Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh lớp 10 ở TP.Cần Thơ: Nhiều trường lo lắng về chất lượng đầu vào

Tạp Chí Giáo Dục

Một tiết ôn tập môn toán tại lớp 9A1, Trường THCS Lương Thế Vinh (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ)
Năm học 2011-2012, theo quy chế tuyển sinh vào lớp 10 ở TP.Cần Thơ có nhiều thay đổi cả trong việc thi tuyển lẫn xét tuyển. Trước việc đổi mới này, nhiều trường THPT trên địa bàn bày tỏ mối lo ngại về chất lượng giáo dục không được đảm bảo; kéo theo nhiều hệ lụy: thầy cô giáo căng sức ra dạy vì trình độ đầu vào của học sinh không đồng đều, học sinh yếu kém không theo kịp sẽ bỏ học…
Nhiều điểm mới trong xét tuyển
Trong số 24 trường cấp III, những trường tổ chức thi tuyển gồm: THPT chuyên Lý Tự Trọng, THPT Thốt Nốt, THPT Thuận Hưng, THPT Lưu Hữu Phước, THPT Lương Định Của, THPT Trà Nóc, THPT Bùi Hữu Nghĩa, THPT Phan Ngọc Hiển, THPT Nguyễn Việt Hồng và THPT Châu Văn Liêm. Thí sinh thi 3 môn: toán, tiếng Việt, ngoại ngữ. Hai môn toán và tiếng Việt nhân hệ số 2. Theo kế hoạch, ngoài số trường tư thục, các trường THPT công lập tuyển sinh từ 75% đến 80% học sinh trên địa bàn. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của 21 trường công lập là 9.351. Trong đó học sinh lớp 9 thuộc các quận: Ninh Kiều, Ô Môn, Thốt Nốt, Bình Thủy, phải qua kỳ thi tuyển để được vào học cấp III hệ công lập. Năm quận, huyện còn lại tổ chức xét tuyển.
Năm nay, số trường THPT tổ chức thi tuyển vào lớp 10 tăng ba trường so với năm học vừa qua và qui chế tuyển sinh cũng có điểm mới là: Nếu các năm học trước, thí sinh được thêm nguyện vọng 2 thì năm nay những TS không đỗ vào trường dự thi, phải học tư thục hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, không được chuyển đến trường THPT công lập khác trên địa bàn. Giải thích qui định trên, Sở GD-ĐT Cần Thơ cho rằng: Điều này nhằm giúp TS có sự cân nhắc, lượng sức mình trước khi nộp hồ sơ thi tuyển đồng thời khắc phục tình trạng hồ sơ ảo tại các hội đồng thi.
Đối với các trường tổ chức xét tuyển, một lãnh đạo Sở GD-ĐT cho rằng: “Đằng nào cũng tuyển khoảng 80% học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn nên ở những quận ven, huyện ngoại thành bỏ tổ chức thi tuyển để giảm tốn kém…”. Qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học vừa qua cũng cho thấy: còn một khoảng cách khá xa về chất lượng học sinh khối 9 giữa các quận huyện. Chẳng hạn, không kể Trường chuyên Lý Tự Trọng, hằng năm, tại quận Ninh Kiều, điểm trúng tuyển vào Trường THPT Châu Văn Liêm phải từ 25 điểm trở lên cho ba môn thi, Trường THPT Nguyễn Việt Hồng là 18 điểm; trong khi các trường tại các quận huyện khác chỉ từ 7,5-12 điểm…
Các trường xin được thi tuyển
