Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn: Chú ý các dạng bài nghị luận

Tạp Chí Giáo Dục

Cô Đinh Thị Mỹ Hiền trao đổi với học sinh trong một giờ ôn tập môn ngữ văn. Ảnh: B.Vân

Năm nay, cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn tại TP.HCM dự kiến không có gì mới so với năm 2015. Tuy nhiên, học sinh cũng cần bổ trợ những kỹ năng và kiến thức thực tế để bài thi thêm phong phú và đạt kết quả tốt.

Cần bổ trợ kiến thức thực tế

Cô Đinh Thị Mỹ Hiền, Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THCS Hồng Bàng (Q.5), cho biết cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 năm nay không có gì mới so với năm rồi. Do vậy, các em học sinh hãy an tâm ôn luyện theo sự hướng dẫn của giáo viên trực tiếp giảng dạy. Tuy nhiên trong xu thế đổi mới đề thi sẽ ngày càng hướng đến việc giúp các em thể hiện những kỹ năng, năng lực đã được hình thành trong quá trình học. Do vậy, phần bổ trợ kiến thức thực tế trong cuộc sống là điều mà bản thân học sinh và phụ huynh có thể hỗ trợ thêm cho phần ôn luyện của thầy cô trên lớp. Cụ thể, với phần đọc hiểu, các em không nên đặt nặng việc học thuộc lòng các văn bản trong sách giáo khoa, mà hãy thật sự xem trọng việc hiểu – hiểu ý nghĩa, hiểu các biện pháp tu từ, hiểu từ ngữ, hiểu bản chất của các đơn vị ngữ pháp đã được học… Một khi đã hiểu, các em có thể đáp ứng bất kì câu hỏi nào mà đề bài yêu cầu, dù ngữ liệu là văn bản trong hay ngoài sách giáo khoa.

Xác định đúng yêu cầu đề bài

Các em không nên đặt nặng việc học thuộc lòng các văn bản trong sách giáo khoa, mà hãy thật sự xem trọng việc hiểu – hiểu ý nghĩa, hiểu các biện pháp tu từ, hiểu từ ngữ, hiểu bản chất của các đơn vị ngữ pháp đã được học…

Với phần nghị luận xã hội, về kiến thức, cô Mỹ Hiền khuyên học sinh hãy chăm đọc báo, đọc và suy ngẫm những ý kiến của người khác và của chính mình về vấn đề đó. Có thể trao đổi thêm với bè bạn, với người lớn về những vấn đề đáng quan tâm. Xét cho cùng, người ra đề cũng chỉ mong muốn các em biết suy nghĩ về những vấn đề sát hợp với lứa tuổi mình mà thôi. Còn về hình thức, theo cô Mỹ Hiền, các em hãy chú ý phương pháp làm bài của hai dạng nghị luận tư tưởng đạo lí và nghị luận sự việc hiện tượng đời sống. Ở trường, các thầy cô đã dạy kỹ cho các em hai dạng này. Khi viết hãy chú ý phân đoạn rạch ròi, giúp bài sáng rõ. Năm rồi, có em làm bài tốt, nhưng rồi không tách thành mở bài, thân bài, kết luận mà bị trừ phân nửa số điểm, rất đáng tiếc.

Nhà trường luôn đồng hành với học sinh

Nói về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10, cô Vũ Thị Hường, Phó Hiệu trưởng chuyên môn Trường THCS Hồng Bàng (Q.5), cho biết nhà trường luôn đảm bảo ôn tập cho học sinh đầy đủ về nội dung của chương trình lớp 9. Sau khi học sinh hoàn thành chương trình lớp 9, nhà trường vẫn tiếp tục ôn tập cho các em đến khi thi tuyển vào lớp 10 với 3 môn toán, văn và tiếng Anh, qua đó giúp các em thêm vững vàng về kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp quan trọng. Tuy nhiên, việc ôn tập đã được chuẩn bị từ đầu năm học, cụ thể là khi dạy đến đâu, thầy cô cũng định hướng cho các em hệ thống kiến thức, đồng thời cho các em tiếp cận dần với các dạng đề…

Về việc chọn trường, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh thông qua buổi tư vấn cho phụ huynh vào cuối học kỳ 2. Qua đó, nhà trường thông báo kết quả học tập của các em và tình hình tuyển sinh của hệ thống trường lớp để phụ huynh có sự chuẩn bị trong việc chọn trường phù hợp cho con em mình. Đặc biệt, học sinh cũng được nhà trường tư vấn và hướng dẫn kỹ về hệ thống trường lớp. Ví dụ như những trường ở gần nhà học sinh, những năm trước tuyển bao nhiêu điểm, tổng điểm kiểm tra học kỳ 2 của 3 môn (toán, văn, Anh) là bao nhiêu và so sánh với điểm chuẩn của những năm trước giúp các em xác định năng lực ở mức nào, nhằm chủ động trong việc chọn trường phù hợp với năng lực của mình. Việc nhà trường đồng hành với học sinh sẽ tạo động lực để các em nỗ lực hết sức, không bị áp lực quá nặng nề; đồng thời giúp các em hiểu rằng mỗi em đều có năng lực riêng, nên có thể có em đạt được nguyện vọng vào công lập, cũng có những em không đạt, nhưng vẫn còn nhiều hướng cho các em lựa chọn với những trường vừa sức với mình, như các trường dân lập hoặc hệ thống các trường nghề… 

Về nghị luận văn học, cô Mỹ Hiền cho biết trước tiên các em hãy nắm chắc các tác phẩm đã học trong chương trình, kế đó là đọc kỹ đề. Các em không thể đi khi chưa biết mình đi đâu, cho nên xác định đúng yêu cầu đề bài là quyết định đến 50% thành công. Điểm lưu ý tiếp theo là các em cần xác định luận điểm. Tuy nhiên trong khâu này các em nên cẩn thận, vì đôi khi đề cũng cho đúng đoạn thơ, văn đó nhưng lại yêu cầu phân tích theo hướng khác. Và một khi đã xác định đúng luận điểm, làm rõ được luận điểm thì việc đạt mức độ khá không quá khó. Phần còn lại là cái mượt mà, rõ ràng trong thể hiện của các em. Với những em khá giỏi, hãy tự mình tìm hiểu thêm về các văn bản cùng chủ đề ngoài sách giáo khoa, sẽ giúp các em mở rộng thêm kiến thức, bồi đắp thêm tình yêu văn học, linh hoạt hơn trong diễn đạt.

Cuối cùng là áp lực về thời gian. Thi học kỳ 2 và thi tuyển sinh vào lớp 10 cấu trúc đề như nhau nhưng thời gian hơn kém nhau 30 phút. Tuy nhiên, các em hãy an tâm, vì thầy cô ra đề sẽ cân đối điều đó. Vấn đề là các em phải biết phân bố thời gian hợp lí cho các phần. Đừng quá chăm chút cho một phần rồi không kịp làm các phần còn lại, bởi điểm số của bài làm là tổng hợp điểm của tất cả các phần.

Bích Vân (ghi)

 

 

Bình luận (0)