Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều trường vẫn còn nhiêu khê

Phụ huynh đang xem danh sách trúng tuyển lớp 10 tại Trường THPT Long Trường sáng 22-7. Ảnh: T.T.Q

Những tưởng các trường THPT nằm trên địa bàn được chọn thực hiện phương án xét tuyển học sinh (HS) lớp 10 sẽ nhẹ nhàng và không bị áp lực, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Một số hiệu trưởng THPT ở quận 9 và Thủ Đức (TP.HCM) ngao ngán trước những rối rắm của công việc này…
Rối rắm chuyện xét tuyển
Bà Lê Thị Minh Loan, Quyền trưởng phòng GD-ĐT quận 9 nói: “Việc xét tuyển vào lớp 10, chúng tôi căn cứ hai điều kiện là điểm xét tuyển và hộ khẩu. Với hai phường Long Thạnh Mỹ và Long Bình, chúng tôi thống kê số liệu về số lượng HS đang theo học lớp 9 ở hai phường này cũng như các phường khác rất kỹ càng để từ đó phân bổ chính xác số lượng HS vào lớp 10. Qua tính toán và họp bàn, Hội đồng tuyển sinh đã đi đến việc phân bổ HS. Trước ngày công bố khu vực nào sẽ vào Trường THPT Nguyễn Huệ hay Trường THPT Long Trường, chúng tôi kiểm tra một lần cuối. Vậy mà không hiểu vì lý do gì, sau khi vừa công bố việc phân bổ, chỉ vài ngày số lượng HS có hộ khẩu tại hai phường Long Thạnh Mỹ và Long Bình đột ngột tăng thêm 180 HS. Tại sao tăng, tôi không thể biết được. Và để giải quyết số lượng 180 HS này, Ban tuyển sinh đành nhờ hai trường nhận thêm, cụ thể Trường THPT Long Trường nhận thêm 100 HS và THPT Nguyễn Huệ nhận thêm 50 HS”. Được biết, tổng số HS tốt nghiệp THCS năm học 2008-2009 của quận là 2.139 em. Trên địa bàn quận 9 có 3 trường THPT gồm hai trường vừa nêu ở trên còn có Trường THPT Phước Long. Theo phân bổ của Sở GD-ĐT, Trường THPT Nguyễn Huệ nhận 720 HS, Long Trường nhận 450 HS và Phước Long nhận 520 HS vào lớp 10, như vậy có 1.690/2.139 HS đạt tỉ lệ 79%. Nhưng sau khi “hiện tượng” 180 HS “nhô” ra một cách khó hiểu, Hội đồng tuyển sinh quận 9 lại cầu cứu hai trường THPT đã đề cập ở trên để “giải tỏa” bớt 150 HS. Phải chăng “sự kiện” 180 HS này là hiện tượng “chạy hộ khẩu” hay quá trình thống kê bị bỏ sót? Khi chúng tôi đặt vấn đề này, bà Lê Thị Minh Loan nói: “Tôi cũng không biết đây có phải là hiện tượng “chạy hộ khẩu” hay không? Tuy nhiên cũng có thể quá trình thống kê bị sót. Rút kinh nghiệm, năm học tới có lẽ chúng tôi phải đặt điều kiện hộ khẩu của HS phải nằm chung với hộ khẩu với cha mẹ để tránh nạn “chạy hộ khẩu” gây xáo trộn”. Việc để sót đến 180 HS e khó thuyết phục!
Tại Thủ Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Lâm Triều Nghi ngao ngán nói: “Theo danh sách Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức chuyển về có 734 HS trúng tuyển vào lớp 10 trường chúng tôi, nhưng khi chúng tôi rà soát lại lần thứ nhất đã phát hiện 7 trường hợp không đúng hộ khẩu theo tuyến phân bổ của Ban tuyển sinh quận. Ngày đầu tiên, tiếp nhận hồ sơ, chúng tôi lại phát hiện thêm 4 trường hợp, trong đó 3 trường hợp không đúng hộ khẩu. Cụ thể, em N.H.P.N hộ khẩu mới chuyển về ngày 25-5, trong khi chỉ đạo của Ban tuyển sinh quận chỉ chấp thuận những trường hợp có hộ khẩu trước ngày 15-5; em N.H.H.N và N.Đ.T.D thời hạn tạm trú cũng không hội đủ điều kiện…”.