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2010-2011 với gần 65% TS có điểm môn toán từ 0 đến 2 điểm. Với đầu vào như trên, chỉ trong ba năm học, nhà trường phải làm sao giúp các em khắc phục những lỗ hổng kiến thức cơ bản ở cấp II, đồng thời tiếp thu kiến thức cấp III để có thể đậu trong kỳ thi tốt nghiệp? Quả là áp lực rất lớn đối với các trường có đầu vào thấp… Một số trường THPT phải tổ chức những lớp phụ đạo kiến thức cấp II để các em có đủ nền tảng nhằm tiếp thu được chương trình cấp III. Do vậy tất cả hiệu trưởng những trường THPT tổ chức xét tuyển lớp 10 đều có chung nguyện vọng: Xin cho trường cũng được tổ chức thi tuyển, thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, bức xúc: “Nếu tổ chức thi tuyển sinh lớp 10, sẽ khiến nhiều trường cấp II dạy nghiêm túc hơn, có biện pháp ôn luyện cho học sinh lớp 9, đây sẽ là điều kiện để học sinh nắm lại kiến thức, tạo nền tảng cho các em bắt nhịp được chương trình lớp 10. Còn xét tuyển, mỗi trường THCS có cách đánh giá khác nhau, chỗ chặt chỗ lỏng! Khi vào lớp 10, trình độ học sinh rất chênh lệch. Rất khó cho thầy cô trong giảng dạy”. Một số hiệu trưởng trường THPT đều thừa nhận: Kết quả thi tuyển sẽ là cơ sở khách quan để Sở GD-ĐT thấy được chất lượng và trách nhiệm giảng dạy của giáo viên các trường cấp II tại các địa bàn và từng trường học để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Thầy Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Giáp – ngôi trường thuộc địa bàn vùng sâu (huyện Cờ Đỏ) nhiều năm liền có tỷ lệ tốt nghiệp THPT từ 98% đến 100% – băn khoăn: “Việc xét tuyển rõ ràng không tạo động cơ cho việc dạy và học… Chúng tôi rất băn khoăn vì chất lượng học tập của học sinh lớp 10 ngày càng đi xuống. Khả năng tiếp thu kiến thức của các em rất kém. Quá trình dạy, đội ngũ thầy cô giáo của chúng tôi rất căng thẳng vì phải bồi dưỡng cho nhiều em những kiến thức từ lớp 6, trường phải tổ chức phụ đạo xuyên suốt trong năm học. Mặt khác, dù trường rất cố gắng nhưng vẫn có một bộ phận học sinh, sức học yếu quá, theo không nổi chương trình nên đã bỏ học. Chúng tôi mong rằng Sở GD-ĐT nên có biện pháp đồng bộ trong đánh giá chất lượng giáo dục các cấp. Nếu không, tôi e rằng, cứ kéo dài tình trạng này nhiều thầy cô giáo sẽ kiệt quệ vì làm việc quá tải, trong khi đó, chất lượng giáo dục của TP.Cần Thơ vẫn chưa thật sự tạo được chuyển biến từ nền tảng”… Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thới Lai bày tỏ: “Nhiều năm nay Phòng GD-ĐT huyện luôn đề nghị sở cho tổ chức thi tuyển sinh lớp 10. Kỳ thi này, với đề thi chung của sở, với những điểm số được công khai, sẽ góp phần giúp chúng tôi và xã hội có cơ sở để đánh giá sát hơn chất lượng giảng dạy và trách nhiệm của thầy cô giáo đối với học sinh, tại các trường”.
Trước những trăn trở trên, Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ cho rằng: Vào mỗi đầu năm học các trường THPT đều tổ chức thi kiểm tra chất lượng do vậy cũng nắm được chất lượng đầu vào. Tuy nhiên ban giám hiệu các trường có ý kiến: Kết quả của kỳ kiểm tra chất lượng đầu vào khác xa về ý nghĩa với kết quả của một kỳ thi tuyển sinh, bởi đây là chuyện đã rồi, trường chỉ biết được sức học của học sinh đang ở chặng đường nào để tập trung tìm biện pháp giải quyết vấn đề. Và các trường đề nghị: Sẵn sàng đóng góp kinh phí với Sở GD-ĐT để tổ chức thi tuyển sinh lớp 10, với mong muốn: kỳ thi sẽ góp phần giúp các trường trung học cơ sở dạy và đánh giá học sinh sát hơn. Các em học sinh có động cơ để chăm học hơn; góp phần cải thiện chất lượng giáo dục đại trà nơi các khu vực ngoại thành.
Bài, ảnh: Đan Phượng

Bình luận (0)