Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội “căng” như thi đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn 80.000 thí sinh Hà Nội hôm qua hoàn thành bài thi vào các trường THPT không chuyên. Chỉ có chưa đầy 70% thí sinh có thể “chen chân” vào các trường THPT công lập nên không khí “nóng” cả trong và ngoài phòng thi…
Kết thúc một buổi thi căng thẳng
Kết thúc một buổi thi căng thẳng
Con thi, phụ huynh lo
Sáng 22/6, trong tiết trời oi bức, thí sinh bước vào môn thi đầu tiên, môn Ngữ văn. Tại các cổng trường THPT, khá đông các phụ huynh nóng lòng chờ con suốt buổi thi trong tâm trạng lo âu. Nhiều phụ huynh ở Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho rằng, đây là kì thi rất quan trọng và căng thẳng, vì nếu các em không vào được lớp 10 thì biết lo cho các em vào đâu?.
Thêm nữa, các phụ huynh cũng lo con thi môn Văn hơn là Toán cùng với tâm lý “đầu có xuôi, đuôi mới lọt” nên họ không thể không âu lo. Một số phụ huynh khác thì lo con mình nhanh ẩu đoảng, sợ chưa đọc kĩ đề đã viết lan man không đúng trọng tâm…
Tại Trường THPT Đoàn Kết – một trong các trường có đông thí sinh học lực trung bình đăng kí, chị Hồng (ở quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Vì con bé học không được khá, nên đêm qua cháu đã ôn lại bài tới 12h đêm. Sáng nay, 5h tôi gọi cháu dậy ôn được chút nào hay chút nấy. Sau đó, tôi cho con bé ăn xúc xích kẹp bánh mì, nhưng xúc xích phải ăn trước, sau đó mới tới bánh mì vì ăn như vậy là tượng trưng cho điểm… 10”.
Theo ông Nguyễn Hiệp Thống – Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, kì thi năm nay Hà Nội có 80.420 nguyện vọng (NV) 1 vào 103 trường THPT, số lượng này của NV2 là 73.995. Năm nay, các trường được tuyển 1.301 lớp và 58.155 học sinh, như vậy chỉ có 65,2% số học sinh hoàn thành chương trình lớp 9 có “chân” trong các trường THPT công lập. Có thể thấy sự cạnh tranh của thí sinh khá gay gắt và căng thẳng.
Một điều dễ nhận thấy là năm nay có rất đông thí sinh đăng ký vào các trường đứng tốp giữa và tốp cuối của những năm trước khiến các trường này có tỉ lệ “chọi” tăng hẳn lên như Trường THPT Nguyễn Trãi, quận Ba Đình với tỉ lệ “chọi” 1/2,6, Trường THPT Trần Nhân Tông – Hai Bà Trưng (1/1,8), Nhân Chính – Thanh Xuân (1/1,9), Lê Quý Đôn – Đống Đa (1/1,9), Phùng Khắc Khoan – Thạch Thất (1/2)…
Trong số các trường thuộc nhóm đầu – khoảng 10 trường thuộc khu vực nội thành (điểm thi những năm gần đây thường từ 51 điểm trở lên), trường Yên Hòa có số lượng dự tuyển NV1 đông nhất với 1.320 hồ sơ, tỉ lệ “chọi” 1/2,4. Trường Phan Đình Phùng nhận được 1.275 hồ sơ, tỉ lệ “chọi” 1/1,8, Trường THPT Việt Đức – Hoàn Kiếm 1/1,7, Trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông ½… Trường Kim Liên – trường từ vài năm nay có điểm trúng tuyển cao nhất thành phố – nhận được 1.237 hồ sơ, tỉ lệ “chọi” 1/1,8.
