Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh năm 2009: Các trường nghề rất “khát” học viên

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh đang làm hồ sơ học hệ TC Trường CĐ Nguyễn Tất Thành. Ảnh: V.M

Hiện nay, cả nước còn khoảng 250.000 thí sinh (TS) rớt NV3, trong khi đó tại các trường nghề còn rất nhiều chỉ tiêu (CT) hệ trung cấp nghề (TCN) và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) đang chờ học viên.
Nguồn nhiều
Nguồn tuyển NV3 trong cả nước ước tính khoảng gần 300.000 (hơn 125.000 TS đạt điểm sàn ĐH, khoảng 160.000 TS đạt điểm sàn CĐ) so với tổng chỉ tiêu xét tuyển NV3 của các trường ĐH, CĐ khoảng gần 50.000. Nếu các trường tuyển đủ CT là gần 50.000 thì vẫn còn khoảng 250.000 TS lỗi hẹn với giảng đường CĐ, ĐH năm 2009 này.
Tại TP.HCM, theo thống kê của Sở GD-ĐT và Sở LĐ-TB-XH có khoảng gần 150.000 CT tại các cơ sở đào tạo TC. Thực tế cho thấy nguồn để tuyển sinh hệ TC vẫn còn rất dồi dào, tuy nhiên các trường đào tạo TC vẫn đứng trước nguy cơ thiếu học sinh, thậm chí nhiều khoa chỉ có vài hồ sơ đến nộp rồi không thấy quay lại.
TS. Lưu Đức Tiến, Phó trưởng Phòng TCCN, Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ: “Hiện nay hệ thống đào tạo TCCN đã tốt hơn rất nhiều, không ít trường được đầu tư toàn diện và chất lượng cũng được nâng lên theo từng năm. Học sinh ra trường được các doanh nghiệp tuyển dụng với mức lương khá cao, đặc biệt nguồn nhân lực ở trình độ TC được doanh nghiệp rất cần”. Ở góc độ khác ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhìn nhận: “Các trường nghề hiện nay đã được Nhà nước đặc biệt quan tâm để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Học nghề hiện nay không còn là bước đường cùng nữa mà là con đường song song ĐH. Một số ngành nghề có thể học, làm việc ở nước ngoài với mức lương 300-400 triệu đồng/năm”.
Tiến sĩ Nguyễn Trần Nghĩa, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM cho biết: “Trường chúng tôi năm nào cũng lo lắng đầu vào đặc biệt là các ngành kỹ thuật. Tuy nguồn tuyển năm nào cũng dồi dào, nhưng các TS lại không “mặn” với hệ TC”.
Trường… vắng

Thiết bị dạy nghề tại TP.HCM ngày càng được đầu tư nhiều hơn

“Hiện nay học hệ TC phần lớn chỉ xét tuyển thông qua học bạ, thời gian tuyển sinh diễn ra cả năm. Mặt khác có nhiều trường được đầu tư đồng bộ cả vật chất, lẫn thầy cô giáo. Tuy vậy năm nào cũng vậy cứ đến mùa tuyển sinh các trường lại lo thiếu người học. Năm 2009, Trường CĐ Nghề TP.HCM có 400 CT hệ TC, nhưng đến nay vẫn còn một số ngành chưa tuyển đủ CT”, thầy Trần Kim Tuyền, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề TP.HCM cho biết.
Cô Bùi Thị Nguyệt Ánh, Hiệu trưởng Trường KT-KT Vạn Tường, lo lắng: “Nhà trường có 1.600 CT, nhưng đến bây giờ chỉ nhận được khoảng 800 hồ sơ. Đồng thời ngành các em vào học chủ yếu ở một số ngành như: ngân hàng, du lịch, kinh doanh xuất nhập khẩu. Còn hai ngành trước kia nhà trường mỗi năm mở 3-4 lớp như: chế biến thực phẩm, thư ký văn phòng thì nay hẩm hiu”. Cùng quan điểm với cô Ánh, thầy Đỗ Tất Nhâm, Hiệu trưởng Trường TC KT-KT Phương Nam cho biết: “Học sinh “quay lưng” với một số ngành, khiến cho nhiều khoa trước kia nhà trường tuyển 150 -200 CT, thì nay phải dồn ngành hay ngừng tuyển sinh như khoa trắc địa bản đồ và quản lý đất đai. Mặt khác một số ngành nghề khác cũng khó tuyển sinh hơn các năm trước”. 
Tiến sĩ Chu Xuân Nam, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Giao thông Vận tải 3 tâm sự: “Năm 2009 trường có 1.000 CT hệ TC, nhưng đến hết tháng 9 trường mới nhận được 50% số hồ sơ. Tình hình tuyển sinh TC năm nay không sáng sủa lắm, thậm chí khó khăn ngay cả với các trường có truyền thống đào tạo hệ TC”.
Văn Mạnh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)