Theo các chuyên gia tư vấn, khi đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập tại TP.HCM, phụ huynh và học sinh cần có sự cân nhắc, rà soát, kiểm dò thông tin để tránh những sai sót đáng tiếc về sau.
Các chuyên gia tư vấn lưu ý học sinh và phụ huynh nhiều thông tin quan trọng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2023
Tuyệt đối không mang thiết bị điện tử vào phòng thi
Lưu ý đến phụ huynh và học sinh những thông tin đáng chú ý trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm 2023, ông Huỳnh Văn Đà (Chuyên viên Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho hay, năm 2023, việc đăng ký nguyện vọng hoàn toàn bằng trực tuyến. Sau thời gian đăng ký nguyện vọng, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ công bố tổng số nguyện vọng học sinh đăng ký vào các trường THPT; sau đó học sinh có thời gian 4 ngày để thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng. Điểm chuẩn tuyển sinh quyết định bởi chỉ tiêu và số lượng học sinh đăng ký. “Từ kinh nghiệm những năm trước thấy rằng, rất nhiều trường hợp học sinh và phụ huynh không chú ý kiểm dò về thông tin nguyện vọng, điểm ưu tiên nên đã ghi sai thông tin, đến khi trúng tuyển rồi thì không thể đổi được. Ví dụ, năm 2022 có câu chuyện phụ huynh và học sinh muốn đăng ký nguyện vọng vào Trường THPT Năng khiếu Thể dục Thể thao huyện Bình Chánh, song khi ghi thông tin lại không kiểm dò, thành ra lại ghi thành Trường THPT Năng khiếu Thể dục Thể thao ở quận 1. Khi trúng tuyển lại trúng vào trường ở quận 1. Trường hợp này thì không thể đổi được nguyện vọng mà phải theo học, rất khó khăn”, ông Đà chia sẻ.
Một lưu ý nữa mà chuyên viên này nhấn mạnh đến phụ huynh và học sinh là tuyệt đối không mang thiết bị điện tử vào phòng thi, ngay cả khi điện thoại đã tắt nguồn. Ông Đà kể: Từng có trường hợp vào phòng thi học sinh bỏ điện thoại trong túi quần, dù đã được giám thị nhắc nhở rất nhiều lần về quy định không được mang điện thoại vào phòng thi nhưng em này vẫn cho rằng nếu điện thoại tắt nguồn rồi thì không sao. Tuy nhiên, trong quá trình làm bài, điện thoại trong túi quần rơi ra và học sinh này bị đình chỉ thi, hủy kết quả các bài thi… Riêng đối với vấn đề phúc khảo bài thi sau khi có điểm thi, ông Đà cho rằng phụ huynh và học sinh cần cẩn trọng. Thực tế có trường hợp học sinh soi đáp án trên mạng và làm đơn xin phúc khảo, sau đó điểm bị hạ xuống. “Nếu muốn làm đơn xin phúc khảo bài thi, phụ huynh và học sinh cần so dò với đáp án chính xác mà Sở GD-ĐT công bố. Từng có trường hợp phúc khảo điểm thi không những không tăng mà còn hạ, chuyển từ đậu thành rớt”, ông Đà lưu ý.
“Con hư” không phải do môi trường học tập
Trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm 2023 tổ chức tại các trường THCS trên địa bàn TP.HCM, nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm e ngại khi cho con theo học giáo dục thường xuyên vì sợ con “hư”. “Con tôi có học lực trung bình, gia đình cũng xác định là con khó có thể đậu vào lớp 10 THPT công lập. Thế nhưng, gia đình rất e ngại khi cho con theo học giáo dục thường xuyên vì sợ môi trường học tập ở đây sẽ khiến con hư”, một phụ huynh học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Phú (quận 12) bày tỏ. Theo ông Huỳnh Văn Đà, việc con “hư” hay không “hư” không hẳn phụ thuộc vào môi trường học tập mà phụ thuộc vào chính bản thân mỗi học sinh. Nếu bản thân học sinh có mục tiêu, phương hướng học tập tốt thì dù ở bất kỳ môi trường học tập nào các em cũng sẽ học tốt. “Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không phải là con đường duy nhất sau THCS. Nếu kết quả thi của học sinh không như mong muốn hoặc năng lực các em không cho phép thì phụ huynh có thể tham khảo các hướng đi khác như tiếp tục học lớp 10 trường THPT ngoài công lập; học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; học trường trung cấp, cao đẳng nghề…”, ông Đà khuyên.
Theo các chuyên gia tâm lý, trong quá trình ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, phụ huynh cần chú ý đến biểu hiện cơ thể của con, chế độ sinh hoạt của con để tránh cho con rơi vào tâm lý căng thẳng, áp lực. Trong đó, một số biểu hiện bất thường về cơ thể con mà phụ huynh cần chú ý như chóng mặt, buồn nôn, thậm chí là mồ hôi tay chân ra bất thường.
Ông Huỳnh Văn Đà (Chuyên viên Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM) tư vấn cho học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Phú (quận 12)
Chia sẻ về những lợi ích khi học nghề sau THCS, ThS. Thái Thủy Chung (Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường Trung cấp Tổng hợp Đông Nam Á) cho hay, việc học nghề sau THCS không chỉ giúp học sinh sớm có một nghề trong tay mà còn giảm chi phí học tập, áp lực học tập. Sau khi tốt nghiệp, các em hoàn toàn có thể liên thông lên các bậc học tiếp theo. “Học nghề sau THCS, học sinh sẽ được miễn học phí. Đồng thời, khi tốt nghiệp các em vừa có bằng văn hóa là giấy chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa phổ thông, vừa có bằng nghề. Điều quan trọng là phụ huynh cần hiểu được năng lực thực sự của con, lắng nghe nguyện vọng của con để cùng con chọn hướng đi phù hợp nhất”, ThS. Chung khuyên.
Cô Nguyễn Thị Hồng An (Hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Phú, TP.Thủ Đức) nhìn nhận, sau THCS, học sinh có rất nhiều con đường để lựa chọn. Trong đó không có con đường nào được gọi là thành công và con đường nào thất bại. Bất cứ con đường nào cũng có thể mang lại thành công cho mỗi học sinh nếu như các em có cố gắng rèn luyện tốt, có ý chí phấn đấu. “Phụ huynh và học sinh cần đánh giá đúng được năng lực học tập để chọn được hướng đi sau THCS phù hợp nhất. Theo đó, phụ huynh và học sinh tham khảo các thông tin từ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, đánh giá, soi xét năng lực học tập của học sinh. Nhà trường sẽ tăng cường công tác truyền thông, tư vấn phân luồng để phụ huynh và học sinh tiếp nhận đa dạng thông tin, nắm rõ những ưu điểm của mọi hướng đi để cân nhắc lựa chọn, tránh áp đặt học sinh”, cô An chia sẻ.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)