Năm 2025, chương trình lớp 9 có sự đổi mới rõ rệt trong cách thức ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Định hướng đề thi tuyển sinh năm học này có khác so với đề thi tuyển sinh các năm trước. Cụ thể, đề thi không thiên vào phân tích tác phẩm như trước đó, song nếu học sinh học hời hợt thì khó đạt điểm cao.
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TP.HCM năm 2025 ở môn ngữ văn gồm 2 phần: đọc hiểu (5 điểm) và phần viết (5 điểm). Trong quá trình dạy học, giáo viên giúp học sinh làm quen với điểm mới trong từng phần.
Đối với phần đọc hiểu
Đề thi năm 2025 sẽ đi sâu vào đặc điểm thể loại nhiều hơn, đòi hỏi học sinh phải nắm được đặc điểm thể loại mà các em đã học trong suốt chương trình lớp 6, 7, 8, 9. Trong quá trình đọc hiểu, ngoài tìm chi tiết, hình ảnh thì đòi hỏi học sinh cũng phải nắm rõ được biện pháp nghệ thuật đặc sắc. Qua mỗi đặc điểm thể loại các em cần rút ra cho mình kỹ năng đọc hiểu văn bản. Do đó, kỹ năng đọc hiểu rất quan trọng. Các câu hỏi trong vận dụng ở phần này học sinh cũng cần phải nắm được những kiến thức nền tảng. Trong đó, đối với thơ, các em phải nắm được các kỹ năng như chủ đề, bài học, thông điệp và phải giải thích được những hình ảnh, chi tiết nghệ thuật đặc sắc…
Muốn làm tốt phần đọc hiểu, ngoài các câu nhận biết thì học sinh phải có kỹ năng sâu. Trong đó nhận diện được đặc điểm của từng thể loại. Đối với phần thông hiểu, vận dụng thì đòi hỏi học sinh phải có sự hiểu biết và đánh giá qua quá trình các em đọc văn bản. Muốn đánh giá từng thể loại thì các em phải nắm kiến thức của từng thể loại. Trong đó, thơ cần thiết phải nắm được từ ngữ, hình ảnh đặc sắc, các biện pháp nghệ thuật đặc sắc, chủ đề, thông điệp, bài học rút ra hoặc tư tưởng chủ đạo mà tác giả muốn gửi gắm qua bài thơ.
Đối với phần vận dụng cao viết đoạn văn, đặc biệt với phần viết đoạn văn trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học này lại nghiêng về viết đoạn văn của nghị luận văn học. So với đề thi tuyển sinh vào lớp 10 các năm trước đây là đã giảm đi yêu cầu nhiều. Khi làm phần này đòi hỏi học sinh phải đảm bảo được 2 yếu tố là hình thức và nội dung. Về hình thức thì phải đảm bảo đoạn văn có mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn; còn nội dung thì phải dựa vào đặc điểm của thể loại (thơ/truyện) để chia sẻ.
Học sinh cần lưu ý, để đạt được điểm cao trong phần viết đoạn văn thì trong quá trình viết, các em phải nêu được cảm xúc của bản thân thông qua hình ảnh, bài học hoặc thông qua thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Phải đúng hình thức, đủ nội dung, đảm bảo về số lượng câu chữ thì phần làm bài mới đạt điểm cao.
Đối với phần viết
Phần viết trong đề thi tuyển sinh năm 2025 khác hoàn toàn so với đề thi tuyển sinh các năm trước, đó là học sinh viết một bài nghị luận xã hội chứ không phải là bài nghị luận văn học như trước đây. Phần viết 5 điểm thì trong đó 1 điểm các em sẽ trả lời câu hỏi về nghị luận đọc hiểu; 4 điểm là các em làm 1 bài văn nghị luận trình bày về 1 vấn đề.
