Đúng là mong mỏi từ lâu nhưng đến khi được Bộ "gật đầu" thì các trường lại tỏ ra dè dặt và vẫn chọn "3 chung" cho kỳ thi tới, chỉ bởi vì: Thi riêng cần sự tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi của thí sinh và việc chọn được đúng, đủ người học cho từng trường. Như thế có nghĩa, mong đợi là một chuyện nhưng để thực hiện những mong mỏi đó cần có sự chuẩn bị nhiều hơn hẳn những lời nói.
Mặc dù Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho hay: Ngay cả khi các trường đưa phương án tuyển sinh riêng thì chủ trương của Bộ cũng là không tăng thêm quá nhiều kỳ thi mà cố gắng để các trường "tuyển sinh riêng" có thể khác đề, khác phương án nhưng thời gian thi nên chung vào một, hai đợt. Việc tổ chức thi riêng đảm bảo được nguồn tuyển của từng trường, đảm bảo được quyền lợi của thí sinh, lại không làm tái diễn tình trạng xuất hiện các "lò" ôn thi như trước đây thực sự là bài toán khó.
Trên thế giới có nhiều chính sách tuyển sinh khác nhau của các quốc gia. Tuy nhiên, các hệ thống tuyển sinh đại học trên thế giới cũng có những điểm giống nhau tựu trung được tạo thành 2 nhóm chính (theo tác giả Vũ Thị Phương Anh): Một nhóm tuyệt đối hóa vai trò của các kỳ thi (thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đại học, hoặc kỳ thi năng lực chuẩn hóa) do Nhà nước hoặc một tổ chức bên ngoài trường đại học đứng ra tổ chức trực tiếp hoặc gián tiếp; một nhóm sử dụng kết quả của các kỳ thi thêm vào đó những tiêu chí khác, và cho phép các trường tự quyết định một số tiêu chí xét tuyển sao cho phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng trường.
Những cách thức tuyển sinh này không gây "căng thẳng" như kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng nước ta. Bởi hiếm có ở đâu mà cứ vào đầu tháng 7 hàng năm, các thành phố lớn lại "gánh" một đợt sĩ tử và người nhà "quá nặng" như ở Hà Nội và TP HCM. Lực lượng của toàn xã hội được huy động vào dịp này để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Sự căng thẳng thể hiện rõ nhất ở ánh mắt của các bậc phụ huynh chờ con trước các cổng trường đại học. Cải cách thi cử như thế nào trong những năm tới, có lẽ chỉ cần giảm được sự căng thẳng đó đã là một thành công lớn.
Sự dè dặt đang có của các trường khi chọn phương án tuyển sinh năm tới hẳn sẽ liên quan đến các thí sinh. Bởi đã từ lâu lắm rồi, học trò của chúng ta thường bị động trước những kỳ tuyển sinh như vậy. Rằng các em cứ học, chuyện thi thế nào còn chờ phải bàn, khi nào có quyết định chính thức, các em mới có thể "à, ra thế!" được. Mong rằng, đây là sự dè dặt cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người học, cũng là sự dè dặt cần thiết để các trường và ngành giáo dục có phương án thay đổi kỳ thi cho hợp lý hơn, giảm áp lực cho học sinh và cho toàn xã hội.
Bình luận (0)