Đến cuối tháng 8 (hoặc tháng 10), các trường nghề mới hết thời gian tuyển sinh năm 2017, nhưng thời điểm này một số trường tự tin cho biết sẽ tuyển đủ hoặc vượt chỉ tiêu.
Học sinh Trường THPT Long Trường (TP.HCM) đang thực hành nghề đầu bếp tại Trường CĐ Kỹ nghệ II. Ảnh: T.Tri |
Bức tranh tuyển sinh khả quan
Ông Trần Ngọc Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Thủ Đức) cho biết trường đã phát ra 800 hồ sơ và tính đến ngày 11-8, bộ phận tuyển sinh nhận lại trên 500 hồ sơ (tăng khoảng 100 hồ sơ so với cùng kỳ năm ngoái). Được biết, chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2017 cho 8 ngành nghề là 600 sinh viên. Con số này phân bổ khá đồng đều ở các ngành nghề, trong đó đăng ký học nhiều nhất vẫn là ngành kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí.
Mặc dù không quá lo lắng về chỉ tiêu nhưng ông Cường cũng nhìn nhận một số ngành nghề hiện nay tuyển sinh khó, một phần vì hiệu quả phân luồng còn rất thấp. Theo đó, chỉ có từ 7-10% học sinh vào hệ TC, hệ ngắn hạn và sơ cấp, còn lại là vào học lớp 10 trường dân lập, trung tâm GDTX.
Tương tự, bức tranh tuyển sinh năm 2017 cũng khá khả quan với Trường TC Kỹ thuật Nghiệp vụ Tôn Đức Thắng. Ông Đinh Minh Nghĩa (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết đến thời điểm này, trường đã tuyển được 300/360 chỉ tiêu, trong đó ngành điện công nghiệp và thiết kế đồ họa có số hồ sơ đăng ký học cao nhất.
Là đơn vị có đào tạo nghề trọng điểm quốc gia, lãnh đạo Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương cho biết đến nay trường đã tuyển gần 500 chỉ tiêu cho 11 ngành nghề. Được biết, năm 2016, trường phát hành 740 hồ sơ, số thí sinh trúng tuyển là 583 và thực học là 537 em. Bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng nhà trường) nói: “Có đến 50% người học thông qua sự giới thiệu, điều này khẳng định nhà trường đã làm tốt chính sách dành cho người giới thiệu, trong đó đối tượng chính là các em học sinh hệ ngắn hạn và dài hạn đang học tại trường và các đơn vị liên kết bên ngoài. Tỷ lệ này còn phản ánh chất lượng đào tạo của trường từng bước được xã hội công nhận. Đây chính là nỗ lực của lãnh đạo nhà trường trong những năm qua trong việc triển khai các chương trình đào tạo, cơ sở vật chất đáp ứng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ và nhu cầu xã hội”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phan Hòa (Hiệu trưởng Trường TC Nhân Đạo) không thông tin cụ thể về kết quả tuyển sinh năm nay của trường, nhưng ông cho biết không quá lo lắng. Trước đó, Trường CĐ Kỹ nghệ II, Trường CĐ Nghề Lilama II…, dù còn trong thời hạn tuyển sinh nhưng đã công bố đủ chỉ tiêu ở các ngành nghề.
Vực dậy dạy nghề ngắn hạn
Những năm trước, dạy nghề ngắn hạn, sơ cấp tuyển sinh rất mạnh nhưng thời gian gần đây có chậm lại, đó là nhận định của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh hệ sơ cấp và dưới 3 tháng là 381.000 học viên, tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2017 chỉ đào tạo 197.797 lượt học viên.
8 dự án đầu tư công dạy nghề Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết đã tổng hợp 8 dự án, trong đó có 2 dự án đầu tư cho trường nghề chất lượng cao là Trường CĐ Nghề TP.HCM và Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương cùng 6 dự án đầu tư cho trường được lựa chọn đào tạo nghề trọng điểm là: Trường TC nghề Quang Trung, Trường CĐ Nghề Thủ Đức, Trường CĐ Nghề Nguyễn Trường Tộ, Trường TC Nghề Củ Chi, Trường TC Nghề Kỹ thuật Nghiệp vụ Tôn Đức Thắng và Trường TC Nghề Nhân Đạo. Việc đầu tư này thực hiện theo kế hoạch xây dựng đầu tư công trung hạn đối với lĩnh vực dạy nghề và trên cơ sở đề xuất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. |
Ông Trần Thế Phương (Đại diện Trung tâm Dạy nghề huyện Nhà Bè) cho biết tuyển sinh nghề ngắn hạn theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân theo ông Phương là do tập quán lâu đời của người dân ngoại thành, chỉ lo giải quyết cuộc sống mưu sinh trước mắt, ngán ngại việc học nghề. Thêm nữa, vẫn còn một bộ phận nông dân chưa thấy được tầm quan trọng của công tác dạy nghề là giúp cho học có nghề, tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm, nên chưa tích cực tham gia học nghề. Trong khi đó, đại diện Trung tâm Dạy nghề huyện Hóc Môn cho rằng lao động nông thôn có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn phải làm thuê kiếm sống hàng ngày nên tham gia lớp học không liên tục, một bộ phận bỏ học giữa chừng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phan Hòa khẳng định, hệ ngắn hạn và sơ cấp tuyển sinh có khó khăn nhưng không đến nỗi, cụ thể là khối ngành chăm sóc sắc đẹp và kỹ thuật của Trường TC Nhân Đạo vẫn thu hút học viên.
Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) thừa nhận: Qua kiểm tra, rà soát hệ dạy nghề ngắn hạn cho lao động tại các quận/huyện cho thấy việc tiếp thu và học kỹ năng nghề còn hạn chế dẫn đến chất lượng đào tạo ở một số lớp chưa cao, thậm chí sau đào tạo không đi làm đúng nghề dù đã được giới thiệu việc làm.
T.Anh
Bình luận (0)