Bắt đầu tựu trường từ ngày 11-8 nhưng đến nay một số trường vẫn chưa tuyển đủ HS. Ảnh chụp tại TTGDTX Q.Bình Thạnh ngày 16-8 |
Năm học 2014-2015, TP.HCM có khoảng 8.000 học sinh (HS) rớt lớp 10 công lập và buộc phải lựa chọn các con đường khác để học như TTGDTX, TCCN, THPT ngoài công lập (NCL). Vậy nhưng, đến thời điểm này một số trường THPT NCL và TTGDTX vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu.
Các trường chờ HS đến tháng 9
Năm học 2014-2015, TTGDTX Q.10 tuyển hơn 200 chỉ tiêu, trong đó số HS phổ thông chiếm khoảng 70%, số còn lại dành cho người lao động. Thế nhưng đến thời điểm ngày 15-8, trường mới tuyển được 4 lớp, trong đó có 2 lớp buổi sáng và 2 lớp buổi chiều nhưng trường đã bắt đầu tổ chức giảng dạy theo đúng văn bản quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM từ ngày 11-8. Cô Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc trung tâm cho biết: “Những năm gần đây, số lượng HS rớt lớp 10 đăng ký vào TTGDTX đang có xu hướng giảm dần. Năm ngoái, dù số thí sinh rớt lớp 10 khoảng 3.000 HS nhưng chúng tôi vẫn tuyển được 6 lớp, còn năm nay số lượng thí sinh rớt đến 8.000 em vẫn giảm mất 2 lớp”.
Năm nay, TTGDTX Q.8 có chỉ tiêu tuyển sinh là 400 HS nhưng đến thời điểm này, nhà trường mới tuyển được khoảng 200 HS, chủ yếu là số HS rớt lớp 10. Thầy Phan Minh Tùng, Giám đốc TTGDTX Q.8 cho hay: “Trường vẫn tiếp tục nhận hồ sơ đến hết 5-9. Dù theo văn bản quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, ngày 11-8 chúng tôi đã bắt đầu tựu trường”. Một trong những vấn đề khá thiệt thòi cho HS nhập học muộn là vẫn học theo chương trình của những HS đã tựu trường vào ngày 11-8. Thầy Tùng chia sẻ: “Chúng tôi không thể dạy lại nên với những kiến thức nào chưa được học, HS phải tự học, nếu chỗ nào chưa hiểu các em sẽ hỏi thêm giáo viên hoặc có thể mở thêm lớp bồi dưỡng”. Lý giải thêm về điều này, thầy Giang Văn Chải, Giám đốc TTGDTX Q.Bình Thạnh cho biết: “Qua ngày tựu trường, số HS đến nhập học ngày càng ít, có khi chỉ một vài em nên nhà trường không thể bố trí lớp dạy riêng”. Theo dự kiến, năm học này TTGDTX Q.Bình Thạnh mở 6 lớp 10 nhưng đến thời điểm này mới mở được 4 lớp, sĩ số 40 HS/lớp, trong khi năm học trước cũng với 4 lớp nhưng sĩ số mỗi lớp là 48 HS. Vì vậy, nhà trường tiếp tục nhận hồ sơ đến hết tháng 9.
Tình trạng trường trông chờ… HS không chỉ xảy ra ở các TTGDTX mà ngay cả trường THPT công lập hiện vẫn có một số HS chưa đến trường làm thủ tục nhập học dù các em đã có được giấy nhập học. “Năm nay Trường THPT Trung Phú tuyển 540 chỉ tiêu nhưng đến ngày tựu trường vẫn còn 11 HS chưa đến nhập học. Tuy nhiên, chúng tôi không xét xuống dù chưa đủ chỉ tiêu vì đây là kỳ tuyển sinh, phải theo đúng quy định của Sở GD-ĐT” – thầy Nguyễn Văn Chặng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung Phú chia sẻ. Không thể ngồi chờ, Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi) hiện cũng đang phối hợp với các xã, phường để vận động HS đến trường, được biết hiện trường này có khoảng 7 HS vẫn chưa đến trường làm thủ tục nhập học.
Cần vận động HS đến trường
Theo ban giám hiệu nhiều trường THPT, đến thời điểm này một số HS chưa đến trường nhập học có khá nhiều nguyên do. Thầy Nguyễn Văn Chặng cho rằng: “Một số gia đình có kinh tế khá giả, phải đi làm suốt, không có thời gian chăm sóc con nên dù đỗ vào trường công lập nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi đã cho các em vào trường dân lập có tiếng trên địa bàn thành phố để học nội trú, được thầy cô chỉ bảo sâu sát hơn là chỉ học một buổi ở trường công lập”.
Theo phó hiệu trưởng một trường THPT ở Củ Chi thì: “Ngoài một số trường hợp gia đình có kinh tế khá giả nên gửi con vào trường dân lập học thì số còn lại chủ yếu do kinh tế khó khăn, các em buộc phải ở nhà để đi làm phụ giúp gia đình. Với những trường hợp này, nhà trường và chính quyền địa phương cần đến nhà phụ huynh trao đổi, phân tích kỹ để các em nhanh chóng quay trở lại trường học”.
Qua phân tích đánh giá, đối với TTGDTX, một trong những lý do dẫn đến việc HS nộp hồ sơ giảm dần trong những năm gần đây là ngành giáo dục đã làm khá tốt công tác hướng nghiệp. “Những năm gần đây, kinh tế có vẻ phát triển hơn nên nếu không đỗ vào lớp 10 công lập, nhiều hộ gia đình đã cho con vào trường NCL. Hơn nữa, công tác giáo dục hướng nghiệp đang được ngành giáo dục đẩy mạnh, phụ huynh và HS nhận thức sâu hơn về giáo dục chuyên nghiệp nên đã cho các em theo học tại các trường TCCN” – cô Nguyễn Kim Chi, Giám đốc TTGDTX Q.10 lý giải.
Cũng theo cô Chi, việc giảm số lượng HS sẽ không ảnh hưởng đến công tác tổ chức lớp dạy vì trước đây phần lớn các trung tâm phải mời thêm giáo viên thỉnh giảng nhưng nay số giáo viên cơ hữu, biên chế vừa đủ để giảng dạy cho các em. Tuy nhiên, “Các hoạt động phong trào ở nhà trường sẽ ít số lượng HS tham gia hơn. Hơn nữa, nguồn thu của TTGDTX sẽ bị hạn chế nên ban lãnh đạo trung tâm phải biết liệu cơm gắp mắm để đảm bảo các hoạt động giảng dạy trong nhà trường”, cô Chi chia sẻ thêm.
Bài, ảnh: Dương Bình
Bình luận (0)