Đã sắp hết thời gian nhận hồ sơ xét tuyển NV2 nhưng thống kê sơ bộ cho thấy trong khi nhiều trường ĐH đã thừa chỉ tiêu thì không ít trường vẫn còn thiếu quá nửa chỉ tiêu dự kiến.
Thí sinh vẫn có tâm lý thích bằng "công lập" Ảnh: Q.H |
Ngoài các trường ĐH công lập có mức điểm xét tuyển NV2 khá hợp lí được thí sinh ưu tiên, sự cạnh tranh giành thí sinh của các trường ĐH ngoài công lập khá sôi động.
Gian nan thu hút thí sinh
Một thí sinh quê ở Yên Bái thi khối D đạt điểm sàn, khi được tư vấn vào học một số ngành rất “hot” của 2 trường ĐH ngoài công lập khá danh tiếng của Hà Nội đã thẳng thừng từ chối. Thí sinh này đã chọn một ngành được cho là “khiêm tốn” của một trường ĐH công lập để nộp đơn xét tuyển NV2. Lí do được đưa ra rất đơn giản: “Em muốn có một tấm bằng ĐH công lập!”.
Chính vì nhiều thí sinh vẫn thích tấm bằng “công lập” nên nhiều trường ngoài công lập “đói” thí sinh. Đơn cử trường ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) các năm trước thực hiện theo phương thức xét tuyển, năm nay tổ chức thi năm đầu, chỉ có 105 thí sinh dự thi, trong đó khối A 70 thí sinh, khối D1 35 thí sinh.
Việc tuyển sinh 600 chỉ tiêu cả hệ đại học và cao đẳng khá khó khăn. Còn Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh năm nay xét tuyển 660 chỉ tiêu NV2 bậc ĐH và 1.050 chỉ tiêu NV2 bậc CĐ nhưng thống kê tới hết tháng 8, số hồ sơ thí sinh nộp ĐKXT NV2 bậc ĐH là 122 hồ sơ và bậc CĐ chỉ có vỏn vẹn 97 hồ sơ.
Tại ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh, đến ngày 5.9, trường mới chỉ nhận được 220 đăng kí xét tuyển hệ ĐH và 211 đăng kí xét tuyển hệ CĐ, trong khi chỉ tiêu NV2 vào ĐH trường này là 700 và 450 chỉ tiêu hệ CĐ…
Vì sao nhiều trường không tuyển được thí sinh?
Thực tế khi tuyển dụng, khái niệm ĐH công lập hay ngoài công lập không được đặt ra mà chỉ có khái niệm “chính quy” hay “không chính quy”. Rõ ràng rất ít có sự phân biệt về kiến thức trong hệ thống các trường ĐH-CĐ.
Đồng thời, để thu hút thí sinh, các trường ĐH ngoài công lập cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất để thí sinh có thể theo học. Và cơ bản, nếu thí sinh đạt điểm sàn trở lên thì chắc chắn có cơ hội vào học một trường ĐH ngoài công lập nào đó.
Nhưng lãnh đạo nhiều trường ĐH ngoài công lập lại cho rằng, khi đưa ra mức điểm sàn, Bộ GD&ĐT đã không thấy hết những khó khăn của các trường top dưới, trường ngoài công lập và quá cứng nhắc khi quy định mức điểm sàn chung mà cho tới nay có lẽ quy định này không còn thích hợp.
Trả lời cho những băn khoăn này, một cán bộ lãnh đạo của Bộ GD&ĐT lại cho rằng quy chế đã có những quy định riêng cộng điểm với học sinh ở các vùng khác nhau. “Văn bằng của các trường đều được coi là có giá trị như nhau, sao lại nêu ra ý kiến cần điểm sàn khác nhau?”, vị cán bộ này gay gắt.
Khi được hỏi về lí do không mặn mà theo học tại các trường ĐH ngoài công lập, nhiều thí sinh chỉ rõ 2 nguyên nhân cơ bản là học phí và thương hiệu các trường này, trong đó vấn đề thương hiệu được quan tâm nhiều hơn vì theo họ, thương hiệu chính là chất lượng. Học phí tại các trường ngoài công lập cao gấp 2-3 lần học phí tại các trường công lập khiến cho nhiều học sinh e ngại và cố gắng phấn đấu vào các trường công lập.
Thống kê cho thấy, đa số các trường ĐH ngoài công lập hiện nay đều đào tạo những ngành học được thí sinh và xã hội đặc biệt chú ý như quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, viễn thông, ngoại ngữ, luật, du lịch…Tuy nhiên chất lượng các ngành học của các trường không đồng đều nên sự thu hút thí sinh chênh lệch khá lớn. Sự chênh lệch này đã dẫn đến ngay trong năm học mới này, nhiều trường ĐH đã phải đóng cửa một số ngành học vì không tuyển được sinh viên…
Theo Quốc Hùng
(VH)
Bình luận (0)