Đó là khẳng định của các chuyên viên phụ trách bộ môn toán, ngữ văn và tiếng Anh thuộc Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT TP.HCM) khi trao đổi với Giáo dục TP.HCM xung quanh nội dung đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm 2020.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) trong giờ học môn tiếng Anh
Môn ngữ văn: Học đến đâu, thi đến đó
Cụ thể, ông Trần Tiến Thành (chuyên viên bộ môn ngữ văn) cho hay, cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 môn ngữ văn năm 2020 sẽ không có gì thay đổi so với đề thi năm 2019. Theo đó, đề thi vẫn bao gồm 3 phần: Đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm), thời gian làm bài 120 phút. Nội dung kiến thức đề thi sẽ ra trên tinh thần “học đến đâu thi đến đó”. Trong đó, ở phần đọc hiểu, các câu hỏi sẽ được tổ chức theo mức độ từ nhận biết, thông hiểu cho đến vận dụng thấp, vận dụng cao. Đây là phần kiến thức dễ dàng lấy điểm. Phần nghị luận xã hội, thí sinh phải biết vận dụng các thao tác lập luận, rút ra bài học hành động cho bản thân trước một vấn đề xã hội đang được quan tâm, phù hợp với lứa tuổi. Còn phần nghị luận văn học, thí sinh vẫn sẽ có 2 lựa chọn: Đề 1, phân tích tác phẩm trong chương trình đặt trong yêu cầu mở rộng, liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tiễn cuộc sống; đề 2, với yêu cầu mở, dựa vào hiểu biết văn học của mình, thí sinh sẽ giải quyết yêu cầu của đề… “Dù thời gian học của học sinh bị gián đoạn dài do dịch bệnh nhưng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT sẽ không bị tác động về mặt cấu trúc, khối lượng kiến thức trong đề thi khi nội dung kiến thức vẫn đúng nghĩa là một kỳ thi tuyển sinh đầu cấp, có mức phân hóa. Chương trình học đến đâu thì nội dung trong đề thi sẽ hỏi đến đó, không nằm ngoài những kiến thức các em đã học”, ông Thành khẳng định.
Theo ông Thành, học sinh (và phụ huynh) cuối cấp thường bị chi phối bởi vấn đề học thêm, nhất là những phần kiến thức “rất rối rắm” tại các trung tâm dạy thêm, nên mang sẵn tâm lý hoang mang, lo lắng, vô tình tạo sức ép trong kỳ thi. Việc học thêm nếu giúp học sinh tăng kiến thức, kỹ năng thì hãy nên học, chứ không phải học theo kiểu “càng học càng hoang mang”. “Trong thời gian này, học sinh lớp 9 hãy dành nhiều thời gian để rèn những kỹ năng mà các em còn yếu, thiếu. Nếu yếu kỹ năng đọc thì cần rèn thêm kỹ năng đọc, yếu kỹ năng viết thì rèn kỹ năng viết… Các em có thể luyện đề thi tuyển sinh các năm trước để làm quen”, ông Thành nói.
Môn toán: Vận dụng không quá cao
Ông Dương Bửu Lộc (chuyên viên bộ môn toán) nhấn mạnh, cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 môn toán năm 2020 sẽ giống như đề thi các năm trước. Cụ thể, đề có 8 câu, thời gian làm bài 120 phút. Trong đó, câu 1, 2 là dạng toán cơ bản thuần túy về hàm số, đồ thị, phương trình; 5 câu tiếp theo là dạng toán thực tế; câu 8 là toán chứng minh hình học. “Cấu trúc đề và kiến thức vẫn như cũ. Hoàn toàn giống như đề thi tuyển sinh năm ngoái. Ở dạng toán thuần túy là dạng bài rất dễ lấy điểm, học sinh đã rất quen thuộc, vì thế khi ôn tập các em cần chú ý làm cho thuần thục để tránh mất điểm trong bài thi. Về dạng toán thực tế, mức độ vẫn gắn với kiến thức các em đã học. Thay vì giải phương trình, đề sẽ ẩn dưới một dạng toán để thí sinh giải, có thể lồng thêm yếu tố hình học không gian. Khi làm dạng toán này, thí sinh phải nắm, đọc được vấn đề của bài toán. Nếu không hiểu được là sẽ không làm được”, ông Lộc cho hay.
Trong dạng toán thực tế, theo ông Lộc, thí sinh hay bị trừ điểm do sai và nhầm lẫn về khái niệm gần đúng, các quy ước. Vì thế, thí sinh cần phải chú ý và làm theo đúng yêu cầu của đề bài trong việc quy ước về số gần đúng. Đối với dạng toán chứng minh hình học, ông Lộc khẳng định, kiến thức hình học cũng giống như mọi năm, chủ yếu là hình tròn, hình tam giác. Dạng toán này thí sinh thường gặp khó, do đòi hỏi sự tư duy. Muốn làm hình học tốt, thí sinh phải luyện nhiều để biết cách chứng minh, vận dụng tốt. Quên định lý, tính chất là làm không được. “Với cấu trúc, khối lượng kiến thức không thay đổi, học sinh lớp 9 nên tiếp cận với đề thi tuyển sinh các năm trước để rèn các kỹ năng giải. Đặc biệt chú ý các kỹ năng vẽ hình, đổi đơn vị để tránh mất điểm. Vẽ hình sai mà chứng minh đúng đôi khi cũng không có điểm bởi dạng toán này đòi hỏi tư duy trên hình. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trừ hình tròn được vẽ bằng bút chì, các hình khác các em đều phải sử dụng bút mực”, ông Lộc nhắn nhủ.
Môn tiếng Anh: Tập trung vào từ vựng
Ông Trần Đình Nguyễn Lữ (chuyên viên bộ môn tiếng Anh) cho hay, về cơ bản cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 môn tiếng Anh năm 2020 sẽ không thay đổi, bài thi không mang tính chất học vẹt, học trên sách vở mà mở rộng kiến thức, gắn liền với kiến thức thực tế, tình hình xã hội. Theo đó, đề sẽ đánh mạnh vào yếu tố từ vựng, ngữ nghĩa câu, ứng dụng trong tình huống và thực tế đời sống, học sinh không thể học vẹt, học theo kiểu rập khuôn những kiến thức sách vở mà phải biết phân tích để hiểu ngữ nghĩa của từ đặt trong các bối cảnh khác nhau. Ngữ pháp cũng quan trọng nhưng chỉ chiếm từ 30-40%, phần lớn là ngữ nghĩa, từ vựng. Do đó, học sinh phải chú ý học từ vựng thật chắc để khi làm bài sẽ có cách để phân tích, lựa chọn đáp án chính xác nhất.
Trong khi đó, cô Phạm Thị Xuân Oanh (giáo viên tiếng Anh Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh) khuyên, học sinh lớp 9 nên tranh thủ thời gian nghỉ dài để tập trung rèn luyện, nâng cao vốn từ vựng. “Các em có thể rèn luyện qua nhiều hình thức, như xem phim, nghe nhạc, đọc sách tiếng Anh hay giải bài tập, đọc các đoạn văn đọc hiểu trong sách giáo khoa. Hoặc đặt từ trong nhiều bối cảnh khác nhau để đoán từ sẽ giúp các em nhớ từ lâu hơn”, cô Oanh cho hay.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)