Xu hướng sử dụng bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đang trở thành lựa chọn của nhiều trường ĐH. So với cách tuyển sinh dựa vào tổ hợp môn truyền thống, cách tuyển mới dựa vào một bài thi nhiều kỹ năng đang đặt ra tranh cãi.
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Luật TP.HCM. Ảnh Đào Ngọc Thạch
Tìm người đủ năng lực học ĐH
Phát biểu trong tọa đàm “Đổi mới tuyển sinh ĐH” vừa qua, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển trực tiếp thí sinh ĐH này hướng tới việc học sinh không học quá lệch. Tuy nhiên, khi thí sinh thi vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, bản thân đề thi có nội dung về khoa học tự nhiên và điểm tự động sẽ cao hơn các điểm khác.
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, tuyển sinh phải phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường, ví dụ ĐH Quốc gia TP.HCM là đào tạo tài năng và giáo dục toàn diện.
Là một đơn vị sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng bài thi gồm nhiều phần, trong đó có những câu hỏi thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, thí sinh có năng lực lĩnh vực nào sẽ thể hiện tốt ở lĩnh vực đó.
“Ở kỳ thi THPT quốc gia, đề thi kiểm tra nhiều về kiến thức, còn ở đề đánh giá năng lực, với dữ kiện được cho sẵn, bài thi sẽ đánh giá khả năng nhanh nhạy trong giải quyết vấn đề”, ông Hạ nhận định.
Ông Hạ nói: “Mức độ phù hợp với ngành đào tạo của các trường thì chưa có cơ sở đánh giá bởi cần ít nhất 1 năm học ĐH. Nhưng ngay thời điểm khi những thí sinh này trúng tuyển vào trường đã thấy được mức độ tương đồng khá lớn về điểm trên bài thi năng lực với điểm thi THPT quốc gia”.
Ông Hạ nhấn mạnh: “Trong thời điểm chưa có những đánh giá cụ thể thì ít nhất cách thức tuyển sinh này vẫn cho thấy sự phù hợp. Đặc biệt trong xu hướng tuyển người học có những tố chất phù hợp với môi trường học ĐH”.
Tương tự, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nói: “Bản chất kỳ thi đánh giá năng lực là đánh giá năng lực học ĐH, có nghĩa là khả năng tư duy, suy luận và khả năng sẵn sàng tiếp nhận thông tin lớn hơn trong tương lai khi học tập và làm việc. Với mục tiêu đó, bài thi của ĐH Quốc gia TP.HCM là phù hợp. Quá trình đào tạo và sự nỗ lực của người học mới góp phần tạo ra chất lượng tốt hay không chứ không chỉ đầu vào”.
Cần có bài thi chuyên sâu cho ngành đặc thù
Tuy nhiên, lãnh đạo một trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM có quan điểm ngược lại. Ông nói: “Với những ngành đặc thù, ví dụ y khoa, nhất thiết phải có một bài thi đánh giá sát khả năng người học ở lĩnh vực hóa, sinh. Khi đó, ĐH Quốc gia cần tiến tới xây dựng và hoàn thiện bài thi theo hướng SAT 2, tức có những bài thi riêng để đánh giá năng lực ở nhiều lĩnh vực cụ thể phục vụ tuyển sinh cho các trường. Đây cũng là cách mà các trường ĐH của Mỹ đang áp dụng”.
Theo phương án dự kiến đã công bố, năm 2019 Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM sẽ dành 10% chỉ tiêu để xét thí sinh từ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh trường này, cho rằng: “Bài thi đánh giá năng lực có ưu điểm là đánh giá tương đối toàn diện các kiến thức và kỹ năng cần thiết để tiếp thu chương trình ĐH. Đây chính là lý do trường chọn bổ sung phương thức này cho năm tuyển sinh 2019 sắp tới”.
Thạc sĩ Sơn nhấn mạnh, do trường chỉ xét kết quả kỳ thi này cho những ngành không đặc thù nên một bài thi dạng tổng hợp là phù hợp. Nhưng theo thạc sĩ Sơn, trong bài thi đánh giá năng lực nhiều phần khác nhau, nếu để tuyển thí sinh vào những ngành đặc thù các trường có thể tính toán tỷ lệ điểm từng phần trong bài thi theo hướng phù hợp hơn.
Nhiều trường thực hiện đánh giá năng lực
Năm 2018, ĐH Quốc gia TP.HCM lần đầu tiên tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển thí sinh cho các trường thành viên. Từ 10 – 20% chỉ tiêu mỗi ngành năm đầu, ĐH này tiếp tục tăng chỉ tiêu tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực lên tối đa 40% vào năm 2019. Phương thức này dự kiến còn được áp dụng cho cả các trường ĐH ngoài hệ thống như: Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Thủ Dầu Một (Bình Dương)…
Bài thi đánh giá năng lực này gồm 120 câu, dạng trắc nghiệm trên giấy với 3 phần nội dung: kiến thức ngôn ngữ; toán học, tư duy logic, phân tích số liệu; giải quyết vấn đề, kiểm tra kiến thức (hóa học, vật lý, sinh học, địa lý và lịch sử).
Hiện một số trường ĐH khác cũng đang tuyển sinh dựa vào bài thi kiểm tra năng lực như: Quốc tế TP.HCM, Luật TP.HCM, Việt – Đức…
Năm 2019, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng lên kế hoạch cho việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển thí sinh vào trường mình.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dự kiến cũng tuyển sinh dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực tổng hợp và điểm GPA (trung bình 3 năm THPT), điểm ở mỗi tiêu chí là 50%. Theo đại diện trường này, kỳ thi đánh giá năng lực do trường tự tổ chức, dự kiến mỗi năm tổ chức 4 lần để thí sinh có thể đăng ký thi nhiều lần, thậm chí trước khi tốt nghiệp THPT. Bài thi tổng hợp dự kiến gồm nhiều khối kiến thức như toán học, tiếng Anh, khoa học, xã hội và có thể một phần kiến thức cơ bản về kinh tế học.
|
Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)