Các trường MN hạn chế tuyển sinh lớp mầm và chồi
|
Với 697 trường mầm non (công lập 405 trường, tư thục 292 trường) và 950 nhóm lớp nhưng giáo dục mầm non (MN) ở TP.HCM vẫn luôn trong tình trạng quá tải. Tuy không phải xếp hàng từ 1-2 giờ sáng trước cổng trường chờ mua đơn như các phụ huynh ở Hà Nội, song muốn con có được một chỗ học ở trường công lập đối với nhiều phụ huynh tại TP.HCM quả là không đơn giản chút nào. Đặc biệt là trẻ 3-4 tuổi, tương đương lớp mầm và chồi…
Ngày 28-6, trong vai phụ huynh đi xin học cho con, chúng tôi tìm đến Trường MN Vàng Anh (Q.5). Tại đây, chúng tôi được biết trường đã ngừng bán đơn và không nhận nhóm mầm, chồi. Trước đó, tại Trường MN phường 2 (Q.Tân Bình), chúng tôi cũng nhận được câu trả lời là không nhận trẻ mầm, chồi…
Chỗ học mầm, chồi: Nhỏ giọt
Năm học 2010-2011, Trường MN 2 (Q.3) có 95 trẻ lớp lá ra trường. Năm học 2011-2012 trường chỉ nhận khoảng trên dưới 100 trẻ có hộ khẩu tại phường 2. Trong đó nhà trẻ có 2 lớp: lớp 18 đến 24 tháng, lớp 25 đến 36 tháng – mỗi lớp nhận khoảng 30 cháu. Đối với mẫu giáo, chỉ nhận lớp mầm (sinh năm 2008) với 30 cháu; còn lớp lá – trẻ (sinh năm 2006) nếu có nhu cầu đều nhận do thực hiện Đề án phổ cập giáo dục (PCGD) MN cho trẻ 5 tuổi.
Trong khi trẻ 5 tuổi được “thả cửa” thì những trẻ còn lại phải thuộc diện ưu tiên mới hy vọng có “cửa” vào. Theo đó, diện ưu tiên 1 là cha và mẹ cùng là cán bộ (CB), viên chức (VC) nhà nước. Nếu còn chỗ thì mới đến diện ưu tiên 2 – cha hoặc mẹ là CB, VC nhà nước. Sau đó là đến diện 3 – cha và mẹ là nhân viên thuộc các công ty trách nhiệm hữu hạn và cuối cùng là diện 4 – cha, mẹ hành nghề tự do.
Tương tự, Trường MN 20-10 (Q.1) chỉ nhận 23 trẻ lớp mầm. Ngoài ra, trường còn nhận thêm 71 trẻ nhóm nhà trẻ. Trong đó, lớp Nai Bi (19-24 tháng) nhận 25 cháu, lớp Gấu Bông (24-36 tháng) nhận 46 cháu. Và tiêu chuẩn tuyển sinh ưu tiên theo thứ tự, các cháu có hộ khẩu thường trú tại phường Nguyễn Cư Trinh (Q.1), có cha và mẹ là CB, VC nhà nước. Kế đến là trẻ có hộ khẩu ở Q.1, có cha và mẹ cùng công tác tại các cơ quan đóng trên địa bàn phường Nguyễn Cư Trinh.
Tuy chỉ nhận từ 20-30 trẻ lớp mầm/trường nhưng dù sao các bé 3 tuổi trên địa bàn Trường MN 2 (Q.3), Trường MN 20-10 (Q.1) cũng còn cơ hội đi học ở trường công lập. Trong khi đó ở nhiều địa phương, cánh cửa bước vào trường MN công lập của trẻ mầm, chồi gần như đã bị đóng chặt. Đơn cử như Trường MN Bến Thành (Q.1), năm học 2011-2012 nhận 40 trẻ nhưng không nhận trẻ mầm và chồi. Còn Trường MN Nhiêu Lộc (Q.Tân Phú) nhận tới 495 cháu nhưng không có chỗ cho trẻ dưới 5 tuổi.
