Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TP.HCM năm 2025, ở môn ngữ văn có điểm mới là đề thi sẽ không ra các văn bản có trong sách giáo khoa. Do đó, các giáo viên bộ môn khuyên học sinh bỏ tư duy “học tủ, học vẹt”, thay vào đó cần chú trọng rèn kỹ năng đọc hiểu, nắm chắc kiến thức môn học.
Không thể “học tủ, học vẹt”
Ở môn ngữ văn, cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 hiện chỉ còn 2 phần là đọc hiểu và viết, thay vì 3 phần rõ rệt như trước đây là đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Đặc biệt, ngữ liệu phần đọc hiểu được trích dẫn nằm ngoài sách giáo khoa là văn bản văn học và một trong hai loại: văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin. Ngoài ra, đề thi có 1 câu hỏi về tiếng Việt trong phần đọc hiểu văn bản văn học.
Cấu trúc đề thi năm nay có sự thay đổi quan trọng, rõ rệt, đó là đề thi sẽ không ra các tác phẩm, ngữ liệu có trong các bộ sách giáo khoa. Trong khi những năm trước, việc ra đề thi chỉ xoay quanh những tác phẩm mà học sinh được học trong sách giáo khoa lớp 9. Do vậy, với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay, trước hết học sinh cần nắm rõ điểm mới này, để thay đổi trong cách học. Phải nhấn mạnh với học sinh rằng các em không thể “học tủ, học vẹt”, không thể bói đề, đoán đề. Mà đòi hỏi các em phải có kỹ năng đọc hiểu, nắm chắc kiến thức ngữ văn; đòi hỏi khả năng cảm thụ, có kiến thức đời sống thì mới làm tốt bài thi. Việc học đòi hỏi khả năng tự học của học sinh rất lớn, qua đó mới hình thành kỹ năng, kiến thức. Như vậy, để có thể đáp ứng được đề thi theo chương trình mới thì không gì khác đòi hỏi các em phải tự lực, không ngừng tự học.
Rèn kỹ năng đọc hiểu
Căn cứ vào đề minh họa môn ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2025 của Sở GD-ĐT TP.HCM, có thể thấy ở phần đọc hiểu, kiến thức trong đề thi trải dài suốt chương trình ngữ văn lớp 6, 7, 8, 9. Vì thế, để làm tốt được phần đọc hiểu đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức bao quát từ các khối lớp dưới.
Cũng trong phần đọc hiểu, có phần phân tích tác phẩm đọc hiểu với 200 chữ, để viết được phần này thì trước hết học sinh phải có khả năng đọc hiểu, khả năng cảm thụ tác phẩm văn học. Tức là ngoài hiểu ra các em phải cảm thấy văn bản đọc hiểu hay ở chỗ nào, sâu sắc chỗ nào, thông điệp bài học như thế nào thì mới làm tốt được. Ở phần nghệ thuật, các em cũng cần phải điểm qua tác giả đã sử dụng hình tượng nghệ thuật đặc sắc nào hoặc các biện pháp tu từ như thế nào thì mới làm được. Đây là kiến thức bao quát, trải dài từ lớp 6 lên lớp 9, cộng thêm khả năng cảm thụ văn học của học sinh. Thực tế hiện nay học sinh còn khá yếu phần này. Do vậy, trong quá trình dạy, giáo viên bộ môn sẽ cho học sinh tham khảo nhiều tác phẩm văn học khác, rèn khả năng đọc hiểu…, qua đó rèn cho các em kỹ năng khi tiếp cận bất kỳ tác phẩm văn học nào.
Đối với phần viết nghị luận xã hội về một vấn đề hoặc đưa ra ý kiến đồng tình, đa số học sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều phát huy được phần nghị luận này tương đối tốt. Bởi học sinh trong quá trình học luôn được khuyến khích thể hiện quan điểm, ý kiến, phản biện, lập luận của mình. Do đó, học sinh làm phần này khá ổn. Tuy nhiên, phần đọc hiểu và viết đoạn văn phân tích tác phẩm thì học sinh còn chưa nắm vững kỹ năng. Do đó, nếu muốn có kết quả cao trong môn ngữ văn thì các em phải rèn được kỹ năng đọc hiểu. Trong quá trình học và ôn tập, học sinh phải cố gắng rèn kỹ năng đọc hiểu, từ đó các em mới nắm được ý chính để có thể phân tích được.
Cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn năm nay cũng có điểm mới trong phần 2, đó là phần viết. Với một đoạn văn từ văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin, đề thi sẽ hỏi 1 câu hỏi liên quan đến thể loại đó, sau đó đặt ra vấn đề cần giải quyết để học sinh làm. Phần nghị luận xã hội này đa số học sinh đã được rèn từ năm lớp 6, vì thế các em viết khá “chắc tay”. Ở phần này, giáo viên hiện nay đang rèn cho học sinh theo chủ đề. Tức là từ chủ đề, học sinh sẽ được tập viết, sử dụng lý lẽ để viết, các em sẽ nhận xét lẫn nhau để tự tin hơn khi viết. Đối với phần này trong đề thi, để có thể làm bài đạt được điểm cao thì ngoài tiếp thu kiến thức trong nhà trường mà giáo viên trang bị, học sinh phải chủ động trang bị thêm kiến thức xã hội. Cụ thể, các em cần đọc sách báo nhiều, nắm bắt và có thêm những hiểu biết về các vấn đề, hiện tượng xã hội, bày tỏ những giải pháp mà các em cho rằng có hiệu quả…
Phần viết phân tích tác phẩm cũng vẫn là hạn chế của học sinh. Điều này xuất phát từ việc học sinh còn lười đọc. Các em chưa có khả năng cảm thụ văn học khi tiếp nhận một văn bản, tác phẩm văn học hoàn toàn mới. Để khắc phục, đòi hỏi học sinh phải đọc sách báo nhiều, có kiến thức đọc hiểu, từ đó các em mới có thể cảm nhận được rằng tác phẩm hay chỗ nào thì mới làm được phần này.
Hiện trên hệ thống LMS có nhiều ngữ liệu mở để học sinh tham khảo; giới thiệu thêm những tác phẩm mới để học sinh đọc, mở rộng kiến thức, qua đó giúp các em rèn kỹ năng đọc, bồi dưỡng cảm thụ, tâm hồn, mở rộng vốn từ, hiểu biết…
Ngô Ngọc Diễm Châu
(Giáo viên môn ngữ văn Trường
THCS Võ Thành Trang, Q.Tân Phú)
Bình luận (0)