Sự kiện giáo dụcTin tức

Tuyển sinh năm 2022: Khuyến khích trường đại học tổ chức thi riêng

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Bộ GD-ĐT, 2022 là năm có tính chất giao thời trong việc thực hiện công tác tuyển sinh giai đoạn 2022 – 2025. Về cơ bản, việc tuyển sinh vẫn ổn định như năm 2021, nhưng sẽ tăng cường vai trò tự chủ của trường đại học.
Về cơ bản, việc tuyển sinh năm 2022 vẫn ổn định như năm 2021, nhưng sẽ tăng cường vai trò tự chủ của trường ĐH /// Ảnh Quý Hiên
Về cơ bản, việc tuyển sinh năm 2022 vẫn ổn định như năm 2021, nhưng sẽ tăng cường vai trò tự chủ của trường ĐH. ẢNH QUÝ HIÊN
Một trong các nội dung quan trọng được đề cập trong hội nghị trực tuyến tổng kết năm học, bàn phương hướng cho năm học mới của khối giáo dục đại học (ĐH) do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm nay, 24.8, là vấn đề tuyển sinh ĐH.
Theo PGS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, giai đoạn 2022 – 2025, việc tuyển sinh ĐH sẽ thực hiện theo xu hướng đẩy mạnh trách nhiệm tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH.
Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kỳ thi riêng để tuyển sinh. Hình thức thi riêng có thể là thi bổ sung, thi đánh giá năng lực. Yêu cầu kỳ thi riêng phải là gọn nhẹ, chỉ thi 1-2 môn, hoặc thi môn năng khiếu, khi xét tuyển thì có thể kết hợp kết quả thi riêng với kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Bộ GD-ĐT cũng sẽ có các chính sách thúc đẩy việc hình thành trung tâm khảo thí độc lập. Trung tâm này sẽ có ngân hàng câu hỏi, đề thi chuẩn hóa; thí sinh làm bài thi trên máy tính; có thể thi nhiều lần trong năm.
Một hình thức tuyển sinh khác mà Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích thực hiện là tổ chức thi theo nhóm trường với yêu cầu là phải gọn nhẹ, giảm tải; chỉ thi trong 1 buổi; việc thiết kế kỳ thi phải đạt tiêu chí thuận lợi, tiết kiệm cho thí sinh.
Riêng tuyển sinh năm 2022 về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2021, nhưng có một số cải tiến về mặt kỹ thuật, đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH.
Sẽ kiên trì tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy cho các trường dùng chung
Tại hội nghị, PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết thực hiện tự chủ tuyển sinh, từ năm 2019, trường đã bắt đầu triển khai kỳ thi đánh giá tư duy. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên kỳ thi không thể triển khai được.
Tuy nhiên, năm 2022, kỳ thi sẽ được tiếp tục, vì đây là giải pháp căn bản, lâu dài về thi tuyển và xét tuyển ĐH không chỉ của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mà còn của những trường tham gia sử dụng kết quả kỳ thi này. Nhóm xét tuyển miền Bắc mà Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì hiện có 54 trường. Theo PGS Điền, đây là tiền đề thuận lợi để mở rộng số trường tham gia sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức.
PGS Điền cũng cho biết, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ kiên trì theo đuổi việc tổ chức tốt kỳ thi này với kỳ vọng giúp thí sinh có một kênh đánh giá thực chất, công bằng; tạo điều kiện thuận lợi trong việc dự thi, giảm thiểu chi phí cho các em. Mặt khác, kỳ thi sẽ có tác động tích cực trở lại đối với việc dạy học ở trường phổ thông, hạn chế việc học sinh học tủ học lệnh.
“Kỳ thi trước hết là phục vụ nhu cầu tuyển sinh của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đảm bảo chọn được những sinh viên có khả năng học tập tốt nhất cho chương trình ĐH và sau ĐH của trường. Vì thế, đề thi phải được thiết kế tốt để hạn chế thấp nhất việc học sinh trúng tuyển nhờ ôn luyện nhồi nhét”, PGS Điền chia sẻ.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng khẳng định, năm 2022 là năm giao thời, có tính chất chuẩn bị cho công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH giai đoạn 2022 – 2025.
Bộ GD-ĐT sẽ lấy ý kiến của các đơn vị để hoàn thiện “kịch bản” đổi mới công tác tuyển sinh giai đoạn này. Có một việc có thể làm ngay là 2 ĐH Quốc gia, các ĐH vùng bắt tay vào việc củng cố hoặc xây dựng các trung tâm khảo thí. Các trung tâm này sẽ đóng vai trò hạt nhân cho các hoạt động kiểm tra, đánh giá và tuyển sinh trong thời gian tới.
Một số ĐH vùng hiện còn chưa có điều kiện trang bị cơ sở vật chất cho các trung tâm khảo thí này. Vụ Kế hoạch tài chính của Bộ sẽ trao đổi với các ĐH để tìm cách tháo gỡ, tập trung ưu tiên cao việc đầu tư xây dựng các trung tâm khảo thí để tạo tiền đề về cơ sở vật chất cho chủ trương đổi mới thi trong thời gian sắp tới.

Theo Quý Hiên/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)