Học sinh nghề điều dưỡng đa khoa Trường CĐ Nguyễn Tất Thành trong giờ học. Ảnh: V.M |
Năm 2009, tuyển sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) có sự đảo chiều của những ngành nghề vốn trước đây được coi là thời thượng nay nhường “ngôi” cho một số nghành nghề khác. Điều này khiến nhiều ngành “nóng-lạnh” thất thường, kéo theo đó là tình trạng thiếu-thừa người học.
Các ngành dịch vụ “lên ngôi”
Tính đến thời điểm này, các cơ sở đào tạo TCCN đã mở 146 ngành đào tạo, trong đó 39 trường CĐ, ĐH mở 96 ngành, 50 trường TCCN mở 86 ngành. Những năm trước, các ngành có số lượng học sinh học nhiều nhất vẫn là lĩnh vực kinh tế (chiếm 43%). Mùa tuyển sinh 2009 này, một số ngành mang tính chất dịch vụ như: điều dưỡng đa khoa, dược, ngân hàng, hướng dẫn viên du lịch… đang làm đảo lộn cơ cấu tuyển sinh. Hiện phần lớn các trường có mở mã ngành này đều có lượng học sinh vào học rất đông.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường CĐ Nguyễn Tất Thành cho biết: “Gần đây số lượng học sinh vào học nghề điều dưỡng đa khoa, dược tăng đột biến. Một phần vì đầu ra của nghề này đang rất lớn, phần vì những nghề này cũng có môi trường làm việc tốt. Năm 2009 chỉ tiêu của nhà trường là 6.000, nhưng đến thời điểm này trường đã tuyển sinh gần đủ số học sinh”. Còn thầy Phạm Tư Khoa, Phó hiệu trưởng Trường TC Tư thục Kinh tế –Kỹ thuật (KT-KT) Phương Nam cho biết: “Chỉ tiêu đào tạo của hai ngành điều dưỡng đa khoa và dược là 2.000 hệ chính quy và 2.500 hệ tại chức, vừa học vừa làm. Hiện trường chúng tôi đã tuyển đủ ở hệ đào tạo chính quy, riêng hệ tại chức, vừa học vừa làm còn thiếu vài trăm, khoảng hết tháng 10 này trường sẽ tuyển đủ. Những ngành này hiện tại không lo thiếu người học mà chúng tôi chỉ lo làm sao để đào tạo cho tốt”. Một số trường khác như: CĐ KT-KT Miền Nam, Trung học Quân Y II, TC Tư thục điều dưỡng và y tế Hồng Đức… đều có nhận định rất khả quan về tuyển sinh của những ngành này.
Ngành hướng dẫn viên, nhà hàng khách sạn hệ TC năm nay cũng thu hút nhiều thí sinh vào học, đặc biệt là một số trường có truyền thống về đào tạo những nghề này. Trường TC Du lịch và khách sạn Saigontourist có chỉ tiêu tuyển sinh năm 2009 là 1.600 với hai mã ngành là du lịch và nhà hàng, nhưng cách nay một tháng trường đã tuyển đủ học sinh. Thầy Trần Văn Hùng, Hiệu trưởng cho biết: “Các ngành dịch vụ hiện nay đang được các bạn trẻ theo học nhiều hơn so với các ngành khối kinh tế. Nhiều em thi đậu ĐH-CĐ nhưng vẫn chọn hệ TC của trường chúng tôi để vào học”. Ngoài những ngành trên, hiện nay hệ TC ngân hàng cũng được các bạn trẻ “chọn mặt gửi vàng” rất nhiều.
Khối kinh tế – CNTT: bão hòa
Hiện nay, phần lớn các cơ sở đào tạo hệ TC đều có mở các ngành này. Mấy năm trước những ngành thuộc khối kinh tế, công nghệ thông tin (CNTT) được xem là những ngành “xương sống” của rất nhiều trường. Nhưng năm 2009 số người học những nghề này giảm nhiều so với những năm trước.
