Lựa chọn nhập học bằng phương thức nào, có nên học trường tư thục hay không, rớt ĐH thì rẽ theo hướng nào… là những băn khoăn của thí sinh sau khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Những thí sinh trúng tuyển ĐH bằng nhiều phương thức cần cân nhắc ở lựa chọn cuối cùng để chọn ngành học, trường ĐH phù hợp. Trong ảnh: Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại TP.HCM
Nhiều chuyên gia nhìn nhận rằng, ngay cả khi trúng tuyển ĐH, thí sinh cũng nên cân nhắc lại một lần nữa về ngành học, trường ĐH trúng tuyển để có sự lựa chọn cuối cùng phù hợp.
Nhập học bằng phương thức nào?
Đây là băn khoăn của không ít thí sinh ở thời điểm này. Với vấn đề này, thầy Đỗ Vũ Ngọc Trung (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức, Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết câu hỏi đặt ra ở đây không phải là sẽ nhập học bằng phương thức nào mà thí sinh nên đặt câu hỏi là nhập học vào ngành nào, trường ĐH nào. “Nếu tất cả nguyện vọng (NV) trúng tuyển ở các phương thức đều có chung một ngành đào tạo thì thí sinh cần tìm hiểu môi trường đào tạo của từng trường ĐH, từ thế mạnh đào tạo của trường đối với ngành học đó, mức học phí, cơ hội việc làm sau này. Thí sinh cũng có thể mở rộng tham khảo thêm về tiêu chí đào tạo ngoại ngữ, cơ hội giao lưu, trao đổi học thuật với các trường ĐH nước ngoài để có thêm sự ưu tiên lựa chọn rõ ràng hơn”, thầy Trung nói. Đối với những thí sinh trúng tuyển ở nhiều ngành khác nhau, thầy Trung khuyên các em cần phải dành thời gian xem xét lại ngành học mà mình yêu thích nhất để lựa chọn. Tham khảo thêm ý kiến gia đình, thầy cô, bạn bè và nhất là nhìn lại năng lực của mình để chọn ngành học phù hợp nhất. Kế đó, là môi trường đào tạo. “Phải tìm hiểu thật kỹ về ngành học, trường học mà mình lựa chọn, tránh tình trạng sau 1-2 năm học không phù hợp phải bỏ ngang để tìm kiếm những lựa chọn khác”, thầy Trung lưu ý.
Cũng như vậy, cô Lê Tường Quyên (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TP.HCM) nhìn nhận, trong mùa tuyển sinh năm 2020, do các trường ĐH đa dạng phương thức tuyển sinh nên thí sinh có thể trúng tuyển bằng nhiều phương thức. Việc này tạo điều kiện cho thí sinh có cơ hội học ĐH ở những ngành mà mình yêu thích. Tuy nhiên, nếu thí sinh không có sự cân nhắc kỹ lưỡng thì cơ hội sẽ trở thành áp lực. “Tất cả các phương thức trúng tuyển đều có giá trị tương đương nhau. Để đưa ra lựa chọn phù hợp, thí sinh cần phải đặt lên bàn cân-đo-đong-đếm, đánh giá lại một lần nữa về mức độ phù hợp của bản thân đối với ngành học”, cô Quyên nhắn nhủ.
Theo cô Quyên, thí sinh hãy chọn học ngành nào, môi trường nào mà các em nhận thấy phù hợp với ước mong của mình nhất. Có thể các em đã nỗ lực cả một quá trình để có được kết quả trúng tuyển, song nếu lựa chọn không đúng thì những nỗ lực đó có thể sẽ đặt sai chỗ.
Không nên “cố đấm ăn xôi”!
