Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2010-2011 tại Hà Nội: Vẫn chuộng trường công

Tạp Chí Giáo Dục

 

Không “chạy trường, chạy lớp” sôi nổi như ở bậc tiểu học và THCS, nhưng bài toán chọn trường vào lớp 10 với học sinh (HS) Hà Nội cũng là vấn đề “nóng” hiện nay. Trong khi các trường ngoài công lập luôn rộng cửa thì tại các trường công lập, nhất là các trường top trên đang trong tình trạng “đất chật người đông”.
Chọn trường: đừng nghĩ thi chơi cho biết
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2010-2011, toàn thành phố có hơn 80.000 HS dự tuyển vào lớp 10 THPT. Chỉ tiêu tuyển sinh của 107 trường THPT công lập là 58.605 em. Điều đó cho thấy, khối trường THPT công lập sẽ không thể đáp ứng được toàn bộ số lượng HS dự tuyển. Vì thế, nhiều em sẽ phải chuyển sang học tại 77 trường THPT ngoài công lập (16.000 chỉ tiêu), 33 trung tâm giáo dục thường xuyên và trường bổ túc văn hóa.
Theo ông Vũ Tá Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Nhị, quận Hai Bà Trưng: “Ở lứa tuổi 15, các em HS nhìn chung chưa có nhiều chính kiến trong việc chọn trường mà chủ yếu vẫn là chọn theo định hướng của gia đình. Trong khi đó, phụ huynh học sinh (PHHS) thường có tâm lý thích con vào học trường công lập nên thường hướng cho các em “đăng ký vào trường thấp” còn hơn rớt cả hai nguyện vọng (NV) để rồi phải đầu quân vào trường dân lập”.
Ông Lê Đình Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự tư vấn: “Trước khi chọn trường đăng ký tuyển sinh, các em nên căn cứ vào học lực của bản thân cũng như chỉ tiêu của từng trường để quyết định vì đó mới là thước đo chính xác nhất. Vài năm trước, khi các trường THPT công lập còn tổ chức tuyển sinh hệ B, nhiều HS vẫn nuôi hy vọng “vào công lập” bằng mọi giá. Tuy nhiên, từ năm học 2008-2009, khi Sở GD-ĐT bỏ hệ B tại các trường đồng thời tiếp tục chủ trương 3 giảm là giảm số HS trên một lớp, giảm số lượng HS trái tuyến, giảm quy mô nhà trường đối với những trường có quy mô quá lớn thì nhiều em đã tỏ ra “biết người biết ta”.
Thầy Lê Thiện Thuật, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thái Tổ nhận định: “Xu hướng nổi bật những năm gần đây là có nhiều em HS “đi” chuyên ngữ. Vì vậy, khối chuyên ngữ trong các trường chuyên như Amsterdam, Chu Văn An… luôn là những khối “nóng”. Sau đó mới đến những trường chất lượng cao như Kim Liên, Thăng Long, Việt Đức, Trần Phú… Những trường top trên đã trở thành đấu trường để các HS có năng lực đọ sức chứ không phải là nơi thi chơi, thi cho biết”.
Trường dân lập: chưa tạo được sức hút
Thời gian gần đây, nhiều trường ngoài công lập đã có sự bứt phá với chất lượng, uy tín không thua kém gì trường công như Lương Thế Vinh, Nguyễn Siêu, Nguyễn Tất Thành, Lô-mô-nô-xốp. Điểm mạnh của các trường dân lập chất lượng cao là có cơ sở vật chất tốt, có đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản. Với nhiều PHHS, học trường dân lập còn đồng nghĩa với việc được “luyện thi ĐH” ngay từ năm lớp 10 nên tỷ lệ HS thi đỗ ĐH ở các trường dân lập top trên cũng khá nhiều.
Tuy nhiên, hệ thống trường dân lập nhìn chung vẫn chưa tạo được sức hút với các HS. Nhiều HS dù học lực kém nhưng chỉ chịu “vào dân lập” khi đã không còn trường công lập nào chịu nhận.
Ông Tôn Tích Long, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Vạn Xuân chia sẻ: “Năm học 2009-2010, nhiều trường THPT dân lập tại Hà Nội đã rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi không thể tuyển đủ HS đầu vào do Sở GD-ĐT cho phép các trường công lập tăng chỉ tiêu. Những trường THPT như Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) cũng đã hạ điểm chuẩn tới 1, 2 điểm khiến HS đổ xô vào học thay vì “gõ cửa” hệ thống trường dân lập”.
Theo ông Long, nhiều người quan niệm rằng, lớp “kém nhất” của trường công lập hạng bét vẫn “ăn đứt” trường dân lập bình thường. Vì vậy, mặc dù đã ra sức “chiêu hiền đãi sĩ” nhưng nhiều trường dân lập vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi do định kiến.
Ngay trước mùa tuyển sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố danh sách 14 trường THPT chưa đủ điều kiện để tuyển sinh lớp 10 năm học 2010-2011. Và, phần lớn trong số này là trường dân lập nhưTrường THPT DL Nguyễn Đình Chiểu, THPT DL EINSTEIN, THPT DL Hà Nội, THPT DL Phan Chu Trinh, THPT DL Hoàng Long, THPT DL Lê Hồng Phong, THPT DL Lê Ngọc Hân – Gia Lâm… Lý do khiến các trường chưa đủ điều kiện tuyển sinh không thể khác chính vì thiếu thiết bị dạy học, thiết bị giáo dục quốc phòng, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, thay đổi địa điểm hoạt động, cơ cấu tổ chức bộ máy chưa hoàn thiện…
Nghiêm Huê

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, thời gian nộp phiếu ĐKDT vào lớp 10 sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 19-5-2010. HS tốt nghiệp THCS năm học 2009-2010 nộp tại trường – nơi đang học lớp 9 tại Hà Nội; HS tự do hoặc HS có đủ điều kiện về hộ khẩu nhưng không học lớp 9 ở Hà Nội thì nộp tại phòng GD-ĐT- nơi có hộ khẩu thường trú; HS tỉnh ngoài đủ điều kiện dự tuyển vào Trường THPT Chu Văn An nộp tại Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy.

Toàn thành phố được chia thành 12 khu vực tuyển sinh (KVTS). Theo quy định, HS (đúng độ tuổi, đủ điều kiện) có hộ khẩu thường trú (HKTT) hoặc có bố (mẹ) có HKTT ở KVTS nào thì được đăng ký NV dự tuyển vào 2 trường THPT công lập của KVTS đó. Tuy nhiên, những HS thuộc vùng giáp ranh giữa các KVTS hoặc có chỗ ở khác với nơi đăng ký HKTT, nếu có đủ điều kiện dự tuyển thì được phép đổi KVTS với điều kiện 2 NV vào hai trường THPT công lập phải trong cùng một KVTS (trừ hai trường hợp: một trong hai NV là dự tuyển vào lớp 10 không chuyên Trường THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây; đăng ký học tiếng Pháp, tiếng Nhật tại các trường THPT có dạy tiếng Pháp, tiếng Nhật). HS đủ điều kiện được ĐKDT vào trường THPT ngoài công lập, không phân biệt KVTS.
 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)