Rối càng rối thêm
Hiệu trưởng Trường THPT Long Trường, Trần Văn Đức bức xúc nói: “Theo chỉ tiêu Sở GD-ĐT TP.HCM giao cho trường chúng tôi chỉ tiếp nhận 450 HS lớp 10 năm học 2009-2010, nhưng nay Ban tuyển sinh quận lại đề nghị chúng tôi tiếp nhận thêm 100 HS. Việc tiếp nhận thêm 100 em, chúng tôi rất sẵn sàng. Tuy nhiên, chúng tôi vô cùng khó chịu, rằng tại sao chuyển 100 HS về trường chúng tôi lại cắt khúc đuôi. Khúc đuôi này chỉ toàn HS điểm tốt nghiệp rất thấp, làm như vậy là không sòng phẳng”. Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các quận – huyện xét tuyển phải thành lập Ban tuyển sinh quận – huyện và tổ chức sớm các cuộc họp với sự hiện diện của lãnh đạo UBND quận – huyện, hiệu trưởng các trường THPT nằm trên địa bàn và Phòng GD-ĐT quận – huyện để có kế hoạch tuyển sinh lớp 10 phù hợp với từng địa phương. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, Ban tuyển sinh quận 9 tổ chức cuộc họp này rất muộn, không như ở các quận – huyện khác. Thậm chí có quận – huyện còn tổ chức cuộc họp trù bị rồi đến cuộc họp chính thức. Phải chăng vì vậy nên kế hoạch tuyển sinh ở quận 9 mới có một số thay đổi? Thầy Lâm Triều Nghi nói: “Mấy ngày này, chúng tôi không chỉ lo việc tiếp nhận hồ sơ nhập học của HS mà khổ nhất là phải giải thích từng phụ huynh việc điểm chuẩn con em họ vì sao thấp, trong khi giáo viên chủ nhiệm lớp 9 công bố lại cao hơn”. Được biết, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT căn cứ trên xếp loại học lực và hạnh kiểm cuối năm của các lớp 6, 7, 8, 9 để xét tốt nghiệp và công nhận điểm tốt nghiệp THCS. Với cách làm như sau: Học lực giỏi (HLG) và hạnh kiểm (HK) tốt được 10 điểm; HLG và HK khá được 9 điểm và ngược lại; HL khá và HK khá được 8 điểm; HLG và HKTB được 7 điểm và ngược lại; HL khá và HKTB được 6 điểm và ngược lại; HLTB và HKTB được 5 điểm. Lấy điểm bình quân bằng cách cộng điểm cả bốn năm học và chia cho 4. Nhưng Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức không hiểu vì lý do gì lại chỉ đạo và hướng dẫn các trường THCS nằm trên địa bàn thực hiện trái với chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Cụ thể phòng đã hướng dẫn như sau: các lớp 6, 7 và 8 nhân hệ số 1 còn lớp 9 hệ số 2 và sau đó chia cho năm, dẫn đến sai lệch điểm tốt nghiệp. Rất may, Sở GD-ĐT đã phát hiện và kịp thời chấn chỉnh. Nhưng giáo viên chủ nhiệm lớp 9 các trường THCS nằm trên địa bàn quận Thủ Đức đã công bố điểm tốt nghiệp cho PHHS từ cuối tháng 5. Chính vì thế, khi PHHS đến làm thủ tục nhập học cho con em mình thì phát hiện điểm tốt nghiệp không đúng với điểm đã công bố trước đó nên khiếu nại. Và bao nhiêu rối rắm, bốn trường THPT nằm trên địa bàn quận Thủ Đức lãnh đủ.
Thanh Quang

Bình luận (0)