Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh lớp 10: Thêm địa bàn xét tuyển, thêm lớp chuyên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Phụ huynh xem điểm thi lớp 10 vào Trường THPT Nguyễn Khuyến 2008-2009

Chỉ còn ba tháng nữa, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ diễn ra. Cuộc chạy đua của hàng chục ngàn học sinh (HS) vào các trường THPT năm nay nghiệt ngã hơn. Bởi năm học 2008-2009, ngành giáo dục TP chưa xây thêm một trường THPT nào. Hệ quả là có khoảng 1.200 HS sẽ không có cơ hội học ở trường THPT công lập.
Học sinh tăng – trường không tăng
Trong 24 quận huyện, hầu như quận huyện nào cũng có ít nhất 2 trường THPT. Ngay cả huyện thuộc diện khó khăn như Cần Giờ cũng có 2 trường THPT. Thậm chí, huyện Củ Chi có đến 7 trường THPT với những cơ ngơi hoành tráng. Trong khi đó, huyện Nhà Bè đất mênh mông, nhưng chỉ một trường THPT đó là Trường THPT Long Thới. Dù là trường THPT duy nhất, nhưng xem ra trường THPT Long Thới cơ sở vật chất thua kém xa với nhiều trường. Ngày 12-3, thầy Nguyễn Xuân Khoái, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới than: “Trang thiết bị phục vụ cho dạy và học còn thiếu thốn lắm”. Nhìn quanh, những dãy phòng học với những mảng tường loang lổ, dấu hiệu của thời kỳ xuống cấp. Nhưng chờ kinh phí để sửa chữa e… không biết đến bao giờ. Dự án xây Trường THPT Phước Kiển vẫn còn nằm trên giấy suốt 5, 6 năm nay. Bao nhiêu kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã được các đại biểu đưa ra, nhưng rồi cũng chịu chung số phận như các dự án trường khác là… chờ! Với quận Thủ Đức, mỗi ngày, hàng ngàn người dân của quận đau xót nhìn công trình Trường THPT Hiệp Bình “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Dấu vết chứng tích là những bờ tường xám xịt đã hóa rêu phong. Nhiều người đã tận dụng làm nơi đổ rác và tệ hơn làm bãi xe hủ – lô? Trong khi hơn 1.000 học sinh của trường phải “chiếm” chỗ học của các cháu tiểu học! Theo số liệu, năm học 2007-2008 có 69.873 HS lớp 9 tốt nghiệp THCS của cả hai hệ (phổ thông và bổ túc). Trong số này có 46.675 HS trúng tuyển lớp 10 công lập và 11.482 HS được xét tuyển vào lớp 10. Năm học 2009-2010, tổng số HS lớp 9 là 75.281 HS, dự kiến tốt nghiệp THCS khoảng 74.000 HS. Như vậy số HS tốt nghiệp THCS năm 2008-2009 cao hơn năm học trước khoảng 4.000 HS. Để có đủ chỗ học cho số lượng HS dôi ra này cần xây thêm ít nhất 3 trường THPT. Nhưng thực tế thành phố chẳng xây thêm một trường nào? Dù rất nhiều lần Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Nguyễn Thị Thu Hà chỉ đạo Tổ liên ngành: “Phải tìm cách tháo gỡ và báo cáo ngay cho UBND để giải tỏa, tuyệt đối không cho các cháu thiếu chỗ học”. Với thực trạng xây trường học như thế, chắc chắn năm học 2009-2010 sẽ có ít nhất 1.200 HS lớp 10 không được học trường công lập.
Thêm địa bàn xét tuyển, thêm lớp chuyên
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, NGƯT Nguyễn Văn Ngai cho biết: “Sau huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và quận 9, năm học 2009-2010 sẽ thêm hai quận: 2 và Thủ Đức thực hiện xét tuyển gồm các trường THPT: Nguyễn Hữu Huân, Thủ Đức, Tam Phú, Hiệp Bình, Giồng Ông Tố và Thủ Thiêm. Đồng thời Trường THPT Nguyễn Hữu Huân được tổ chức tuyển lớp chuyên. Số lớp chuyên của các trường THPT nằm trên địa bàn trường xét tuyển như sau: Nguyễn Hữu Cầu tuyển 1 lớp chuyên toán, 1 lớp chuyên lý và 1 lớp chuyên hóa với 90 HS (được nhận thêm HS quận 12); Trung Phú tuyển 1 lớp chuyên toán, 1 lớp chuyên lý, 1 lớp chuyên hóa và 1 lớp chuyên tiếng Anh với 120 HS; Củ Chi tuyển 2 lớp chuyên toán và 1 lớp chuyên tiếng Anh với 90 HS. Đặc biệt, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân được mở bốn lớp chuyên với 140 HS gồm 1 lớp chuyên toán, 1 lớp chuyên lý, 1 lớp chuyên hóa và 1 lớp chuyên tiếng Anh và tuyển HS trên địa bàn quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9. Năm nay, HS học tăng cường tiếng Nhật ở hai trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) và Võ Trường Toản (Q.1) muốn tiếp tục học tăng cường tiếng Nhật thì đăng ký 3 nguyện vọng ở tại các Trường THPT Lê Quý Đôn, Trưng Vương và Marie Curie. Tất nhiên, HS chú ý đến học lực của bản thân và cự ly để đăng ký nguyện vọng”. Được biết cũng năm học này, tiếng Đức (ngoại ngữ 2) sẽ được dạy tại hai trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Những HS trúng tuyển, nếu có nguyện vọng nhà trường sẽ sắp xếp.
Khi được hỏi: Vì sao hai địa bàn là quận 7 và 12 không đưa vào diện xét tuyển? Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Huỳnh Công Minh cho biết: “Đối với quận 12, do số HS lớp 9 toàn quận đến hơn 3.000 HS, trong khi 3 trường THPT (có hai trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày) và chỉ đáp ứng 2.025 chỗ học. Riêng quận 7, nếu thực hiện xét tuyển thì HS huyện Nhà Bè và quận 4 sẽ có nhiều HS khá không được học trường công lập”.
Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, tỉ lệ HS tốt nghiệp THCS được vào học lớp 10 trường công lập là 60%, tỉ lệ còn lại HS sẽ học ở các cơ sở ngoài công lập. Nhưng do nhu cầu chỗ học của số đông HS, Sở GD-ĐT TP.HCM nhiều năm qua đã cố gắng thu nhận HS vào lớp 10 các trường công lập luôn vượt trên 80%. Từ đó dẫn đến hệ quả sĩ số HS của các lớp luôn vượt ngưỡng quy định, tăng thêm sức ép lên các trường học. Chính vì thế, chúng tôi nghĩ rằng, các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Tài chính cần chia sẻ với ngành GD-ĐT bằng cách nhanh chóng phê duyệt hoặc rót vốn để hàng chục dự án xây trường vẫn còn bị “ngâm” ở đâu đó được triển khai. Có như vậy mới loại bỏ sức ép chỗ học luôn thường trực đeo bám và trút lên ngành GD-ĐT.
Trần Thanh Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)