Hiện nay, nhiều trường ĐH tư thục đã có những bước tiến lớn, đồng bộ với các trường ĐH công lập, từ việc đa dạng ngành nghề đào tạo, hoàn thiện chất lượng đào tạo…, trong khi điểm chuẩn thường thấp hơn. Tuy nhiên, để chọn được trường ĐH tư thục phù hợp, lời khuyên mà nhiều chuyên gia đưa ra là thí sinh cần phải hết sức lưu ý, cân nhắc ở nhiều yếu tố ngoài sự phù hợp về ngành nghề đào tạo, tránh trường hợp “cố đấm ăn xôi”. “Một lưu ý quan trọng mà thí sinh cần tìm hiểu đó là mức học phí của trường. Dù đã trúng tuyển nhưng thí sinh phải tìm hiểu thêm về chế độ học phí, xem trường có mức học phí như thế nào, có thay đổi học phí từng năm học hay không, mức học phí đó có phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình không, nếu không phù hợp thì thí sinh nên cân nhắc lại”, thầy Đặng Đình Quý (Phó Hiệu trưởng THPT Nguyễn Thái Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM) khuyên. Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT ở Q.1 (TP.HCM) nhìn nhận, khi trúng tuyển ĐH ở những NV sau cùng (còn được thí sinh gọi vui là NV “vớt”), thí sinh cũng không nên tự ti vì tất cả các NV đều có giá trị như nhau. Quan trọng là thí sinh cần tìm hiểu xem NV đó có thực sự phù hợp với bản thân không. “Các NV “vớt” thường là NV ở các trường ĐH tư thục. Thực tế có rất nhiều trường ĐH tư thục có chương trình đào tạo uy tín, bắt kịp xu thế hội nhập quốc tế. Ở nhiều lĩnh vực đào tạo thậm chí còn có thế mạnh hơn các trường công lập với nhiều chương trình liên kết, hợp tác quốc tế, tạo cơ hội cho người học phát triển năng lực bản thân. Tuy nhiên, để quyết định chọn học ĐH tư thục, thí sinh cần nhìn nhận ở nhiều khía cạnh như ngành nghề đào tạo có phù hợp, mức học phí, thông qua nhiều kênh thông tin trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”, vị hiệu trưởng đánh giá.
Nhiều ngã rẽ cho thí sinh rớt ĐH
Trong một hội thảo giáo dục mới đây, ThS. Nguyễn Thị Phương Hoa (giảng viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) đã nêu ra một thực tế về lựa chọn ngành nghề của sinh viên hiện nay. Theo đó, khi tiến hành khảo sát trên một bộ phận sinh viên của trường về quyết định lựa chọn ngành nghề, kết quả thu được chỉ có 11% sinh viên chọn ngành học theo đúng ước muốn, NV năng lực của bản thân; 89% còn lại chọn ngành học theo các lý do khác như ngành học “hot”, theo bạn bè, phong trào, theo ước muốn của ba mẹ, truyền thống gia đình hay tự tin thái quá vào bản thân, chủ quan… “Học giỏi hóa chưa chắc đã phù hợp với ngành công nghệ thực phẩm, thích CNTT chưa chắc đã phù hợp với ngành CNTT. Quan điểm giỏi môn nào chọn ngành học đó là quan điểm chưa thực sự chính xác, phù hợp. Trên thực tế đào tạo, nhiều sinh viên đã phải cố gắng đến năm 2, năm 3 không theo nổi chương trình, nhà trường phải hỗ trợ để chuyển ngành khác, ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng của người học. Việc chọn lựa đúng NV đóng vai trò rất quan trọng để hạn chế những sai lầm về lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức, khó tìm việc làm sau khi ra trường”, ThS. Hoa nhấn mạnh.
Cô Lê Tường Quyên cũng nhìn nhận, nếu rớt ĐH, thí sinh không nên tự ti, khép kín. Bởi có rất nhiều ngã rẽ khác nhau sau khi tốt nghiệp THPT mà ĐH chỉ là một trong những ngã rẽ đó. Thí sinh có thể tìm kiếm các ngành nghề phù hợp, lựa chọn trường CĐ phù hợp để theo học… Đối với hướng đi khởi nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT, ông Trần Đức Sự (Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ TP.HCM) cho rằng người học cần phải phân biệt được khởi nghiệp với lập nghiệp để có sự chuẩn bị tốt về kiến thức, tài chính cũng như tâm lý bởi đây là hai hướng đi tưởng như giống nhau nhưng lại hoàn toàn khác nhau. “Sau khi tốt nghiệp THPT, nếu người học mở một quán cà phê, một tiệm hủ tiếu… như tất cả các mô hình kinh doanh bình thường khác thì được gọi là lập nghiệp. Còn gọi khởi nghiệp khi và chỉ khi mô hình kinh doanh này có hướng đi riêng, ý tưởng hoàn toàn riêng biệt, có thể ứng dụng nền tảng của công nghệ mới vào để phát triển mô hình. Như vậy, để có thể khởi nghiệp thì ngoài kiến thức, người học cần có sự sáng tạo, dám rẽ sang những hướng đi riêng”, ông Sự thông tin.
Bài, ảnh: Đ.Yến
Bình luận (0)