Năm học 2023-2024, một số địa phương như Vĩnh Long, Đồng Tháp… đã bỏ hình thức thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập, thay vào đó là hình thức xét tuyển. GS.TS Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng thay đổi này là cần thiết trong xu hướng đánh giá học sinh, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.
Việc đổi mới công tác tuyển sinh lớp 10 THPT công lập theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là cần thiết
Tuy nhiên, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết đi cùng với đó phải có thêm nhiều giải pháp. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này.
* Phóng viên: Nhìn từ thay đổi của một số địa phương, theo ông, có phải đến lúc chúng ta cần thay đổi phương thức đánh giá trong tuyển sinh lớp 10 THPT công lập để đồng bộ, phù hợp với Chương trình GDPT 2018?
– GS.TS Huỳnh Văn Sơn: Hiện nay, một số tỉnh bắt đầu áp dụng hình thức xét tuyển vào lớp 10 THPT công lập. Kinh nghiệm này đã có trong bối cảnh dịch bệnh trước đó và cũng là vấn đề có thể quan tâm áp dụng hiện nay. Đây có thể xem là một cải tiến nhất định vì việc đánh giá kết quả học tập của học sinh đang có những thay đổi nhất định, nhất là xu hướng đánh giá thường xuyên, đánh giá liên tục, đánh giá toàn diện.
* Chương trình GDPT 2018 chuyển từ dạy truyền thụ kiến thức sang phát huy phẩm chất, năng lực người học, chú trọng đánh giá quá trình chứ không còn đặt nặng vào đánh giá kết quả. Theo ông, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập tới đây cần thay đổi như thế nào để tiệm cận được mục tiêu này?
– Cần nhìn nhận sự thay đổi trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập theo Chương trình GDPT 2018 là cần thiết và phải có bước chuẩn bị, đón đầu hướng đến các điều chỉnh thích hợp. Đồng thời cũng nên chú trọng đến các giải pháp quản lý cho các định hướng thay đổi mà đánh giá là một trong những vấn đề cơ bản.
Mỗi địa phương có những điều kiện khác nhau nên sẽ có những cách thức áp dụng phù hợp. Với đặc thù TP.HCM cần tiếp tục xem xét để có những thay đổi có lộ trình, nhất là có thể áp dụng bước đầu hay thử nghiệm xét tuyển ở quy mô ban đầu tại TP.Thủ Đức hay sớm có những định hướng để chuẩn bị từ các bên có liên quan. Điều rất quan trọng là không nên cho rằng thi tuyển để phân luồng hay tranh học công lập trong bối cảnh mới. Cần thực hiện ngay các giải pháp thiết thực: Phát triển thêm các trường công lập; rà soát về quy mô tổ chức dạy học của từng trường, nhóm trường; kiểm tra tổng thể các cơ sở có thể phát triển hay điều chỉnh để tổ chức dạy học cũng như vấn đề đội ngũ, con người…
* Dư luận lo ngại việc bỏ thi thay bằng xét tuyển sẽ khiến công tác đánh giá thường xuyên, định kỳ từ nhà trường có thể phát sinh tiêu cực. Quan điểm của ông thế nào về rào cản này?
– Những giải pháp quản lý là yêu cầu quan trọng nếu chúng ta hướng về con người. Quan điểm căn bản cần chú ý là không nên thấy khó thì lo lắng hay tạm để đó mà hãy hành động quyết liệt, có giải pháp… Nếu công tác đánh giá thường xuyên, định kỳ từ nhà trường được triển khai một cách bài bản, có kiểm tra, giám sát thì không thể diễn ra tiêu cực. Hơn nữa, các quy định về kiểm tra đánh giá theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018 khá cụ thể, bài bản. Giáo viên nếu được tập huấn đầy đủ theo các module bồi dưỡng của ETEP và bổ trợ thêm các kỹ năng cần thiết nhất là quan điểm đánh giá theo phát triển thì việc “làm đẹp” học bạ sẽ giảm dần…
Đối với lộ trình xét tuyển trong tuyển sinh lớp 10 THPT công lập cần chuẩn bị kỹ, nhất là rà soát một cách nghiêm túc các điều kiện có liên quan song song với việc phát triển hệ thống trường lớp như đã phân tích. Các vấn đề về dự báo số học sinh, giáo viên và nhu cầu học THPT cần nhìn nhận theo bối cảnh mới với tư duy mới để tạo điều kiện cho giáo dục ngoài công lập tồn tại và phát triển nhưng chắc chắn phải có thay đổi theo hướng chất lượng. Đó cũng là cách tạo ra cơ hội học tập cho học sinh để vào đời một cách tích cực bằng sự quyết tâm chung. Lẽ nhiên, chiến lược phát triển giáo dục và các định hướng phát triển kinh tế, xã hội của thành phố cần trở thành một luận cứ quan trọng để đảm bảo triển khai các yêu cầu trên.
Cột mốc năm 2025 là năm phủ hết các lớp theo Chương trình GDPT 2018, cũng là thời điểm cần xem xét các cải tiến về giáo dục. Muốn vậy, các nghiên cứu, đánh giá để thay đổi về phát triển giáo dục, đảm bảo chất lượng giáo dục, đánh giá giáo dục không thể lùi hơn mà nhất thiết cần được thực thi trong năm 2023-2024 như bản lề quan trọng.
* Xin cảm ơn ông!
Đỗ Yến Hoa (thực hiện)
Đánh giá cần bám sát theo năng lực
GS.TS Huỳnh Văn Sơn nêu rõ, hiện nay việc đánh giá học sinh trung học theo Chương trình GDPT 2018 được thực hiện theo Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT. Chương trình GDPT 2018 quy định rõ việc đánh giá giáo dục thực hiện như sau: Mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lý và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục. Căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định tính và định lượng thông qua đánh giá thường xuyên, định kỳ ở cơ sở giáo dục, các kỳ đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương và các kỳ đánh giá quốc tế. Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên tổ chức, kết hợp đánh giá của phụ huynh, bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác. Việc đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng ở cơ sở giáo dục và phục vụ phát triển chương trình. Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức khảo thí cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng đánh giá kết quả giáo dục ở cơ sở giáo dục, phục vụ phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục. Phương thức đánh giá bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh, hạn chế tốn kém cho ngân sách Nhà nước, gia đình và xã hội. Nghiên cứu từng bước áp dụng các thành tựu của khoa học đo lường, đánh giá trong giáo dục và kinh nghiệm quốc tế vào việc nâng cao chất lượng đánh giá kết quả giáo dục, xếp loại học sinh ở cơ sở giáo dục và sử dụng kết quả đánh giá trên diện rộng làm công cụ kiểm soát chất lượng đánh giá ở cơ sở giáo dục. “Công tác đánh giá học sinh đang được đổi mới thì việc đổi mới tuyển sinh lớp 10 THPT công lập để phù hợp với Chương trình GDPT 2018 là điều cần thiết”, ông Sơn khẳng định.
Bình luận (0)