Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tuyển sinh mầm non vẫn “nóng”

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm nay (1-7), các trường mầm non trên địa bàn thành phố bắt đầu tuyển sinh năm học mới. Mùa tuyển sinh năm nay, do yêu cầu phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, cho nên các trường đều ưu tiên tuyển sinh nhóm trẻ này.

Giờ vui chơi của các cháu Trường mầm non 10-10 quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Tại một số trường mầm non công lập mà số lượng phòng, lớp có hạn, đều tiến hành thu hẹp số lượng tuyển sinh các cháu trong độ tuổi từ 2 đến 4 tuổi, gây áp lực lớn đối với các vị phụ huynh.
Thông báo tuyển sinh năm học 2011-2012 của Trường mầm non Nhân Chính (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) ghi rõ chỉ tiêu: chỉ nhận 33 trẻ năm tuổi, 20 trẻ bốn tuổi và 29 trẻ ba tuổi. Ðọc thông báo, chị Nguyễn Thu Hương buồn rầu nói: Nhà tôi gần đây, năm nào cũng chứng kiến cảnh phụ huynh khốn khổ xếp hàng xin cho con vào học ở trường mầm non này. Năm nay con đến tuổi đi học, hộ khẩu đúng tuyến, nhưng với số lượng chỉ tiêu ít ỏi như vậy, thì sợ khó đến lượt mình. Năm ngoái, năm kia, không ít phụ huynh xếp hàng xin học cho con từ bốn, năm giờ sáng mà vẫn không được. Chị Hà Thanh Minh có con lên ba tuổi cho biết: Con tôi học Trường mầm non Hoa Hồng (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) thuộc diện đúng tuyến, nhưng trường phải ưu tiên tuyển 100% số trẻ năm tuổi, cho nên tôi lo lắng không biết ngày tiếp nhận hồ sơ sẽ thế nào. Chị Nguyễn Mai Thơ (phường Thịnh Quang, quận Ðống Ða) tâm sự: Nhà ở sát Trường mầm non thực nghiệm Hoa Hồng, ao ước con được vào học vì nghĩ tới cảnh hằng ngày chỉ việc dắt con đi bộ đến trường, không phải chịu cảnh đưa đón tắc đường. Một mặt, tôi nộp đơn xin học cho con vào Trường Hoa Hồng, mặt khác, tôi đăng ký cho con vào Trường mầm non tư thục chất lượng cao Vietkid (ngõ 5 phố Láng Hạ)…
 Nhiều vị phụ huynh xin học cho con vào các trường mầm non công lập, khi được hỏi, đều bộc lộ sự lo lắng về sự khó khăn, mặc dù lẽ ra đã có hộ khẩu đúng tuyến thì đương nhiên các cháu phải được tiếp nhận vào học tại trường trên địa bàn.
Ðể giảm những bức xúc trong tuyển sinh mầm non, thay vì hạn chế từ khâu phát đơn, nộp đơn xin học, một số trường đã áp dụng biện pháp bốc thăm trúng tuyển. Theo Ban Giám hiệu Trường mầm non Chu Văn An (quận Tây Hồ), những năm trước có nhiều bậc phụ huynh bức xúc vì xếp hàng từ ban đêm mà vẫn không thể nộp được hồ sơ xin học cho con. Năm nay, nhà trường rút kinh nghiệm, tuyển sinh bằng hình thức bốc thăm. Chỉ tiêu tuyển của nhà trường năm nay là 55 cháu lớp nhà trẻ và 90 cháu lớp mẫu giáo. Vì ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi (sinh năm 2006) để hoàn thành phổ cập nên nhà trường nhận hồ sơ trực tiếp đối tượng này; số còn lại thì thực hiện bốc thăm dưới sự chứng kiến của đại diện Phòng Giáo dục và Ðào tạo của quận, chính quyền địa phương và toàn thể các bậc phụ huynh. Phụ huynh nào bốc được lá thăm trúng tuyển sẽ được làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ. Phương thức nói trên tuy có cho cảm giác minh bạch hơn trong khâu tiếp nhận hồ sơ, nhưng vẫn không giải tỏa được những lo lắng của phụ huynh. Họ cho rằng không có việc nơm nớp xếp hàng, chen nhau nộp hồ sơ thì lại có việc tranh nhau bốc thăm, làm thế nào để phân định ai bốc trước, ai bốc sau… Tóm lại, tuyển sinh mầm non có làm cách này hay cách khác thì cuộc chạy đua cho con vào trường công lập vẫn còn rất nóng. Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội, nguyên nhân là do hệ thống trường mầm non công lập trên địa bàn chỉ đáp ứng chưa được một nửa số trẻ đến tuổi cần học mẫu giáo. Việc phát triển hệ thống trường lớp không thể theo kịp được tốc độ phát triển dân số trên địa bàn. Số còn lại phải chấp nhận cho con học mầm non tư thục với mức học phí cao gấp nhiều lần so với các trường công lập.
Tuy nhiên, ngay cả khi phụ huynh phải chấp nhận cho con học tư thục thì cũng không dễ để chen chân vào những cơ sở có chất lượng. Chị Nguyễn Minh Nguyệt (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho biết: Tôi đang cho con học tại một trường tư thục gần nhà, mức học phí 1,6 triệu đồng/tháng. Ðây là một cơ sở được cải tạo từ nhà ở, cho nên không gian lớp rất chật hẹp; không có sân chơi cho các cháu… Tôi chưa dám khẳng định về chất lượng chăm sóc, giáo dục của trường, nhưng cảm nhận rõ không gian đó không thể tạo ra được môi trường sư phạm tốt. Những ngày nắng nóng, trông cả cô và cháu đều uể oải. Thương con, năm nay tôi quyết tâm tìm cho cháu môi trường tốt hơn, nhưng quanh đây các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đều trong tình trạng tương tự. Một số trường có cơ sở vật chất tốt hơn như Mầm non Lý Thái Tổ, Mầm non Vimeco… thì học phí quá cao, từ hơn hai triệu đồng/tháng trở lên, chưa kể tiền nhập học ban đầu. Và để xin cho con được vào học ở đó cũng không dễ vì đây là trường của Tổng công ty Vinaconex đầu tư để phục vụ con em cán bộ, công nhân viên của mình…
Biết bao giờ mới hết cảnh sau mỗi mùa tuyển sinh mầm non, có người thì thỏa mãn nhìn con hồn nhiên chạy tung tăng trong sân trường ngập tràn tiếng nhạc rộn ràng, người lại ngậm ngùi nhìn con ủ ê ngồi trong lớp học chật chội, thiếu không khí được cải tạo từ nhà dân. Vẫn biết, phát triển được hệ thống giáo dục mầm non công lập đáp ứng đủ nhu cầu của người dân là điều không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Nhưng mong rằng bên cạnh việc quan tâm đẩy mạnh quy hoạch phát triển mạng lưới trường học, thành phố sớm có những chính sách phù hợp đối với hệ thống mầm non tư thục đang phát triển khá mạnh. Làm sao để hệ thống mầm non công lập và mầm non tư thục không còn quá chênh lệch về điều kiện vật chất, chất lượng giáo dục cũng như chi phí đóng góp của phụ huynh. Có như vậy mới giải tỏa được những bức xúc chính đáng của các vị phụ huynh trong mỗi mùa tuyển sinh.
Theo Minh Hạnh
(Nhandan)

Bình luận (0)