Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM: Học ngoài công lập có được miễn giảm học phí?

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh nộp hồ sơ cho con vào Trường Tư thục Trương Vĩnh Ký. Ảnh: H.TRNăm học 2008-2009, TP.HCM có trên 12 ngàn học sinh rớt cả 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập. Theo đó các em sẽ theo học THPT tại các trường ngoài công lập. Nhưng so với hệ thống trường công lập thì học phí các trường dân lập, tư thục cao hơn gấp nhiều lần. Đây cũng là điều làm không ít phụ huynh ngần ngại và phải cân nhắc. Vậy học ngoài công lập có được miễn giảm học phí không?

Được miễn giảm từ 50 – 100% học phí

Thông tư 23/2001 của Liên bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định rõ: học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách đang theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập được miễn (100%), giảm (50%) học phí. Đó là con của liệt sĩ, con của thương binh (kể cả con của thương binh loại B đã được xác nhận từ trước ngày 31-12-1993 đang hưởng trợ cấp hàng tháng). Thậm chí con của người hưởng chính sách như thương binh, con của bệnh binh (kể cả con của bệnh binh bị mất sức lao động từ 41 đến 60% đã được xác nhận từ 31-12-1994 trở về trước đang hưởng trợ cấp hàng tháng).

Theo đó, học sinh học tại các trường ngoài công lập vẫn thực hiện việc đóng học phí như học sinh ngoài diện chính sách theo quy định chung của nhà trường. Sau đó Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM sẽ căn cứ hồ sơ đang quản lý, bản khai hưởng trợ cấp, phiếu xác nhận của nhà trường, bản sao giấy khai sinh của học sinh và các giấy tờ liên quan khác để cấp lại phần học phí mà học sinh được miễn hoặc giảm. Mức học phí này là 90.000đ/HS/tháng (ngoại trú) và 110.000đ/HS/tháng (nội trú). Khoản hỗ trợ học phí được cấp theo từng năm học và chi trả vào 2 học kỳ: học kỳ I chi trả vào tháng 11 hoặc 12; học kỳ II chi trả vào tháng 4 hoặc 5.

Để được hưởng khoản trợ cấp này, sau khi nhập học, học sinh cần nộp bản khai hưởng trợ cấp, phiếu xác nhận của nhà trường, bản sao giấy khai sinh cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận, huyện nơi mình cư trú.

Cần sự hỗ trợ của UBND TP

Tuy nhiên, tại TP.HCM, thông tư 23 này chỉ được áp dụng cho các trường THPT bán công (nay là các trường THPT công lập tự chủ tài chính). Còn đối với các trường dân lập, tư thục có thực hiện theo thông tư 23 hay không thì Sở GD-ĐT… “bó tay”. Một cán bộ Phòng Kế hoạch Tài chính cho biết, hiện nay các trường dân lập, tư thục có quy chế miễn giảm riêng của từng trường chứ không theo một quy định chung nào. Vì vậy những học sinh thuộc diện chính sách chưa hẳn đã được miễn giảm học phí…

Để tạo điều kiện cho những học sinh rớt cả 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập nhưng thuộc diện chính sách được hưởng các chế độ miễn giảm học phí khi theo học tại các trường dân lập, tư thục, Ban giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã chỉ đạo Phòng Kế hoạch Tài chính soạn thảo một văn bản để trình UBND TP. Theo đó sẽ kiến nghị UBND TP can thiệp để các trường dân lập, tư thục thực hiện thông tư 23 của Liên bộ Tài chính và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Kim Anh

Bình luận (0)