Thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm học vừa qua. Ảnh: I.T |
Ngày 18-6, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2013-2014 của ngành giáo dục Hà Nội sẽ diễn ra. Như năm học trước, năm học này, TP vẫn kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Trước mùa tuyển sinh, Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội xung quanh vấn đề này.
PV: Được biết, năm học 2013-2014, Hà Nội sẽ giảm 1.400 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ông Phạm Hữu Hoan: Năm nay, HS lớp 9 thi vào lớp 10 của TP.Hà Nội giảm gần 5.000 HS, chỉ tiêu vào các trường công lập cũng giảm 1.400. Nhưng có thể thấy số lượng HS giảm nhiều nhưng chỉ tiêu giảm ít do đó, cơ hội vào các trường công lập của Hà Nội là rất lớn. Thực tế là cao hơn năm ngoái. Năm nay, sẽ không tạo lên điểm nóng cục bộ trong đăng ký tuyển sinh vào lớp 10. Tâm lý chung của phụ huynh cũng e ngại trước các trường tốp cao. Thứ nhất là có nhiều HS đăng ký, thứ hai là sức học của con em mình có thể vào được có thể không. Do đó, họ thường cho con cái đăng ký vào những trường tốp thấp hơn. Năm nay cũng như những năm trước, Sở GD-ĐT đã có một cách là khi tổng hợp xong số lượng HS đăng ký vào từng trường thì công bố công khai trên mạng và cho phép phụ huynh có thể đăng ký lại nguyện vọng (NV) cho con em mình một cách phù hợp.
Số lượng công bố cũng có hai mặt, ông có lời khuyên nào dành cho phụ huynh và HS không?
Đối với những HS đạt điểm xét tuyển tối đa là 20 điểm, cộng thêm chỉ số phụ, cộng với nắm vững chuẩn mực kỹ năng (văn hóa đạt loại giỏi) thì nên đăng ký vào những trường gia đình mong muốn, để có thể đáp ứng được ngay NV như ban đầu để ổn định chỗ học cho con.
Hàng năm, sở có cho phép một số trường được lấy NV tràn. Nhưng nhiều khi gây nên tình trạng quá tải cho các trường này. Năm nay Sở GD-ĐT Hà Nội có giải pháp như thế nào, thưa ông?
NV tràn hay là NV3, đây là một chính sách ưu đãi để giải quyết khó khăn cho những đối tượng HS có lực học tốt nhưng trong quá trình dự thi không đạt được kết quả như mong muốn vì một lý do nào đó nhưng vẫn có NV học công lập. Hiện nay, cơ sở vật chất các trường công lập rất tốt, đội ngũ giáo viên ổn định, đội ngũ quản lý tốt do đó, những HS được vào học công lập thì có điều kiện hơn. Nhưng một số trường nhận NV tràn thường dẫn đến dư HS. Điều cơ bản của vấn đề này hiện nay là ban giám hiệu các trường dự đoán, dự báo số lượng HS tràn vào chưa chính xác. Năm nay khi duyệt NV3 tràn vào các trường, sở sẽ làm chặt chẽ hơn, bám sát thực tế, bám sát vào điểm thi của HS, bám sát vào khu vực dự thi để làm sao số HS tràn vào phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh, phù hợp nhu cầu, tránh việc vượt quá chỉ tiêu. Thực tế, khi sở đã đồng ý cho tràn với số điểm đã quy định thì khi HS nộp hồ sơ nếu đủ điều kiện bắt buộc trường phải nhận. Do đó, cách tốt nhất là dự báo chính xác, kiểm soát được số lượng HS có thể tham gia vào NV tràn này.
Những năm vừa qua, trong đề thi vào lớp 10 thường có câu hỏi mở. Đề thi năm nay sẽ như thế nào thưa ông?
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay nằm trong chương trình THCS và chủ yếu là chương trình lớp 9. Những HS từ trunh bình khá trở lên và nắm vững chuẩn kiến thức kỹ năng thì có thể đạt được điểm 7 trở lên. Trong đề thi môn văn và toán đều có một ý nhỏ về câu hỏi mở và câu hỏi khó dành cho sự sáng tạo của HS, cho những HS giỏi có tư duy tốt. Đối với môn văn, như năm học trước có 1 điểm dành cho câu hỏi mở. Câu hỏi mở này để chọn ra HS có tính sáng tạo và tư duy tốt. Tuy nhiên, câu hỏi mở vẫn nằm trong chương trình lớp 9, vẫn có ba rem và biểu điểm cụ thể. Đối với môn toán, có 1 điểm dành cho HS giỏi. Trong đó 1/2 điểm dành cho hình học và 1/2 điểm cho đại số. Do đó, ở môn toán, HS có học lực từ khá trở lên có thể đạt điểm 9, HS giỏi thì có thể đạt điểm 10.
Tại sao các địa phương khác đã thi 3 môn (như TP.HCM) nhưng Hà Nội vẫn 2 môn?
Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT có 3 hình thức để các địa phương có thể sử dụng tuyển sinh vào lớp 10. Đó là thi tuyển, xét tuyển và kết hợp cả thi tuyển và xét tuyển. Đối với Hà Nội nhiều năm nay vẫn chọn thi tuyển kết hợp xét tuyển để đảm bảo chất lượng giáo dục. Từ khi chúng ta thực hiện Luật Giáo dục thì không còn thi tốt nghiệp THCS nữa. Nếu chỉ thi thôi thì HS sẽ chỉ tập trung những môn chính dẫn đến học lệch, học tủ. Do đó, Hà Nội nhiều năm chọn phương án thi kết hợp xét tuyển. Còn đối với vấn đề thi 3 môn, Hà Nội đang suy nghĩ đến. Năm học 2012-2013, sở đã tổ chức hai hội thảo về việc định hướng cho việc thi tuyển vào lớp 10 trong những năm học tiếp theo. Trong đó có một định hướng có thể làm trong tương lai, cho năm học 2015-2016 và những năm tiếp theo đó là thi 3 môn cộng với xét tuyển. Trong đó, hai môn văn, toán là bắt buộc, môn thi thứ 3 sẽ bắt thăm và công bố trước kỳ tuyển sinh vào lớp 10 một thời gian ngắn để cho HS phải học đều, toàn diện các môn học. Qua việc quản lý theo dõi đối với HS THCS sau khi vào lớp 10, chúng tôi cũng thấy có một điều cần trao đổi. Các hiệu trưởng trường THPT đều nêu rằng khi vào lớp 10, các em học hai môn văn, toán tốt nhưng học các môn còn lại thường nhiều em không nắm vững được chuẩn kiến thức kỹ năng. Vì vậy, khi chuyển sang xét tuyển và thi 3 môn thì sẽ tạo điều kiện cho các em học đều. Kế hoạch tuyển sinh bao giờ cũng phải đưa ra trước 1 năm để phụ huynh, HS chuẩn bị trước. Do đó, muốn chuyển sang thi 3 môn thì phải công bố trước 1 năm. Đến nay Hà Nội chưa có quyết định chính thức. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ có hội thảo cuối cùng để làm tờ trình xin ý kiến UBND TP. Nếu UBND đồng ý thì sở sẽ công bố với dư luận và HS để HS chuẩn bị nhưng việc công bố này cũng phải đảm bảo trước ít nhất 1 năm.
Xin cảm ơn ông!
Thiên Lam
Bình luận (0)