập bị thu hút…”.

Tạo động lực cho học sinh học tập

Theo thống kê, trong 3 môn thi tuyển vào lớp 10, điểm môn tiếng Anh của học sinh huyện Bình Chánh rất thấp. Cô Võ Thị Kim Hà (chuyên viên bộ môn tiếng Anh, Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh) phân tích: “Theo thống kê, bài thi môn tiếng Anh vào lớp 10 của học sinh trên địa bàn huyện thấp nhất, thấp hơn cả điểm trung bình chung của thành phố. Cụ thể, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015-2016, số lượng học sinh đạt điểm trung bình trở lên ở môn này chỉ chiếm 22,4% so với mặt bằng chung của thành phố là 51%”. Cô Kim Hà đã đưa ra những biện pháp để 5 năm nữa có thể khắc phục được tình trạng này là phải đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tích cực, năng động, sáng tạo của học sinh; hướng dẫn phương pháp tự học cho học sinh; tạo bầu không khí thoải mái, thân thiện, hứng thú cho các em khi học…

Để tạo động cơ học tập, đổi mới mô hình giáo dục, giữ lại chất xám cho huyện nhà, cô Thùy Linh đưa ra giải pháp: “Cần nâng cao trách nhiệm ý thức công dân trên huyện nhà để thu hút chất xám, đồng thời tăng cường tư vấn tuyển sinh để học sinh chọn hệ thống học tập phù hợp. Về phía nhà trường, giáo viên cần xây dựng kế hoạch học tập tốt, ban giám hiệu các trường THCS và THPT phối hợp tốt trong đào tạo, có chế độ bồi dưỡng giáo viên, thu hút khuyến học khuyến tài, mở hình thức lớp chuyên, lớp chọn, mạnh dạn phân luồng từ lớp 7…”.

Ngoài vào lớp 10 THPT công lập, học sinh còn có nhiều sự lựa chọn khác. “Thực trạng này không thể thay đổi trong thời gian ngắn. Không nhất thiết phải vào phổ thông lớp 10 mới thành công. Nhiều thành công bằng con đường khác nhau, xã hội hiện đại con đường thành công rất đa dạng. Giải pháp tốt nhất là phân luồng học sinh vào những hệ khác như trường nghề”, ông Vũ Gia Hiền (Hiệu trưởng Trường TC Âu Việt) đề xuất.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Thanh Tòng (Hiệu trưởng Trường THPT Lê Minh Xuân) cho rằng: “Đa số học sinh nghỉ học là do học lực yếu kém. Vì vậy, nên có sự phân luồng sớm để các em có hướng phát triển bền vững”.

Bài, ảnh: Dương Bình

Bình luận (0)