Trường ĐH Văn Lang chính thức tuyển sinh khóa 1 ngành kỹ thuật hàng không trong năm 2023 với 50 chỉ tiêu cho tất cả các phương thức tuyển sinh đang áp dụng.
Tìm hiểu xét tuyển vào Trường ĐH Văn Lang
Sinh viên có thể lựa chọn chương trình đào tạo kỹ sư theo hướng khoa học hàng không với 171 tín chỉ (trong 4,5 năm) hoặc chương trình cử nhân 148 tín chỉ (trong 4 năm) và phát triển 1 trong 2 hướng chuyên sâu gồm khoa học hàng không và bảo dưỡng hàng không.
Được xây dựng 50% bằng tiếng Anh, chương trình đào tạo tập trung vào 5 khối kiến thức chuyên môn kỹ thuật hàng không (theo tiêu chuẩn ABET) là: Khí động lực học, vật liệu và kết cấu hàng không, cơ học bay và điều khiển, động cơ lực đẩy máy bay và thiết kế kỹ thuật hàng không. Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể đảm nhiệm các vị trí: Vận hành – bảo dưỡng máy bay; kỹ thuật viên thiết kế chuyên về hàng không; kỹ thuật viên tư vấn công nghệ và quản lý vận hành, bảo trì thiết bị trên máy bay; nghiên cứu khoa học và phát triển sản phẩm, thiết bị trong các viện nghiên cứu; sáng tạo sản phẩm thiết bị phục vụ ngành kỹ thuật hàng không…
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (người khởi xướng xây dựng chương trình đào tạo ngành kỹ thuật hàng không tại Trường ĐH Văn Lang) cho rằng, tiềm năng và cơ hội phát triển ngành kỹ thuật hàng không tại Việt Nam rất lớn. Thực tế đã có trên 3.000 kỹ sư hàng không tốt nghiệp từ 2 trường ĐH Bách khoa của TP.HCM và Hà Nội với những đóng góp rất đáng kể cho hoạt động sửa chữa bảo dưỡng vận chuyển hàng không thương mại, cho nghiên cứu khoa học và tính toán thiết kế về kỹ thuật hàng không hay lĩnh vực liên quan.
Ông Tống cho biết thêm, chương trình đào tạo kỹ thuật hàng không tại Trường ĐH Văn Lang được xây dựng dựa trên những kiến thức nền tảng cốt lõi đa ngành về chuyên môn kỹ thuật hàng không để phát triển toàn diện; sinh viên sẽ được trang bị khả năng giải quyết các vấn đề liên ngành của kỹ thuật hàng không theo định hướng khoa học, thiết kế và phát triển hoặc theo định hướng quản lý bảo dưỡng sửa chữa.
Việt Ngân
Bình luận (0)