Điều đặc biệt, năm nay Trường THPT Trần Phú có số thí sinh đăng kí dự thi thấp hơn chỉ tiêu khi nhà trường chỉ có 643 thí sinh dự thi, trong khi chỉ tiêu của nhà trường cả NV1, NV2 là trên 900 chỉ tiêu. Lý giải cho điều này, cô Bùi Thị Minh Nga – Phó Hiệu trưởng THPT Trần Phú cho rằng, vài năm lại đây, “đầu vào” của trường càng được khẳng định chất lượng khi điểm thi mỗi năm một tăng. Hơn nữa, năm 2010 với điểm vào 53 nhưng nhà trường đã không hạ điểm chuẩn và vẫn tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ NV1. Mặc dù, chỉ cần hạ nửa điểm nhà trường sẽ có thêm một lớp (45 học sinh) nhưng cơ sở nhà trường quá chật chội, phải xin bớt lớp mới đạt chuẩn.
Tuy nhiên, những trường thuộc nhóm đầu dù có số TS dự tuyển không đông như nhóm giữa, nhưng điểm trúng tuyển chắc chắn vẫn rất cao vì TS có học lực tốt. Còn những trường nhóm giữa khó có khả năng điểm trúng tuyển tăng đột biến so với những năm trước vì đa số thí sinh đăng ký dự thi vào đây có sức học từ trung bình đến khá.
Phụ huynh lo lắng chờ đón con em
Phụ huynh lo lắng chờ đón con em
Đề thi không quá khó
Tại Trường THPT Trần Phú, hầu hết thí sinh bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng không mấy vui vẻ. Đề Văn gồm hai phần: phần 1 phân tích bài thơ; phần 2 qua một đoạn trích “Chuyện người con gái Nam Xương” để phân tích lời độc thoại, đối thoại và các yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm. Nhiều thi sinh cho biết hơi bất ngờ khi 2 năm liền Hà Nội ra đề vào “Chuyện người con gái Nam Xương”. 
Em Hương dự thi vào trường THPT Trần Phú cho biết: Mặc dù em đã ôn tập đúng vào phần tác phẩm này nhưng chắc cũng chỉ được tầm khoảng 7-8 điểm. Đề thi không khó nhưng đòi hỏi cần phải hiểu sâu và biết vận dụng thì mới làm được.
Nhận định về đề thi, một cựu giáo viên dạy Văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cho rằng, đề thi của Hà Nội vẫn ra theo hướng truyền thống đó là một câu về thơ và một câu về truyện. Đề thi không có câu hỏi mở nên an toàn cho cả người ra đề lẫn người viết. Để thi đã chú ý đến tính nghệ thuật của tác phẩm. Đây là một đề thi bình thường, không quá khó. Thí sinh có học lực khá trở lên thì có thể đạt điểm 7-8 nhưng chắc chắn sẽ có ít điểm 9-10.
Buổi chiều, kết thúc môn thi Toán (120 phút), phần đa thí sinh tại Trường THPT Việt Đức đều nhận xét đề thi “dễ thở” hơn môn Văn. Các thí sinh cho biết, chỉ có câu cuối – môn Hình là khó, còn lại nhiều thí sinh cho rằng mình sẽ được 9 điểm. Hôm nay – 23/6, thí sinh dự thi vào trường chuyên thi môn ngoại ngữ (120 phút), ngày 24/6, dự thi các môn chuyên.
Tính điểm thi thế nào?
Điểm dự tuyển vào khối THPT không chuyên sẽ bao gồm điểm THCS (điểm rèn luyện và học lực của học sinh ở bậc THCS), điểm thi văn, toán nhân hệ số 2 và điểm khuyến khích (điểm thi nghề phổ thông, điểm khuyến khích cho thí sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi văn hóa, văn nghệ, thể thao cấp thành phố trở lên…).
Đối với những thí sinh thi chuyên, điểm xét tuyển sẽ bao gồm điểm thi hai môn văn, toán, đề đại trà, môn ngoại ngữ (hệ số 1) và môn chuyên (hệ số 2). Ngoài ra, điều kiện để được xét tuyển vào các trường chuyên là thí sinh có bốn năm ở bậc THCS đạt hạnh kiểm tốt, học lực giỏi, các môn thi không có môn nào dưới 4 điểm, môn chuyên không dưới 6 điểm.
Theo Uyên Na 
(phapluatvn) 

Bình luận (0)