Cô Trần Thúy An – Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1)
Khi ôn tập môn văn, học sinh cần nắm vững cấu trúc đề thi và xác định rõ cách học ở từng phân môn. Ảnh: N.Q
|
Viết chữ rõ ràng, trình bày sạch đẹp
Để học giỏi văn cần phải có năng khiếu, nhưng nếu không có năng khiếu, học sinh vẫn có thể học tốt môn này. Muốn vậy, các em cần chăm đọc, bởi khi đọc sách, ngoài việc nắm được các thông tin thì chúng ta còn học được cách dùng từ, đặt câu của tác giả. Ngoài ra còn phải chăm viết, bởi có viết nhiều mới viết được hay.
Đối với học sinh lớp 9, để đạt được kết quả cao trong kì thi tuyển vào lớp 10, các em cần nắm vững cấu trúc của đề thi và xác định rõ cách học ở từng phân môn. Cụ thể, ở phân môn văn: Đối với truyện ngắn, học sinh cần nắm được cốt truyện, nhớ chính xác tên nhân vật, địa danh…; đối với thơ thì phải học thuộc đoạn thơ, bài thơ. Cả truyện và thơ các em đều phải nắm rõ xuất xứ tác phẩm, những giá trị nội dung và nghệ thuật trong từng đoạn, từng bài. Phân môn tiếng Việt:Các em cần nắm vững các kiến thức ngữ pháp ở SGK để ứng dụng vào việc dùng từ, đặt câu, viết văn bản… Ngoài ra, các em nên liên hệ với các bài văn, thơ đã học và đọc thêm để tìm thêm ví dụ có liên quan nội dung ngữ pháp đã học. Phân môn tập làm văn: Học sinh cần nắm vững phương pháp làm bài nghị luận xã hội và nghị luận văn chương. Phần nghị luận xã hội có hai dạng cơ bản: Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí và nghị luận về một hiện tượng trong đời sống xã hội. Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí là nghị luận về nhận thức (lí tưởng, mục đích sống, mục đích học tập…); về tâm hồn, tính cách (lòng yêu nước, lòng nhân ái, lòng vị tha, lòng bao dung; tính trung thực, tính khiêm tốn, tính ích kỉ…); về quan hệ gia đình (tình mẫu tử, tình anh em…); về quan hệ xã hội (tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn…). Nghị luận về một hiện tượng trong đời sống xã hội: Cần chú ý đến những vấn đề có tính chất thời sự như hiện tượng học sinh nghiện chơi game, xả rác bừa bãi nơi công cộng, cách hành xử trong môi trường học đường hay các vấn đề về an toàn giao thông…
Bài nghị luận xã hội chỉ chiếm 3 điểm nên các em không cần viết quá dài. Phương pháp làm hai dạng bài này có những điểm khác nhau nhưng bố cục vẫn tuân thủ theo trình tự ba phần: Mở bài (nêu vấn đề), thân bài (giải thích, phân tích thực trạng, xác định thái độ đúng, phê phán thái độ sai…), kết bài (rút ra bài học cho mình và nêu ra phương hướng hành động thiết thực). Phần nghị luận văn chương cũng có hai dạng:Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ và nghị luận về một đoạn trích hay một tác phẩm văn xuôi. Các em cần mạnh dạn hỏi các thầy cô phụ trách môn văn nếu chưa phân biệt được cách làm hai dạng bài này. Bài nghị luận văn chương chiếm tới 5 điểm, nên cần cẩn thận để tránh lạc đề, xa đề. Muốn vậy, khi nhận được đề bài các em đừng vội cắm cúi viết ngay. Hãy dành 5-10 phút đọc kỹ đề, gạch chân từ ngữ quan trọng để xác định nội dung chính của đề. Tiếp đến, viết ra giấy nháp các ý chính, ý phụ (càng nhiều càng tốt) rồi sắp xếp các ý đó theo một trình tự trước sau hợp lý. Thao tác làm dàn bài này sẽ giúp bài văn có kết cấu tốt, đồng thời xác định phần nào là trọng tâm để phân tích kỹ và phần nào không trọng tâm thì viết ngắn gọn lại. Sau khi làm bài xong, các em nên đọc lại để chắc chắn mình làm đúng các yêu cầu của phần câu hỏi văn và tiếng Việt; kiểm tra xem bài thơ đã chép tựa bài và tên tác giả chưa; bài tiếng Việt có chú thích rõ ràng hay không… Cũng cần xem lại bài làm văn và sửa lỗi chính tả, lỗi dùng từ. Cố gắng viết chữ rõ ràng và giữ bài văn sạch sẽ để chiếm được cảm tình của giám khảo.
Khi viết một bài tập làm văn, thí sinh cần cố gắng cân nhắc lựa chọn từ ngữ chính xác, viết câu đúng ngữ pháp, tách đoạn hợp lý, có liên kết câu và liên kết đoạn văn để bài văn mạch lạc nhưng vẫn trôi chảy, giàu chất văn.
Cô Đinh Thị Ngọc Nhung – Tổ trưởng bộ môn văn Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình)
Không nên học tủ
Phần văn nghị luận xã hội, các em không nên làm dàn trải, quá dài mà phải nắm bắt, chọn lọc những chi tiết thật đắt giá để cô đọng lại bài làm.
|
Để làm tốt bài thi môn văn, các em cần nắm vững kiến thức cơ bản trong SGK, đồng thời dựa vào cấu trúc đề thi của Sở GD-ĐT để ôn tập từng phần cho kỹ.
Trước hết, các em cần phải học thuộc lòng các bài thơ và cảm nhận được ý nghĩa nội dung, ý nghĩa nghệ thuật của từng bài. Còn các tác phẩm văn xuôi thí sinh cần nắm vững hoàn cảnh sáng tác, đôi nét về tác giả, nắm vững ý nghĩa nội dung, ý nghĩa nghệ thuật của tác phẩm… Phần tiếng Việt, học sinh cần chú trọng phần đặt câu, viết lại câu cho đúng ngữ pháp vì trong đề thi thường có một số câu xác định các kiến thức về từ vựng, ngữ pháp để ứng dụng vào bài tập có hoàn cảnh, tình huống cụ thể. Thông thường, phần nghị luận xã hội chiếm khoảng 3 điểm, các em nên làm khoảng một trang giấy là khá đầy đủ để có thời gian làm những câu khác. Phần tập làm văn, đề ra thường là nghị luận văn chương, các em cần biết cách phân tích tác phẩm, đặc điểm nhân vật nắm vững nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Đối với bộ môn này, các em không nên học tủ mà cần phải học tất cả các kiến thức cơ bản của chương trình lớp 9, đồng thời nắm vững kỹ năng phân tích tác phẩm thì sẽ hoàn thành tốt bài thi.
DƯƠNG BÌNH (ghi)
LTS: Ngữ văn là một trong ba môn thi chính trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 (cùng với môn toán, môn ngữ văn sẽ được nhân hệ số hai). Để giúp các thí sinh có phương pháp ôn tập sao cho hiệu quả, Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu ý kiến của hai giáo viên có nhiều kinh nghiệm xung quanh cách thức ôn tập cũng như những lỗi thí sinh hay mắc phải khi làm bài.
|
Bình luận (0)