Đối với phần viết, kiến thức sẽ xoay quanh các kiến thức nghị luận xã hội. Thế nhưng, để làm tốt được phần này thì ngoài kiến thức viết nghị luận, đòi hỏi học sinh phải có thêm những kiến thức mở rộng hơn, liên hệ thêm với các vấn đề của đời sống xã hội chứ không chỉ dừng ở sách vở.
Khi viết, các em phải có kỹ năng để nắm và phân biệt được phần viết nghị luận yêu cầu đặc điểm của bài nghị luận đời sống xã hội hay là vấn đề cần giải quyết đòi hỏi các bước như thế nào. Ở phần giải quyết vấn đề, đặc biệt là đưa ra các giải pháp, các em phải vận dụng những giải pháp trong bài viết, song lưu ý là giải pháp phải có tính khả thi, có thể áp dụng được trong đời sống.
Đối với phần viết nghị luận xã hội, đề thi năm 2025 đòi hỏi học sinh phải chủ động, nỗ lực tự học rất nhiều. Nếu học sinh nào học hời hợt, không tự học thêm kiến thức đời sống thì viết bài sẽ thiếu sự liên hệ, thiếu tính sâu sắc và khó có thể đạt được điểm cao.
Như vậy, để làm tốt được phần viết thì trước tiên đòi hỏi học sinh phải nắm chắc phương pháp làm bài. Muốn bài viết sâu sắc thì bắt buộc các em phải tự mình tìm kiếm, đào sâu kiến thức, thông tin… Các em có thể đọc sách, báo, học hỏi từ bạn bè, thầy cô, tự mình tiếp thu kiến thức, mở rộng vấn đề đời sống, nhất là các vấn đề gần gũi với lứa tuổi. Qua đó sẽ giúp các em có góc nhìn rộng hơn khi đánh giá một vấn đề, từ đó có thể thêm được các kỹ năng vận dụng trong đời sống thông qua giải pháp trong bài nghị luận xã hội.
Lời khuyên
Đứng trước một kỳ thi đổi mới về cấu trúc, cách thức ra đề thì học sinh, phụ huynh và giáo viên luôn cần sự kết hợp, trao đổi, chia sẻ. Theo đó, ngoài việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh thì điều quan trọng không kém đó là tư vấn tâm lý. |
Đứng trước một kỳ thi đổi mới về cấu trúc, cách thức ra đề thì học sinh, phụ huynh và giáo viên luôn cần sự kết hợp, trao đổi, chia sẻ. Theo đó, ngoài việc chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh thì điều quan trọng không kém đó là tư vấn tâm lý. Học sinh và phụ huynh phải lưu ý rằng, dù đổi mới nhưng đề thi vẫn nằm trong khả năng chương trình, học sinh cần cố gắng trong quá trình học, vận dụng thực hành. Đối với phụ huynh, cần thường xuyên trao đổi với con, động viên tâm lý con, song lưu ý không gây áp lực quá lớn lên các em, nhất là trước một kỳ thi quá nhiều điểm mới như năm nay.
Trong quá trình dạy học trên lớp, giáo viên đã truyền tải đầy đủ những kỹ năng, kiến thức cho học sinh. Với những học sinh chủ động học thì các em hoàn toàn có thể tự tin bước vào kỳ thi mà không cần phải đi học thêm. Tuy nhiên, học thêm là nhu cầu, tùy vào năng lực cũng như mục tiêu đặt ra của mỗi học sinh. Vì thế, để việc học hiệu quả thì chính học sinh cần đánh giá được năng lực thực sự của mình, nhu cầu, mục tiêu của bản thân để cân nhắc, xác định việc học thêm một cách hiệu quả, phù hợp.
Song, các em cần tránh tâm lý “đã học thêm thì không cần chú trọng việc học trên lớp”. Điều cần thiết nhất là trong quá trình học trên lớp, các em chú ý nắm vững kiến thức, kỹ năng, phương pháp làm bài mà thầy cô truyền tải, có sự vận dụng, thực hành ngay…
Hà Thị Thu Thủy (Tổ trưởng Tổ ngữ văn Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh)
Bình luận (0)