Môn ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại TP.HCM năm 2025 có nhiều điểm mới không chỉ về cấu trúc mà còn là ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa, đặc biệt tăng tỷ lệ vận dụng thực tế. Do đó, trong quá trình học và ôn tập, các em học sinh cần chú ý những điểm này mới có thể làm bài đạt được điểm cao.
Tăng tỷ lệ vận dụng thực tế
Căn cứ cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập môn ngữ văn năm 2025 do Sở GD-ĐT TP.HCM công bố hồi đầu tháng 10-2024, có thể thấy ở môn này thay đổi rõ rệt nhất đó là cấu trúc đề thi chỉ còn 2 phần là đọc hiểu và viết, thay vì 3 phần như trước đây là đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Đặc biệt, ngữ liệu phần đọc hiểu được trích dẫn nằm ngoài sách giáo khoa là văn bản văn học và 1 trong 2 loại: văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin. Đề thi có 1 câu hỏi về tiếng Việt trong phần đọc hiểu văn bản văn học, và đề được xây dựng theo định hướng tích hợp giữa đánh giá năng lực đọc hiểu và năng lực viết, nội dung trong phần viết có liên quan đến văn bản ở phần đọc hiểu. Việc đánh giá tập trung vào các yêu cầu cần đạt về đọc hiểu và viết trong chương trình mới môn ngữ văn bậc THCS, chủ yếu là lớp 8, lớp 9.
Tỷ lệ phân bổ mức độ kiến thức trong đề thi cũng được điều chỉnh, giảm mức độ nhận biết, thông hiểu, tăng tỷ lệ vận dụng. Trước đây, mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm từ 70-75% kiến thức trong đề thi, hiện nay tỷ lệ này đã giảm còn 60%. Trong khi đó, tỷ lệ vận dụng tăng lên 40%. Điều này nhằm đánh giá khả năng vận dụng thực tế của học sinh theo chương trình mới.
Thầy Võ Kim Bảo (giáo viên ngữ văn tại Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) chia sẻ, điểm mới nhất của đề thi môn ngữ văn năm nay đó là 2 ngữ liệu trong cùng 1 đề thi; điểm nghị luận văn học lại ít hơn các phần còn lại, vừa sức với số đông học sinh.
Giáo viên này đánh giá các điều chỉnh phù hợp với mục tiêu mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra là phát triển các phẩm chất, năng lực học sinh cũng như hướng tới đánh giá năng lực học sinh. Chương trình mới ở môn ngữ văn không chỉ tập trung phân tích văn chương mà đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng, đủ năng lực thực tế để đọc, hiểu các loại văn bản, trong đó văn bản văn học chỉ là một trong các loại văn bản thôi. Việc học văn phải gắn liền với tính thực tế cuộc sống.
“Để làm tốt đề thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2025 môn ngữ văn không gì khác buộc học sinh phải nắm vững kỹ năng, kiến thức môn học. Đặc biệt là các em phải thay đổi tư duy học vẹt, học tủ, học bám đề cương, văn mẫu… Bởi đề thi có thể ra vào bất kỳ một văn bản là một bài thơ, tác phẩm… và các em phải sử dụng kỹ năng đọc hiểu, năng lực cảm thụ cùng kiến thức ngữ văn của mình để hoàn thành yêu cầu của đề thi”, thầy Bảo phân tích.
Chính vì vậy, thầy Bảo khuyên, các em học sinh trong quá trình học và ôn tập cần chú ý không đi sâu vào phân tích tác phẩm, mà cần trang bị cho mình kỹ năng đọc hiểu, viết, lập luận.
“Để đạt được điểm cao, ngoài những kỹ năng đọc hiểu và viết đơn thuần thì đòi hỏi học sinh phải có năng lực viết văn sâu, thể hiện thông qua dẫn chứng, dẫn dắt, giải quyết vấn đề mà đề bài yêu cầu. Muốn vậy, ngoài việc học trên lớp với giáo viên, học sinh cần phải đọc thêm nhiều sách, báo, quan tâm đến các vấn đề của đời sống xã hội xung quanh các em, gắn với lứa tuổi của các em…”, thầy Bảo cho biết.
Chú ý chọn sách tham khảo
Giáo viên ngữ văn tại một trường THCS ở TP.Thủ Đức khuyên học sinh cần chú ý khi ôn tập dựa vào các sách tham khảo hoặc học thêm tại các trung tâm, học thêm trên mạng internet.
Giáo viên này phân tích, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2025 là kỳ thi đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, do đó việc lựa chọn sách tham khảo phù hợp với chương trình là cực kỳ quan trọng. Nếu học sinh không chú ý rất có thể sẽ chọn nhầm vào sách tham khảo theo chương trình cũ, không phù hợp. Đặc biệt, sách có thể không phù hợp với cấu trúc, định hướng đề thi của TP.HCM. Tương tự, việc học thêm tại các trung tâm, hay trên mạng internet cần bám sát vào cấu trúc, định hướng đề thi của TP.HCM, tránh học tràn lan vừa tốn thời gian, áp lực, vừa không hiệu quả.
“Để đạt được điểm cao, ngoài những kỹ năng đọc hiểu và viết đơn thuần thì đòi hỏi học sinh phải có năng lực viết văn sâu, thể hiện thông qua dẫn chứng, dẫn dắt, giải quyết vấn đề mà đề bài yêu cầu. Muốn vậy, ngoài việc học trên lớp với giáo viên, học sinh cần phải đọc thêm nhiều sách, báo, quan tâm đến các vấn đề của đời sống xã hội xung quanh các em, gắn với lứa tuổi của các em…”, thầy Võ Kim Bảo (giáo viên ngữ văn tại Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) cho biết. |
Đề thi sẽ không đặt nặng yếu tố phân tích tác phẩm văn học như các đề thi theo chương trình cũ trước đó. Do vậy, nếu quá trình học, ôn tập, các em đi theo hướng này sẽ không còn phù hợp. Điều quan trọng là các em cần nắm vững cấu trúc định dạng của đề thi, bám sát hướng học, ôn tập mà thầy cô hướng dẫn. Đồng thời, do đề thi tăng tính vận dụng thực tế nên quá trình học, ôn tập, học sinh cần chủ động tự học, bổ sung thêm kiến thức về văn hóa, xã hội, đời sống gắn liền với các em, chú trọng hình thành cho bản thân kỹ năng đọc hiểu, viết, vận dụng linh hoạt kiến thức ngữ văn, văn học để làm bài.
“Dù là năm đầu tiên đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 song việc làm quen với ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, việc đưa tính vận dụng thực tế vào đề thi thì TP.HCM đã thực hiện trong nhiều năm nay, bắt đầu từ năm 2014. Vì thế học sinh, phụ huynh không nên quá lo lắng, áp lực, hãy bám theo hướng dẫn của giáo viên để có định hướng ôn tập phù hợp”, giáo viên này khuyên.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)