Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tuyển sinh sau đại học: Nhiêu khê việc nâng cao hiệu quả môn tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Tại hội thảo “Thi môn tiếng Anh sau đại học” tổ chức vào ngày 2-12, TS. Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết: “Học và thi tiếng Anh là cả một vấn đề đối với nền giáo dục Việt Nam khi hòa nhập với thế giới. Đại học Quốc gia TP.HCM đã có nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng thi tiếng Anh sau đại học. Tuy nhiên, qua các đợt tuyển sinh sau đại học gần đây, kết quả cho thấy trình độ tiếng Anh của các thí sinh vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tế”.
Bộc lộ nhiều bất cập
Trong những năm gần đây, ĐHQG TP.HCM đã thực hiện thi chung đề thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh sau đại học. Hình thức này tiết kiệm được chi phí, hướng đến mục tiêu liên thông trong các đơn vị thành viên của ĐHQG, đánh giá khách quan trình độ thí sinh trong khối ĐHQG… Tuy nhiên, qua các kỳ thi trong những năm gần đây cũng bộc lộ một số vấn đề bất cập. Số lượng thí sinh đạt điểm trung bình khá thấp, ĐHQG luôn phải xét điểm chuẩn đầu vào môn tiếng Anh dưới trung bình. Đồng thời, kết quả thi giữa các đợt tuyển sinh không hoàn toàn theo phân bố chuẩn mà có sự chênh lệch, khác biệt giữa các năm. Năm 2007-2008, kết quả điểm thi tiếng Anh tốt hơn năm 2009. Theo ông Lê Thành Chơn, đại diện của ĐH Bách Khoa, nguyên nhân dẫn đến tình hình chênh lệch giữa các đợt tuyển sinh này là năm 2009 có sự thay đổi hình thức thi (thêm phần nghe) nhưng thông báo có phần chậm trễ nên trường hoàn toàn bị động trong việc tổ chức ôn tập cho thí sinh. Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng chất lượng đề thi chưa thật tốt, còn gặp phải một số vấn đề sai sót. TS. Trần Thị Mai, đại diện Trường ĐH KHXH-NV cho rằng: “Đợt 2 năm 2009 có thêm phần thi nghe trong dạng thức đề thi, kỹ năng này là rất cần thiết nhưng theo TS, độ khó của đề là khá cao, thiếu tính trọng tâm và phần từ vựng trong các kỳ thi khá chuyên biệt về các kiến thức xã hội”.
Cùng với nguyên nhân này, các đại biểu cũng đưa ra một số nguyên nhân từ phía Ban tổ chức và đánh giá đề thi hay cách xác lập mức điểm chuẩn. Ông Lê Thành Chơn cho rằng, việc thay đổi hình thức tổ chức đề thi từ tiểu ban đề thi Anh văn (những chuyên gia từ các trường thành viên và Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo) sang chuyển giao hoàn toàn cho Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng giáo dục là mâu thuẫn với quy chế đào tạo thạc sĩ do ĐHQG ban hành. TS. Trần Thị Mai cũng cho rằng việc giao cho Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo vừa ra đề thi, vừa chấm điểm lại vừa đánh giá chất lượng đề thi và kết quả thi môn tiếng Anh là chưa hợp lý do trung tâm có đội ngũ chuyên gia khá mỏng.
Giải pháp nào để nâng cao hiệu quả?
Từ những thực trạng trên, việc tuyển sinh sau đại học về môn thi tiếng Anh theo kiểu mới năm 2008-2009 đã phát sinh nhiều vấn đề. Vì vậy, tại hội thảo rất nhiều ý kiến được các đại biểu trình bày nhằm tìm ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả môn thi tiếng Anh trong các kỳ thi tuyển sinh sau đại học.
Ông Lê Thành Chơn cho rằng: “Để giải quyết những vấn đề trên, ĐHQG cần đánh giá kết quả thi tiếng Anh sau đại học một cách tổng thể, từ nội dung chuyên môn đến kết quả làm bài của thí sinh. Đồng thời tổ chức lại chương trình ra đề thi tiếng Anh theo đúng quy chế đào tạo thạc sĩ”.
Vì thi đề chung và tất cả cùng diễn ra một thời điểm cho nên chuẩn bị tốt các môn thi, trong đó có môn tiếng Anh là một áp lực lớn. Công tác chuẩn bị bố trí nhân sự cho các khâu bảo mật cũng hết sức căng thẳng. Trước tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng Ban tổ chức tuyển sinh sau đại học có cách tổ chức ra đề thi một cách chuyên nghiệp hơn. Nếu không xây dựng được đội ngũ chuyên nghiệp để thành lập ngân hàng đề thi thì ĐHQG nên chuẩn hóa ngoại ngữ đầu vào và đầu ra sau đại học bằng chứng chỉ đã được quốc tế công nhận với chuẩn phù hợp. Chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh sau đại học năm 2009, ĐH Bách khoa và ĐH Khoa học Tự nhiên đã phối hợp với IIE và IIG tổ chức cho các thí sinh thi chứng chỉ TOEFL.
Nâng cao hiệu quả môn thi tiếng Anh trong tuyển sinh sau đại học là một vấn đề quan trọng nhưng “cái quan trọng hơn nữa, quyết định tất cả không phải là mức độ khó dễ của đề thi mà chính là quá trình đào tạo có hiệu quả hay không mới là điều kiện chính”, thầy Lê Hoàng Dũng, Phó trưởng Khoa Ngữ văn Anh Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM ý kiến. Việc thực hiện nghiêm túc chuẩn đầu vào và đầu ra là một trong những biện pháp để nâng cao quá trình đào tạo này.
DƯƠNG BÌNH

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)