Th.S Nguyễn Thạc San, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công thương TP.HCM cho biết: “Những năm trước, các ngành kế toán, quản trị kinh doanh, CNTT được học sinh ồ ạt đăng ký vào học. Nhưng theo thống kê của phòng đào tạo thì năm nay những ngành này đã không còn mạnh như trước nữa”. Th.S San đưa ra ví dụ: “Nhà trường có hơn 2.000 chỉ tiêu ở 3 ngành là quản trị kinh doanh, kế toán và CNTT, mọi năm đến giờ này là chúng tôi khóa sổ, nhưng năm nay phải tuyển hết tháng 10 mới có thể đủ chỉ tiêu”.
Thầy Lâm Văn Quản, Hiệu trưởng Trường CĐ KT-KT Phú Lâm cho biết: “Đến nay định mức 1.600 chỉ tiêu đào tạo của nhà trường đã tuyển gần đủ. Tuy nhiên những ngành nghề như kế toán – tin học, CNTT dường như đã bão hòa vì rất nhiều ngành nghề dịch vụ được các học sinh vào học đông thay vì các ngành nghề kinh tế như những năm trước”. Cùng quan điểm trên, thầy Phạm Tư Khoa than vãn: “Các ngành khối kinh tế hiện nay rất khó tuyển sinh, nhà trường bắt đầu tuyển từ tháng 4-2009 nhưng đến nay vẫn còn thiếu chỉ tiêu ở các ngành khối này”. Ở góc độ khác thầy Phạm Hổ, Hiệu trưởng Trường CĐ KT-KT Sài Gòn chia sẻ: “Theo thông tin mà chúng tôi có được, đến năm 2010, số lượng nhân lực tại các công ty vừa và lớn về chuyên ngành CNTT sẽ giảm khoảng 30% so với các năm trước. Có khoảng 10% đến 15% nhân viên IT sẽ thất nghiệp bởi đến năm 2010, nhu cầu nhân lực IT sẽ không tập trung vào các chuyên gia công nghệ. Không biết có phải vì vậy mà ngành CNTT hiện nay khó tuyển sinh hay không?”.
Kỹ thuật – nông – lâm – ngư nghiệp: cầm cự
“Điều nghịch lý là lĩnh vực nông – lâm – ngư có tỷ lệ học sinh quá thấp (4%), mặc dù tỷ lệ lao động có việc làm trong lĩnh vực này chiếm tới trên 50,2%”, TS. Trịnh Trường Giang, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM chia sẻ. Việc khó tuyển sinh xảy ra ngay cả với các trường ĐH-CĐ. “100% học sinh học hệ TC các ngành nghề này ra trường có việc làm. Nhiều doanh nghiệp vào tận trường tuyển nhân lực hệ TC nhưng do còn nặng tâm lý “nhất sỹ, nhì nông…” nên học sinh vẫn quay lưng với những nghề này”. Th.S Trần Đình Lý, giám đốc hỗ trợ sinh viên, quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tâm sự
Nhiều năm qua các trường: Trung học Nông nghiệp TP.HCM, TC TT KT-KT Phương Nam, hệ TC Trường ĐH Nông lâm TP.HCM mở nhiều ngành nghề như: trồng trọt, thú y, quản lý đất đai, chế biến thuỷ sản, chăn nuôi… nhưng không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí nhiều ngành nghề không có người học nên phải ngưng đào tạo.
Trong khi các khối kỹ thuật được xem là ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế, các doanh nghiệp “săn” lao động thì người học vẫn đứng ngoài cuộc. Thầy Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức băn khoăn: “Hiện nay các nghề kỹ thuật đã được công nghệ hoá rất nhiều. Học sinh học nghề không còn cảnh “chân lấm, tay bùn” như trước mà thay vào đó là được tiếp cận với máy móc hiện đại. Năm nay nhà trường tuyển sinh những nghề này có khá hơn những năm trước, nhưng so với nhu cầu thực tế thì chưa thấm vào đâu”.
Văn Mạnh
Bình luận (0)