Riêng Q.Bình Thạnh, trong số 25 trường MN công lập có tới năm trường không tuyển trẻ 3, 4 tuổi. Cụ thể như Trường MN 11A tuyển 110 cháu nhưng là nhóm nhà trẻ, Trường MN 22 tuyển 54 cháu, Trường 24A tuyển 56 cháu, Trường MN 24B tuyển 70 cháu và Trường MN 25B tuyển 51 cháu nhưng không có chỗ nào cho trẻ mầm, chồi.
Vì đâu nên nỗi?
Tình trạng quá tải ở các trường MN công lập, không phải là chuyện mới ở TP.HCM mà nó đã diễn ra từ nhiều năm nay. Song, năm nay tình hình có phần căng thẳng hơn. Điều đó đã gây không ít bức xúc cho phụ huynh và phiền muộn cho ngành GDMN. Vậy đâu là nguyên nhân?
Những ngày qua, một số cơ quan truyền thông đã quy kết “Tất cả lỗi này là do TP.HCM nóng lòng muốn hoàn thành PCGDMN cho trẻ 5 tuổi”. Vì vậy, các trường MN công lập phải dành chỗ để nhận trẻ 5 tuổi, còn những trẻ khác thì… mời đi chỗ khác.
Song, theo ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khi thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, quan điểm của lãnh đạo thành phố cũng như ngành GD-ĐT thành phố là không giảm trẻ nhóm nhà trẻ và trẻ mầm, chồi (3, 4 tuổi). Sở dĩ, một số trường không nhận trẻ 3 tuổi là do trẻ 2 tuổi (vốn trước đó học nhà trẻ tại trường) lên lớp mầm, trẻ 3 tuổi lên lớp chồi nên trường hết chỗ…
Đúng như lời giải thích của ông Đạt, Trường MN 11A (Q.Bình Thạnh) không nhận trẻ lớp mầm, chồi là do có 105 trẻ nhà trẻ lên lớp mầm, 80 trẻ lớp mầm lên lớp chồi. Hay như Trường MN Nhiêu Lộc (Q.Tân Phú) mặc dù tuyển tới 495 trẻ nhưng vẫn không có chỗ, dù chỉ là một chỗ cho trẻ lứa tuổi mầm, chồi. Giải thích về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Vân Anh – Hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm học 2011-2012, toàn trường có 3 lớp cơm thường từ lớp cơm nát của năm học trước lên, 4 lớp mầm vốn là trẻ của các lớp cơm thường năm học 2010-2011. Trường chỉ có 17 phòng học, Phòng GD-ĐT quận giao chỉ tiêu tuyển 10 lớp lá (5 tuổi) gồm trẻ của phường Tân Thành, phường Tân Sơn và phường Tân Quý. Vì vậy, trước mắt nhà trường chưa thể tuyển trẻ thuộc các lứa tuổi khác. Sau khi tuyển xong trẻ 5 tuổi, nếu còn chỗ thì sẽ tuyển trẻ nhóm nhỏ…
Thực tế các địa phương có chút “ưu ái” cho trẻ 5 tuổi để nhanh chóng hoàn thành PCGDMN, vì vậy đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tuyển sinh các lớp mầm, chồi. Song, vấn đề cốt lõi để giải bài toán quá tải ở bậc MN là phải nhanh chóng xây dựng thêm nhiều trường. Trước tiên là phải xóa 12 phường, xã “trắng” trường MN công lập. Các khu chế xuất và khu công nghiệp cũng phải xây dựng trường MN để phục vụ cho trẻ em là con của công nhân…
Đề án PCGDMN của thành phố đã dành ra 2.568,178 tỷ đồng để xây dựng. Các quận, huyện nên tranh thủ số tiền này để đầu tư cho GDMN. Có như vậy, thành phố mới thực hiện việc PCGDMN một cách bền vững và “giải cơn khát” chỗ học cho trẻ 3, 4 tuổi như hiện nay…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Thực tế các địa phương có chút “ưu ái” cho trẻ năm tuổi để nhanh chóng hoàn thành PCGDMN, vì vậy đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc tuyển sinh các lớp mầm, chồi. Song, vấn đề cốt lõi để giải bài toán quá tải ở bậc MN là phải nhanh chóng xây dựng thêm nhiều trường.
|
Bình luận (0)